Nhà hát 1.500 tỷ và chuyện xây tượng đài quá hời

Trong những bình luận rôm rả quanh dự án nhà hát giao hưởng ngàn tỷ đồng, không ít ý kiến mang tượng đài ra so sánh: Nhà hát 1.700 chỗ ngồi, “mới có” 1.500 tỷ đồng. Thế thì xây tượng đài xem chừng… “hời” quá.
Trong những bình luận rôm rả quanh dự án nhà hát giao hưởng ngàn tỷ đồng, không ít ý kiến mang tượng đài ra so sánh: Nhà hát 1.700 chỗ ngồi, “mới có” 1.500 tỷ đồng. Thế thì xây tượng đài xem chừng… “hời” quá.
Nha hat 1.500 ty va chuyen xay tuong dai qua hoi
Nhiều người cho rằng, chính quyền nên tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng các công trình như đường sá, trường học, bệnh viện, hệ thống chống ngập…  
Nhà hát và tượng đài, giống nhau ở chỗ đều phải đầu tư không ít tiền của để dựng xây, tùy theo tầm vóc, qui mô. Và chúng đều có nhiệm vụ mang lại lợi ích tinh thần cho con người. Nhưng không thể coi nhà hát và tượng đài là… như nhau, vì rõ ràng, chúng đưa lại giá trị tinh thần khác nhau. “Cân” nhà hát, tượng đài rồi “đọ giá” để kết luận, thứ nào tốn kém hơn thứ nào, là một cách nghĩ hạn hẹp. Vẫn cần tính toán xem xây dựng một công trình văn hóa lớn trong điều kiện, hoàn cảnh và môi trường hiện nay đã phù hợp hay chưa. Song cách đặt vấn đề đắt, rẻ trong văn hóa, nghệ thuật theo cách trên là không thỏa đáng.
Ngược thời gian, cách đây tầm 3 năm, dư luận xôn xao với việc xây dựng khu tượng đài 1.400 tỷ đồng ở thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), một vị tiến sỹ, kiến trúc sư nổi tiếng khi đó đã lên tiếng: Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, địa phương cần cân nhắc nguồn lực, tính toán qui mô, nguồn vốn… sao cho phù hợp. Nhưng ông bày tỏ quan điểm cá nhân: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần nhìn tổng thể giá trị văn hóa. Đôi khi văn hóa phải đi trước”.
Có lẽ, nắm được tinh thần hay cân đo “đắt, rẻ” của dư luận nên các ông trùm ca nhạc, giải trí trước mỗi chương trình của mình, thường chủ động công khai khoản đầu tư. Một ca sỹ vừa tuyên bỏ ra 5 tỷ đồng làm liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát là một thí dụ. Trong trường hợp này, quảng cáo đầu tư lớn lại phát huy tác dụng khi một số người quan niệm: “Chương trình đầu tư cao, chất lượng cao”. Đã thế, nữ ca sỹ còn tiết lộ dành 100 phần quà trang sức tặng 100 khán giả nữ may mắn, cùng nhiều phần đố vui có thưởng. Thế là nhiều người quên ngay chuyện cơm áo để mua vé xem ca nhạc.
Còn nhớ, cách đây nhiều năm, có một vở chèo ở thủ đô làm công chúng xôn xao, trước hết vì quảng cáo đầu tư hơn tỷ đồng, riêng trang phục đã ngốn nửa tỷ đồng. Và cho đến nay, cũng ít vở chèo hay vở tuồng nào được công bố đầu tư tiền tỷ (Có thể kể đến một vài vở chèo tiền tỷ khác như “Cao Bá Quát”, “Vương nữ Mê Linh”). Đây cũng là lí do khiến tuồng, chèo ngày càng “đói” khán giả chăng?! Sự định giá “đắt xắt ra miếng” hình như cũng làm khổ nhiều người làm nghệ thuật và cũng khiến khán giả đôi khi nhầm lẫn “vàng, thau”.
Theo Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN