1. Những ngày cuối tháng 1 vừa qua, dư luận nhân dân TP Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung xôn xao trước vụ việc cướp có vũ khí xảy ra tại phòng giao dịch Dĩnh Kế, Ngân hàng NN&PTNT tại số 1122 đường Lê Lợi, phường Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Chiều ngày 26-1-2018 với sự chuẩn bị từ trước, đối tượng Nguyễn Đức Minh bất ngờ xông vào phòng giao dịch này, dùng súng và mìn tự chế đe dọa bắt các giao dịch viên phải lấy hơn 1 tỷ đồng cho vào balô rồi đưa cho hắn. Xong việc, hắn đàng hoàng đi ra cửa lên xe máy tẩu thoát mà không vấp phải bất kỳ một sự ngăn trở nào. Sau hơn 20 giờ gây án, lực lượng điều tra hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt được đối tượng, nhưng vụ án cướp ngân hàng này cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm.
Được biết, theo quy định, tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng đều phải có bảo vệ. Nếu là hội sở, phòng giao dịch lớn thì có từ 1 đến 4 nhân viên bảo vệ và cả lực lượng cảnh sát bảo vệ. Vậy nhưng buổi chiều ngày 26-1 (ngày xảy ra vụ cướp ở Bắc Giang), bảo vệ của chi nhánh này lại không có mặt. Đây thực sự là một sơ hở chết người.
Bên cạnh đó, cho dù có hệ thống camera, tuy nhiên cũng không thể “phó thác” việc bảo vệ an ninh cho hệ thống này. Vì các đối tượng phạm tội thường có cách để vô hiệu hóa. Trên thực tế, hình ảnh từ camera chỉ giúp được phần nào trong việc định hướng truy tìm thủ phạm.
|
Nguyễn Đức Minh cướp hơn 1 tỷ đồng khi bảo vệ phòng giao dịch Dĩnh Kế thuộc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Bắc Giang “đi vắng”. |
Cũng vào một ngày cuối năm cách đây chưa lâu trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một vụ cướp ngân hàng rất nghiêm trọng. Camera của ngân hàng thu được một số hình ảnh của đối tượng gây án, song mất khá nhiều thời gian mà tung tích của hắn vẫn là một bí ẩn.
Một đối tượng nam đã xông vào Phòng giao dịch chi nhánh MBBank (tầng 1 tòa nhà CT 4, khu đô thị Sông Đà, Mỹ Đình, Từ Liêm), dùng dao khống chế nhân viên bảo vệ và một nữ nhân viên thu ngân. Sau khi dùng băng dính trói các nạn nhân vào góc phòng giao dịch, tên cướp đã gom hơn 600 triệu đồng và hơn 12.000 USD trong ngăn kéo quầy thu ngân nhét vào balô rồi nhanh chóng bỏ trốn. Vụ cướp ngân hàng manh động gây xôn xao dư luận Hà Nội và phải mất gần một năm trời mới tìm ra thủ phạm.
Năm 2008, tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần trên phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vụ cướp hết sức táo tợn. Lợi dụng thời điểm buổi trưa vắng người, tại ngân hàng chỉ có thủ quỹ Phan Thị Ngân và nhân viên bảo vệ Lê Văn Tiến (32 tuổi, trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Vì là giờ nghỉ trưa nên anh Tiến vào trong quầy hàng ngồi, cửa ra vào hơi khép lại.
Đúng lúc đó, có 2 thanh niên đi xe Wave màu xanh sẫm không BKS dừng trước chi nhánh ngân hàng. Rồi cả chị Ngân và bảo vệ Lê Văn Tiến đứng sững như “trời trồng” khi trông thấy 2 lưỡi dao trên tay những kẻ lạ mặt. Một tên khống chế, trói nghiến chị Ngân lại. Bảo vệ Lê Văn Tiến cũng bị chúng dùng băng dính trói chân tay, bịt miệng. Sau đó 2 tên cướp quay sang uy hiếp chị Ngân mở khóa két. Toàn bộ số tiền trong két gần 920 triệu đồng đã bị chúng lấy đi.
Thời điểm đó việc điều tra bị bế tắc còn do chi nhánh ngân hàng này đã quá chủ quan, không hề lắp hệ thống camera hay báo động... Phải đến 6 năm sau, đối tượng Triệu Minh Tuấn (33 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) - kẻ chủ mưu của vụ cướp trên - mới bị Cơ quan công an bắt giữ.
2. Theo một điều tra viên giàu kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, khoảng 8-10 năm về trước, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra khá nhiều vụ cướp ngân hàng. Đến mức liên tiếp trong các năm 2011 và 2012, Công an TP Hà Nội phải tổ chức 2 cuộc diễn tập chống cướp ngân hàng, giải cứu con tin có sự tham gia của đại diện tất cả các ngân hàng lớn nhỏ trên địa bàn TP.
Khoảng 2-3 năm trở lại đây, mỗi năm trên địa bàn TP chỉ có 1-2 vụ cướp ngân hàng, đối tượng đều đã bị bắt giữ tại chỗ. Tuy nhiên, qua những vụ việc trên cũng cho thấy những sơ hở của các ngân hàng này.
Trung tá Vũ Đức Bình, điều tra viên Phòng CSHS kể lại với chúng tôi vụ án do anh thụ lý. Vào tháng 10-2015, đối tượng Zhang Ze Ming (quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam du lịch và làm mất túi đựng tiền, hộ chiếu, thẻ ngân hàng... Anh ta nảy sinh ý định đi cướp tài sản để có tiền quay về Trung Quốc. Zhang Ze Ming đã chuẩn bị 1 chiếc búa đinh, 1 đôi găng tay, 1 khẩu trang rồi đi tìm địa điểm để thực hiện ý định của mình.
Khoảng 9 giờ ngày 29-10, Zhang Ze Ming đi đến Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Bắc Hà Nội có địa chỉ 18 Hàng Đậu (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Anh ta lên quầy giao dịch trên tầng 2 nhưng thấy đông người nên ngồi chờ.
30 phút sau khi thấy phòng giao dịch đã bớt người, Zhang đến quầy giao dịch gặp nhân viên ngân hàng rồi nói bằng tiếng Trung Quốc nhưng chị này không hiểu. Zang lấy 1 tờ giấy khổ A4 và ghi dòng chữ “Give me 10.000.000 dong” (có nghĩa là đưa cho tôi 10 triệu đồng) và đưa cho nhân viên này.
Nhân viên này cầm tờ giấy, vờ không hiểu rồi đưa cho một nhân viên khác để chị này bấm điện thoại xin hỗ trợ. Zhang phát hiện, lập tức đi nhanh vào phía trong quầy giao dịch, vừa đi vừa giơ búa lên rồi hét lớn và chỉ tay vào két sắt ý nói là mở két sắt đưa tiền.
“Đối tượng chỉ có trong tay một cái búa đóng đinh bình thường mà các nhân viên ngân hàng đều dạt hết về một phía, miệng kêu ú ớ, giơ hai tay lên cao để đầu hàng. Ngay cả nhân viên bảo vệ cũng run cầm cập, đứng im như tượng. May mắn là một nam nhân viên ngân hàng kịp thời chạy từ tầng 3 xuống hô hoán mọi người bắt giữ đối tượng” - Trung tá Bình chia sẻ.
Tháng 11-2017, tại chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Chương Mỹ ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ cướp nghiêm trọng. Khoảng 16 giờ ngày hôm đó, khi khách hàng đang giao dịch khá đông, đối tượng Trần Văn Thành trà trộn vào và cướp giật số tiền 200 triệu đồng của khách hàng đang đặt tại quầy thu ngân.
Bị cướp bất ngờ, nạn nhân và các nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng hô hoán. Đúng lúc này, một tổ công tác của Công an huyện Chương Mỹ đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, nghe thấy tiếng kêu đã nhanh chóng tiếp cận, tóm gọn Nguyễn Văn Thành cùng toàn bộ tang vật.
Lời khai của đối tượng cho thấy nhiều sơ hở của chi nhánh ngân hàng này. Đó là khi đối tượng vào giả vờ giao dịch thì quan sát thấy chi nhánh này không hề có camera, bảo vệ ngân hàng mải mê ngồi đọc báo, gọi điện thoại!
3. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) trước đây tội phạm cướp, cướp giật thường nhằm vào các tiệm vàng nhưng hiện nay thì các phòng giao dịch hay khách hàng với số lượng giao dịch tiền mặt lớn mang theo lại trở thành mục tiêu của các đối tượng tội phạm này. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức cảnh giác chưa cao của người dân, cũng như sự chủ quan trong phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát hình sự, từ năm 2012 đến 2017, toàn quốc đã xảy ra khoảng 30 vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng và quỹ tín dụng. Trong đó có không ít vụ đối tượng cướp đi một số tiền lớn và nhanh chân tẩu thoát. Cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới bắt được thủ phạm và thu hồi tài sản.
Còn theo một lãnh đạo Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, công tác bảo vệ ở nhiều ngân hàng hiện nay còn mỏng, có nơi không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa để đảm bảo cho việc nhân viên bảo vệ là người phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án để đối phó.
Hệ thống báo động và phát tín hiệu thì thiếu, nhiều khi còn bị trục trặc; nhân viên bảo vệ ít và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhân viên ngân hàng còn thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống phát sinh, ví dụ khi xảy ra vụ cướp thì ngay lập tức phải làm gì.
Đặc biệt, trong khâu tuyển dụng có lúc, có nơi còn dễ dãi nên có cả những nhân viên bảo vệ ngân hàng không có nghiệp vụ, thậm chí tuổi cao cũng được đưa vào làm bảo vệ. Do vậy, những bảo vệ này một khi gặp tình huống cướp có vũ khí thì không biết phản ứng thế nào.
Bên cạnh đó, việc áp tải bảo vệ các xe tiền số lượng lớn theo quy định trừ Ngân hàng Nhà nước có lực lượng vũ trang bảo vệ, còn ngân hàng cổ phần khác thì hoàn toàn tự lo. Do đó, một số ngân hàng chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ an ninh, an toàn, dễ dẫn đến kẽ hở để tội phạm lợi dụng gây án.
Chính vì thế, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng, cần thiết phải nâng lên một bước chất lượng các nhân viên bảo vệ. Những nhân viên này cần phải được huấn luyện về nghiệp vụ, biết được tính năng của vũ khí, có võ thuật tự vệ, xử lý từng tình huống... Trong thời gian làm việc, nhân viên bảo vệ luôn phải quan sát, theo dõi mọi con người, hoạt động trong trụ sở, đặc biệt là để mắt đến các đối tượng vào trụ sở mà không giao dịch. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại để giải quyết việc cá nhân. Nếu có trên 2 bảo vệ thì cần biết phối hợp vòng trong vòng ngoài.
Một số ngân hàng lớn đã đầu tư trang thiết bị, biện pháp an ninh như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động... song, cần đặc biệt chú trọng đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho nhân viên ngân hàng, ứng xử trong tình huống xảy ra cướp.