Người dân nói gì về việc chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn?

Hàng chục người dân vẫn đang tập trung nhau dựng lều bạt "cắm chốt" ở các đường dẫn vào khu bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) để chặn các xe chở rác vào bãi rác này.
Ghi nhận của PV Kiến Thức từ sáng đến chiều ngày 14/1, hàng chục người dân thuộc các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) vẫn thay phiên nhau “cắm chốt” khắp các ngả đường dẫn vào khu xử lý chất thải Sóc Sơn để chặn xe chở rác đi vào bãi tập kết. Việc chặn xe rác diễn ra từ ngày 11/1.
Không chỉ dựng lều bạt, người dân còn mang theo bàn ghế để ngồi cùng với bình gas, nồi, siêu, nước, mỳ tôm…, để nấu ăn ngay trên đường.
Nguoi dan noi gi ve viec chan xe rac vao bai rac Nam Son?
Người dân vẫn dựng lều bạt, chặn xe rác vào bãi rác Nam Sơn trong sáng và chiều ngày 14/1. 
Theo người dân, sở dĩ họ có hành động như vậy là do bãi rác Nam Sơn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nơi đây đã lâu nhưng đến nay phía cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm khiến họ bức xúc.
Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Nga (người dân xã Hồng Kỳ): “Số người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da ở bán kính gần bãi rác Nam Sơn rất nhiều. Trong khi đấy, những nhà vẫn nằm trong bán kính phải di dời nhưng đến nay vẫn nằm im, không thấy chính quyền xử lý. Mưa xuống thì nước từ bãi rác chảy ra đen ngòm, ô nhiễm hết các suối nước không thể sử dụng được, trồng cây thì không ra quả… Thử hỏi làm sao mà chúng tôi sống được”.
Nguoi dan noi gi ve viec chan xe rac vao bai rac Nam Son?-Hinh-2
 Cận cảnh khu xử lý rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.

Nguoi dan noi gi ve viec chan xe rac vao bai rac Nam Son?-Hinh-3
Nhiều người dân xã Hồng Kỳ, mang bàn ghế, che bạt chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn trong sáng ngày 14/1. 
Bà Trần Thị Dung (xã Nam Sơn) cũng bức xúc, nói: “Năm 2016, người dân chúng tôi cũng từ chặn xe vì bức xúc rồi, sau đó ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP Hà Nội đã về tận nơi đối thoại với người dân, rồi hứa trước người dân rằng sẽ đền bù, di dời những hộ dân trong điều kiện ra khỏi khu vực bị ô nhiễm. Nhưng đến nay, bước sang năm 2019 rồi, đã hết hạn nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng, bệnh tật dày vò, thử hỏi sao mà không bức xúc cho được”.
Trong khi đó, ông Đỗ Trọng Đệ (người dân xã Nam Sơn) cho biết, do ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn, người dân hiện đang mắc phải các bệnh hề đường hô hấp, phế quản. Nếu vẫn tiếp tục phải hứng chịu như hiện nay thì có lẽ tuổi thọ của người dân sẽ giảm đi nhanh chóng hơn.
“Người dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm đền bù, di dời những hộ trong bán kính bị ảnh hưởng đến nơi định cư phù hợp. Có như vậy, cuộc sống chúng tôi mới không còn bị ảnh hưởng”, ông Đệ giãi bày.
Trước đó, liên quan đến sự việc, ngày 13/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Đặc biệt, tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận huyện, lãnh đạo huyện Sóc Sơn báo cáo: Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND thành phố, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại với dân đến tận 3 giờ sáng.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, rác đã tồn tại trong các đường phố Hà Nội 3 ngày. Rác trong nội đô trong thời gian qua đã được vận chuyển ra một số bãi rác tạm. Tuy vậy, 3 ngày cũng là thời điểm quá sức chứa các bãi rác tạm và sẽ khó cầm cự quá 4 ngày.
Bảo Ngân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN