Trong bối cảnh biến thể Delta lan rộng trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học phát hiện thêm một chủng virus SARS-CoV-2 liên quan đó là Delta Plus. Delta Plus là một dạng đột biến của biến thể Delta hiện đang chiếm ưu thế. Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta Plus – được xem là “hậu duệ” của biến thể Delta, có khả năng lây lan nhanh và kháng các phương pháp điều trị COVID-19. Vậy, biến thể Delta Plus là gì và tốc độ lây lan của nó có khủng khiếp như "quái vật" Delta?
Nhận diện biến thể Delta Plus - "hậu duệ" của Delta
Biến thể Delta Plus (còn được gọi tên khác là B.1.617.2.1 hoặc AY.1) là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, và là phiên bản đột biến mới của Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020.
Phân tích trình tự gen ở các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ, Hiệp hội Coronavirus Genomics Ấn Độ (INSACOG) báo cáo rằng chủng Delta Plus là “biến thể gây quan ngại” với 3 đặc điểm đáng quan tâm sau: tăng khả năng lây truyền, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng trong liệu pháp điều trị COVID-19.
Theo thống kê tới thời điểm đầu tháng 8/2021, biến thể Delta Plus hiện lan ra gần 30 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi Delta Plus và phát hiện có 430 ca mắc Delta Plus được phát hiện trên toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, 2 biến thể Delta và Delta Plus giống nhau về mặt di truyền, tuy nhiên, biến thể Delta Plus (còn được gọi là AY.1) có một đột biến bổ sung ở protein gai tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 và các loại virus khác tiếp cận với tế bào của con người. Đột biến này cũng được tìm thấy trong biến thể Beta ở Nam Phi, có khả năng làm giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị COVID-19 nhất định.
Biến thể Delta Plus có nguy hiểm hơn biến thể Delta?
|
Ảnh: Reuters. |
Dù nhận định mức nguy hiểm của biến chủng Delta Plus như trên, tuy nhiên, các chuyên gia tại nhiều quốc gia hiện có chung quan điểm rằng, số lượng ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Delta Plus ở mức thấp. Đây là là dấu hiệu cho thấy chủng virus này sẽ không vượt qua được biến thể Delta.
Trước đó, vào tháng 6/2021, các quan chức y tế ở Ấn Độ phân loại Delta Plus là một "biến thể đáng lo ngại" vì nó có khả năng gắn kết tốt hơn với các tế bào phổi và kháng lại các phương pháp điều trị COVID-19. Tuy nhiên gần đây, nghiên cứu của một tập đoàn công nghệ sinh học của Ấn Độ chỉ ra rằng các dòng phụ của Delta dường như không dễ lây lan như Delta. Tính đến ngày 23/7, Ấn Độ mới chỉ ghi nhận chưa tới 70 ca Delta Plus.
Trước dữ liệu này, giáo sư Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, ông Andrew Read cho hay, biến thể Delta Plus không đáng sợ hơn biến thể Delta. Theo ông, phổ biến về mặt địa lý không đồng nghĩa biến thể Delta Plus đang lây lan rộng.
Giáo sư Andrew Read cho biết thêm đột biến nằm trong protein gai nên biến thể Delta Plus có thể có một số lợi thế về khả năng tránh miễn dịch.
Có chung quan điểm trên, Y tế Công cộng Anh đánh giá không có bằng chứng nào khẳng định Delta Plus nguy hiểm hơn hoặc làm giảm hiệu quả vắc xin. Để kết luận Delta Plus là một mối quan tâm nghiêm trọng, các nhà khoa học sẽ cần bằng chứng chủng này dễ lây truyền hơn Delta, gây ra bệnh nặng hơn hoặc chống lại vắc xin.
Trước câu hỏi biến thể Delta Plus có nguy hiểm hơn biến thể Delta đang gây lo ngại gần đây, các nhà khoa học cho biết, để trụ vững và trở thành chủng virus thống trị, một biến thể cần phải lây nhiễm cho rất nhiều người và chứng tỏ khả năng lây truyền cao hơn. Cho đến nay, Delta Plus vẫn chưa làm được điều đó nhưng cần phải nghiên cứu thêm.
Ông Colin Angus, nhà phân tích và thiết kế chính sách y tế công cộng ở Anh có chung quan điểm trên và cho biết: "Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Delta Plus có khả năng trở nên thống trị so với biến thể Delta ban đầu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ chiếm chỗ đứng so với các biến thể COVID-19 hiện có''.
Nhà virus học Ấn Độ, Tiến sĩ Gagandeep Kang nhận định: “Bạn cần nghiên cứu vài trăm bệnh nhân mắc biến thể Delta Plus và tìm hiểu xem liệu họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với biến thể Delta ban đầu của nó hay không''.
Vắc xin - "chìa khóa" để dập tắt dịch bệnh
Hiện tại, các nhà khoa học không biết vắc xin có hiệu quả chống lại Delta Plus như thế nào. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp khi xuất hiện một số biến thể như Delta Plus, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ - ông Anthony Fauci cảnh báo virus sẽ tiếp tục đột biến một khi virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và còn bộ phận dân số chưa được tiêm chủng.
Theo ông Anthony Fauci, những người chưa tiêm chủng đang tạo điều kiện làm xuất hiện thêm các biến thể mới. Ông cũng cảnh báo những người chưa tiêm vắc xin sẽ khiến cho virus lây lan và tiếp tục đột biến, có nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của một biến thể mới gây hại đến cả những người đã được tiêm vắc xin.
Chính vì vậy, chuyên gia Anthony Fauci hối thúc mọi người cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể để bảo vệ bản thân trước biến thể Delta Plus cũng như các chủng virus SARS-CoV-2 khác. Những người chưa tiêm vắc xin nên suy nghĩ cho sức khỏe của bản thân, gia đình và trách nhiệm cộng đồng nhằm ngăn chặn virus này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, tiêm vắc xin được xem giải pháp hàng đầu trong cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Ông Fauci nhấn mạnh “tỉ lệ dân số áp đảo” được tiêm chủng sẽ giúp “dập tắt dịch bệnh”.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Gregory Poland, một chuyên gia về vắc xin tại Mỹ nhận định, con người chỉ có thể chiến thắng đại dịch COVID-19 khi có được siêu vắc xin ngăn chặn được lây nhiễm. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, các nước hãy tập trung nghiên cứu và tạo ra siêu vắc xin hoặc kết hợp giữa vắc xin tiêm bắp tay và vắc xin dạng xịt mũi để ngăn chặn sự lây lan của các chủng virus SARS-CoV-2.
Mời độc giả xem video: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Nguồn: THDT.