Ngày đầu thi lớp 10: Đề dễ nhưng khó có điểm cao

Được trông đợi nhất trong kỳ thi lớp 10 năm học 2018 là đề thi môn văn nhưng theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề chưa thực sự đột phá
Ngày 2/6, 87.000 thí sinh (TS) tại TP HCM đã tham dự ngày đầu kỳ thi lớp 10 với môn ngữ văn (sáng), tiếng Anh (chiều). Đề ngữ văn được chờ đợi nhất trong ngày thi đầu tiên do chủ trương đổi mới đề thi môn này của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi chưa thực sự hay hoặc có đột phá gây ấn tượng.
Đề văn: Gần gũi nhưng khiên cưỡng
Sáng 2/6, ghi nhận tại nhiều điểm thi, nhiều TS hào hứng cho rằng đề thi văn năm nay khá dễ thở. Nhiều em còn cho biết trúng "tủ" khi ôn tập phần bài thơ "Đồng chí". Vì cho rằng đề nhẹ nhàng nên TS tự tin điểm văn năm nay sẽ cao.
Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy văn tại TP HCM cho rằng đề đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ phân hóa, tính nhân văn, khả năng tư duy của TS. Thế nhưng, chính vì nhiều vai quá khiến cho đề thi có phần khiên cưỡng, khô khan.
Theo thầy Lê Duy Tân, giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), đề thi gần gũi với cuộc sống, vừa sức và có tính phân hóa cao, đòi hỏi TS phải nắm vững kỹ năng làm bài. Câu đọc - hiểu văn bản bàn về vấn đề rác thải nhựa. Đây là vấn đề nóng bỏng cần được xã hội quan tâm đúng mức. Nội dung các câu hỏi kỳ thi tuyển lớp 10 không quá khó, có sự phân hóa TS theo từng câu hỏi.
 Các thí sinh trao đổi sau ngày thi đầu tiên Ảnh: TẤN THẠNH
Phần câu nghị luận xã hội khá thú vị, vừa dẫn dắt vừa gợi mở cho TS lựa chọn quyết định. Vấn đề được đặt ra trong đề bài gần gũi với cuộc sống của TS. Tuy nhiên, nếu TS chưa nắm vững kỹ năng làm bài thì phần đề này hơi quá sức.
Câu nghị luận văn học dạng đề không mới, đã xuất hiện trong các kỳ thi ở những năm trước. TS ôn tập kỹ có thể làm tốt yêu cầu của đề. Ở đề thứ nhất đã có sự tương đồng với dạng đề THPT quốc gia, cũng là một cách để TS làm quen dần với kỳ thi quan trọng sắp tới. So với đề số 1, đề số 2 có độ mở nhiều hơn. Tuy nhiên, để làm được câu này, đòi hỏi TS phải có nền tảng lý luận văn học và độ cảm thụ tác phẩm tốt. "Hạn chế lớn nhất của đề thi là phần văn bản đọc - hiểu khá dài, có thể khiến TS mất nhiều thời gian và khó nắm kỹ nhiều nội dung trong một thời gian ngắn" - thầy Tân nhận xét.
Trong khi đó, cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho rằng đề văn vừa sức với TS nhưng có thể nói vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Theo cô Quỳnh Anh, đề thi môn văn đúng với đề thi minh họa đã công bố trước đây. "Lạ" nhất và hay nhất của đề nằm ở câu số 2 phần nghị luận văn học. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái thật ra là vấn đề cũ nhưng khai thác theo hướng mới, có sáng tạo, thay đổi so với cách hỏi truyền thống. Đây cũng là câu phản ánh được khả năng tư duy, phản biện, phân hóa TS.
"Những TS bình thường có thể sẽ chọn cả 3 hình để trình bày. Thật ra, trong câu này đã có yếu tố "gài" TS bằng cách cho 3 hình vẽ. Nhưng những TS thông minh chắc chắn sẽ chọn hình số 2 để diễn giải. Đây cũng là câu có đất để TS thể hiện khả năng tư duy, phản biện, bảo vệ quan điểm của mình" - cô Quỳnh Anh phân tích.
Ở phần đọc - hiểu có thể nói là tương đối ổn. Nhiều ý kiến cho rằng nó hơi dài nhưng đó là văn bản tường minh, đồng thời có hơi hướng tích hợp liên môn ở phần này. Đó là việc tích hợp kiến thức địa lý nhưng TS vẫn phải dùng kiến thức văn học để trả lời. Ở câu số 3, đề số 1 thì bình thường, TS muốn lấy điểm an toàn, chắc chắn thì chọn đề số 1. Những TS thật sự có năng khiếu văn sẽ chọn đề số 2.
Nhìn chung, với đề thi văn như trên, TS tầm trung có thể đạt 6-7 điểm nhưng sẽ khó đạt điểm 8 và không dễ dàng đạt điểm cao hơn.
Tiếng Anh: Không dễ có điểm 10
Khác với môn văn, đề thi tiếng Anh buổi chiều khiến TS phải khá cân nhắc, tư duy. Em Dư Ngọc Tường Vy, lớp 9.11 Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết đề thi có 36 câu, trong đó có tới 10 câu khó. Phần hiểu nhiều hơn và phần suy luận hơi ngược, nhất là phần đọc - hiểu văn bản rồi phải phân biệt văn bản nào đúng, văn bản nào sai. "Em chỉ làm được khoảng 60%-70% và làm vừa tròn thời gian" - Vy cho biết.
Theo cô Bùi Thị Trúc Linh, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh), đề tiếng Anh sẽ có nhiều điểm 6, 7, 8 vì nhìn chung vừa sức TS. Chỉ có một vài câu đánh đố, bắt bẻ như câu 6 phần I, phần sắp xếp lại câu, phần đọc - hiểu. Đề tiếng Anh thi tuyển lớp 10 năm nay cũng đã có những câu hỏi ứng dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn như 2 câu về biển báo (câu 11, 12); nhất là câu về đoạn văn miêu tả về môi trường, trong đó yêu cầu tiết kiệm năng lượng điện và tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế.
"Đề nhìn qua vừa sức, TS dễ dàng đạt điểm 5, 6. Điểm 9 nhiều nhưng điểm 10 thì rất hiếm" - cô Linh nhận định.
Theo Đặng Trinh/ Người Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN