Nhà máy điện - khí thiên nhiên hóa lỏng 2,5 tỷ USD ai sẽ đầu tư?

Khu kinh tế Vũng Áng hiện có khoảng 150ha dành cho nhà máy điện Vũng Áng III là khu đất sạch đã được đền bù giải tỏa và khu vực làm cảng khoảng 42ha xây dựng kho cảng LNG. 
Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất triển khai dự án Nhà máy điện - khí LNG Vũng Áng III với quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500MW và công suất sau năm 2030 là 4.500MW; tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đồng ý cho phép Hà Tĩnh triển khai lập dự án đầu tư đối với Nhà máy điện - khí LNG Vũng Áng III thay thế Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III, với quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500MW và công suất sau năm 2030 là 4.500MW; tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Đồng thời, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức, thực hiện khảo sát, lập dự án và các nội dung liên quan theo đúng thẩm quyền, quy định.
Nha may dien - khi thien nhien hoa long 2,5 ty USD ai se dau tu?
Một góc Khu kinh tế Vũng Áng 
Khu kinh tế Vũng Áng hiện có khoảng 150ha dành cho nhà máy điện Vũng Áng III là khu đất sạch đã được đền bù giải tỏa và khu vực làm cảng khoảng 42ha xây dựng kho cảng LNG. Do đó, việc xây dựng kho cảng tại Hà Tĩnh là phù hợp khi địa phương này được quy hoạch đầu tư kho cảng LNG. Theo quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm nhập khẩu và phân phối khí LNG được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Mục tiêu dự án là để hình thành Trung tâm điện lực tại Khu kinh tế Vũng Áng, góp phần đảm bảo an ninh về năng lượng quốc gia, tạo điều kiện kích thích phát triển kinh tế xã hội, làm tiền đề cho phát triển ngành khai thác, xuất nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Trước đó, khoảng tháng 9 - 11/2023, PV Power đã có văn bản đề xuất nghiên cứu đầu tư Nhà máy điện LNG tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD và PV Gas đề xuất nghiên cứu đầu tư Trung tâm kho cảng LNG tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, hiện PV Power và PV Gas đang mới bước đầu thực hiện nghiên cứu, khảo sát, chưa có số liệu cụ thể chính thức để đánh giá thẩm định, các dự án vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục làm rõ, tháo gỡ, xử lý để có thể triển khai.
Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư, gồm: Tổ hợp nhà đầu tư: JERA Co.Inc và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT); Nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; Nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group).
Được biết, Khu kinh tế Vũng Áng nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, có diện tích tự nhiên 22.781ha; là 1 trong 19 khu kinh tế ven biển với các ngành có ý nghĩa chiến lược và quy mô lớn nhất cả nước: Khu liên hợp luyện cán thép, công suất 22 triệu tấn/năm; trung tâm nhiệt điện, công suất 7.000MW; cảng nước sâu công suất xếp dỡ hàng hóa 50 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 82 triệu tấn/năm.
Minh Châu (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN