Dắt nhau vào tù vì 500 nghìn đồng
Dáng người cao lớn nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Bình, SN 1958, trú tại Hồng Bàng, TP Hải Phòng lại rất mau nước mắt. Trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc bà ta lại đưa khăn lên lau mặt. Bình bảo rất ân hận vì việc làm của mình, nhất là những ngày lễ Tết, vợ chồng Bình được ở bên nhau, ăn bữa cơm sum họp.
Theo tài liệu điều tra, Nguyễn Thị Bình làm nghề bán hàng ăn còn chồng trước đây làm thợ xây nhưng từ ngày bị tai nạn lao động, sức khỏe yếu nên chỉ làm việc nhì nhằng, ai thuê gì làm nấy, song chủ yếu là ở nhà. Có một người con gái để nhờ cậy thì lại chật vật đường tình duyên. Theo lời Bình kể thì con gái bà ta làm công nhân may, chồng mất sớm vì mắc bệnh hiểm nghèo. Thương con gái góa chồng sớm một thì bà thương hai đứa cháu ngoại gấp mười lần. Bình bàn với chồng đón con, đón cháu về nhà cưu mang. “Tôi cũng chẳng giàu có nhưng con nó thế mình đâu nỡ ngồi nhìn. Thôi thì còn sức khỏe thì mẹ con, bà cháu gồng gánh, đỡ đần nhau lúc khó khăn”, Bình kể.
Nói là bán hàng ăn chứ thực ra đó chỉ là mẹt lòng lợn, Bình kê ở đầu ngõ. Như lời phạm nhân này, ngày nào bán hết được lãi 200 nghìn đồng, đủ chi phí sinh hoạt cho cả nhà nhưng hôm nào ế thì cả nhà chẳng có gì ăn ngoài cơm và lòng lợn. Nhưng để có tiền hôm sau lấy hàng lại phải cầu cứu con gái.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn với vòng quay đã định sẵn. Đâu ngờ trong một buổi chiều chạy tới, chạy lui mà vẫn không kiếm đủ tiền để hôm sau lấy hàng, Bình đã tặc lưỡi khi được một con nghiện thuê xuống Hải Dương lấy hộ hàng. Tiền công chuyến đi ấy là 500 nghìn đồng. “Tôi làm theo chỉ dẫn của anh ta nên bảo chồng chở về TP Hải Dương mua ma túy, đến lúc quay về còn chưa ra khỏi TP thì bị bắt”, Bình kể.
Bị kết tội vận chuyển ma túy, Nguyễn Thị Bình bị kết án 18 năm tù còn chồng chị ta là Phùng Văn Thắng, chịu mức án 16 năm tù. Cả hai cùng về trại giam Hoàng Tiến cải tạo.
|
Phạm nhân Nguyễn Thị Bình tâm sự với PV. Ảnh: Nguyễn Vũ |
Nỗi cô đơn tuổi già...
Vào trại cải tạo từ năm 2008, Bình lao động ở đội làm hàng mã còn chồng thì bên phân trại nam, ở đội bệnh xá. Con gái ở nhà một thời gian thì lấy chồng người ngoại quốc, giờ đã ra nước ngoài sinh sống. “Nhắc đến con thì rầu lòng lắm các chị ạ. Năm chúng tôi bị bắt thì nó lấy chồng. Ngày còn ở trại giam cứu, nó có vào thăm tôi một lần, thông báo là chuẩn bị lấy chồng. Cứ nghĩ nó nói đùa, ai dè làm thật. Từ đó đến nay, chúng tôi bặt tin con luôn, không biết nó sang đó ăn ở thế nào”, Bình tâm sự.
Theo lời nữ phạm nhân, vì thương hoàn cảnh vợ chồng Bình mà một người cháu họ xa, cách đây 2 năm đã vào thăm. Qua trò chuyện với người cháu, Bình mới biết con gái mình sau khi lấy chồng, sinh thêm đứa con thứ ba đã theo chồng sang Thụy Điển định cư. Điều khiến Bình bất ngờ và sốc là cô con gái sau khi cưới chồng, sinh con đã bán tất tật tài sản, kể cả căn nhà mà vợ chồng Bình cố gắng giữ gìn ngay trong lúc cuộc sống khó khăn nhất, để cùng chồng ra nước ngoài sinh sống. “Nghe thằng cháu nói con gái tôi bán nhà mà tôi không tin. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì điều đó. Không hiểu tại sao con tôi lại làm vậy. Nó bán nhà rồi thì sau này ra trại, vợ chồng tôi sẽ ở đâu, sống thế nào. Hay là nó nghĩ với bản án gần hai chục năm tù, vợ chồng tôi sẽ bỏ xác ở nơi này”, Bình tâm sự mà như chờ đợi một câu trả lời.
Chúng tôi không biết nói sao còn nữ phạm nhân luống tuổi Nguyễn Thị Bình cúi đầu im lặng. Không nói ra song chắc trong lòng người mẹ bao năm chắt chiu, trông ngóng và đặt nhiều hy vọng vào đứa con duy nhất sự trông cậy lúc tuổi già như Bình, buồn lắm. Nỗi buồn ấy Bình chỉ biết chất chứa trong lòng, không một lần hé răng với chồng vì sợ “ông nhà tôi mà biết là mãi tới năm 2014, con gái mới xuất ngoại thì chắc ông ấy đau khổ lắm ”.
Hỏi Bình có giận con không, bà ta trầm ngâm. Bình bảo chẳng biết có còn giận con hay không vì bây giờ chỉ nghĩ đến việc làm được điều gì đó cho chồng thì làm để lương tâm đỡ cắn rứt. “Cách đây 2 năm ông nhà tôi bị tai biến, liệt nửa người phải nằm viện mấy tháng liền. Trại cho tôi ra thăm rồi thấy bệnh tình ông ấy nặng thì cho ở lại chăm luôn. Suốt mấy tháng trời tôi cứ theo ông ấy hết bệnh xá rồi ra BV tỉnh. Ban giám thị trại tạo điều kiện cho theo chăm chồng nên tôi cũng tranh thủ nấu cho ông ấy vài món đồ ăn ưa thích. Đến khi ông ấy khỏe, về bệnh xá của trại thì tôi chỉ được thăm một lúc vào buổi sáng thôi rồi về đi làm. Giờ thì mỗi tuần chúng tôi được gặp nhau một lần. Ngày lễ tết thì được ăn bữa cơm sum họp và ngồi nói chuyện với nhau trong thư viện”, phạm nhân Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Hỏi Bình đã lần nào được gặp chồng ở dãy buồng hạnh phúc, người đàn bà này đỏ mặt. Bình bảo giờ chỉ có nhu cầu chia sẻ, thăm hỏi động viên nhau chứ những việc khác dù có muốn cũng không thấy cần thiết nữa. “Mỗi lần gặp nhau tôi day dứt lắm, nhất là khi thấy sức khỏe ông ấy ngày càng yếu đi. Nhiều lần tôi cũng bảo ông ấy thông cảm mà bỏ qua cho tôi, ông ấy đều gạt đi. Ông ấy không chấp, tôi lại càng suy nghĩ”.
10 năm cải tạo, Bình đã 4 lần được giảm án. Chồng Bình cũng được giảm như vợ. Bình bảo mỗi khi được giảm án, tâm trạng rất vui, nhưng cứ nghĩ đến ngày trở về lại lo. Bình bảo không biết sẽ phải nói thế nào với chồng về việc con gái đã bán mất nhà nhưng “dù thế nào thì tôi cũng phải cho chồng biết để ông ấy chuẩn bị tâm lý”. Bình hứa như một lần nhắn nhủ với chúng tôi về quyết tâm của mình. Bình bảo sau này ra trại sẽ cố gắng làm chỗ dựa cho chồng và hy vọng con gái sẽ sớm thông tin về cho ba mẹ. Câu nói của Bình khiến chúng tôi cứ thấy ngậm ngùi. Giá như người đàn bà ấy sớm tỉnh ngộ thì có lẽ cuộc đời Bình và cả gia đình không cô độc đến thế...