9 giờ 30 ngày 5/4, nhóm của ông Minh Trung gồm 9 người mang hơn 500 hộp cơm, kèm những chai sữa đậu nành ra đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM kê bàn đứng phát cho người qua đường.
Lần lượt các anh xe ôm, các cô chú bán vé số, nhặt ve chai, người lao động đang thất nghiệp trong thời gian cách ly toàn xã hội đến nhận cơm trong niềm vui và những cái gật đầu cảm ơn.
Chỉ không đến một giờ, nhóm ông Trung đã phát hết những hộp cơm mang ra. Nhiều người chạy xe đến lấy cơm ăn nhưng không còn nữa. Ông Trung phải thay mặt nhóm động viên: ‘Bà con thông cảm nhé, hôm nay, cơm hết rồi. Sáng mai, bà con đến sớm hơn nha’.
|
Nhóm từ thiện của ông Minh Trung. |
‘Mai anh để tôi một phần nha’, người phụ nữ đi chiếc xe đạp cũ kỹ dặn. Ông Trung xin số điện thoại người phụ nữ để hôm sau gọi cho chị đến lấy kẻo không may cơm hết lại đi về.
Nhóm ông Trung là những phật tử tại chùa Giác Huệ. Ngày 1/4 việc cách ly toàn xã hội 14 ngày bắt đầu được thực thi. Từng làm thiện nguyện tại chùa, nhóm ông Trung đặt câu hỏi, cách ly toàn xã hội thì người bán vé số, người lao động nghèo, rồi những người bị thất nghiệp mùa dịch sẽ trang trải cuộc sống như thế nào. Sau khi đưa ra các cách để có thể giúp người nghèo, họ thống nhất, cả nhóm chung tiền, kết hợp với quỹ từ thiện của nhà chùa nấu cơm mang ra đường phát cho người nghèo.
|
Các phần cơm nhóm ông Trung chuẩn bị để phát cho người nghèo. |
Ngày 2/4, việc thiện nguyện của cả nhóm bắt đầu. Họ chia nhau, người đi chợ, người làm rau, người đứng bếp nấu, người vào hộp… Buổi sáng, họ nấu 1.200 phần, buổi chiều là 300 phần cơm.
Đúng 9 giờ sáng, cả nhóm mang 1.200 phần cơm đi phát ở hai điểm. 500 phần cơm sẽ được phát ở đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7. 700 hộp còn lại sẽ đưa đến đường Trần Minh Quyền, Quận 10 phát. Những người mà nhóm hướng đến là bác xe ôm, người bán vé số, những người thất nghiệp trong mùa dịch. Hoặc ai qua đường, có cuộc sống khó khăn cứ ghé lấy.
Ông Trung cho biết, các món ăn sẽ được nhóm thay đổi liên tục để người ăn đỡ ngán. Như hôm 5/4 là món gà kho xả, thịt kho trứng. Hôm sau sẽ là cá chiên, canh chua, hoặc trứng chiên…
|
Ông Trung cho biết, có những người có điều kiện, nhưng họ vẫn ghé lấy cơm ăn. |
Những phần cơm nhóm ông Trung nấu được tăng lên mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ để phát. ‘Chúng tôi nấu phát cho người nghèo, mà người khá giả đến lấy nhiều lắm. Họ lấy ăn, còn xin được mang về cho gia đình ăn nữa. Họ đến, năn nỉ cho một hộp, mình không đưa sao đành’, giọng ông Trung rầu rĩ.
Người đàn ông quê gốc Sài Gòn cho biết, cả nhóm dự định sẽ phát đến ngày 15/4. Tuy nhiên, nếu còn cách ly, cả nhóm vẫn cứ tiếp tục góp tiền làm việc thiện.
‘Giữa lúc dịch bệnh, kinh tế ai cũng khó khăn, nhưng chúng tôi còn có nhà mà ở. Nhiều người nghèo phải đi thuê trọ, bị thất nghiệp, không có thu nhập nên khó khăn lắm. Anh em chúng tôi muốn giúp họ cải thiện được bữa ăn', ông Minh Trung thay mặt cả nhóm nói.
Cùng với việc làm thiện nguyện của nhóm ông Trung, những ngày qua, nhiều cá nhân, mạnh thường quân ở Sài Gòn cũng chung tay giúp người lao động nghèo vượt qua khó khăn giai đoạn dịch bệnh. Họ phát gạo, cơm, khẩu trang, nước rửa tay, mì tôm, sữa và cả tiền mặt để gửi gắm tình yêu thương. Ai cũng có dự định sẽ làm việc thiện đến ngày 15/4 hoặc hơn nếu lệnh cách ly toàn xã hội vẫn chưa xóa bỏ.
|
Chỉ không đầy một giờ, 500 phần cơm đã phát hết. |
Ngày 4/4, chị Huyền Trân, ở Quận 10 viết trên trang cá nhân: ‘Hôm nay đã phát xong 100 phần quà tặng cho người nghèo. Mỗi một phần quà gồm: 1 thùng mì, 5 kg gạo, 1 gói bún gạo khô, 1 chai dung dịch sát khuẩn, 1 khẩu trang và 30 viên vitamin C. Mình vui dễ sợ luôn. Công đầu tiên nhờ nhỏ bạn thân cho 100 thùng mì’.
Chị Huyền Trân cùng với một nhóm bạn mở quán cơm chay 0 đồng bán cho người nghèo mỗi ngày. Khi lệnh cách ly toàn xã hội ban hành, nhóm của chị ngoài làm việc thiện như cũ còn mang quà đi phát cho những người lao động nghèo ở xa, không đến quán lấy cơm ăn được.
|
Hầu hết người nhận cơm là người nghèo, làm các công việc thu nhập thấp, bấp bênh. |
10 giờ trưa, các ngày trong tuần, ở 503 Hoàng Sa, Phường 8, Quận 3, gia đình chị Trinh Phạm cũng chuẩn bị các phần quà gồm: bánh mì, hoặc bánh bao, nước suối, cơm, mì tôm phát cho người làm nghề bán vé số, chạy xe ôm…
Để tránh tụ tập đông người, không gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Nhà nước, gia đình chị gói sẵn các phần quà, ai đến là mang ra phát.
Chị Trinh cho biết, các phần quà này chỉ được phát cho người nghèo và những người thật sự cần nó. Còn những người có điều kiện, gia đình chị từ chối.
‘Nhiều người đi xe tay ga, đeo vàng, đi từng nhóm qua xin, nhà tôi từ chối, hoặc gọi lực lượng chức năng đến. Trinh muốn chắc chắn rằng, các phần quà này phải được trao tận tay người nghèo và họ thực sự cần nó’, chị Trinh nói.