Nam thanh niên yếu tứ chi, liệt người vì... hít 20-60 quả bóng cười mỗi tuần

Thường xuyên sử dụng bóng cười trong các buổi tiệc, với tần suất trung bình từ 10-20 quả/lần, 2-3 lần/tuần liên tục trong 6 tháng như một cách xả stress, nam thanh niên bị tổn thương thần kinh ngoại biên nặng nề.

Theo thông tin từ BS Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, nam thanh niên 22 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện khám vì tê bì tay chân kéo dài suốt hai tháng, kèm theo yếu cơ và khó khăn khi đi lại.

Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân thường xuyên sử dụng bóng cười trong các buổi tiệc, với tần suất trung bình từ 10-20 quả/lần, 2-3 lần/tuần liên tục trong 6 tháng như một cách xả stress.

Khám lâm sàng cho thấy tình trạng tê bì lan tỏa ở cả hai tay và hai chân của bệnh nhân, đặc biệt ở các đầu ngón; sức cơ chi trên giảm còn 4/5.

Bác sĩ chẩn đoán tổn thương thần kinh ngoại biên có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12 - hậu quả thường gặp ở những người lạm dụng khí N2O (bóng cười).

Bệnh nhân được điều trị bổ sung vitamin B12, phục hồi chức năng thần kinh và điều chỉnh lối sống.

Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, bóng cười N2O là một loại khí không màu, vị ngọt nhẹ, vốn được sử dụng trong y tế cho mục đích gây mê, giảm đau.

Tuy nhiên, khí này đang bị lạm dụng như một chất kích thích, bóng cười tạo cảm giác hưng phấn, "phê" và gây cười không kiểm soát. Cơ chế tác động của bóng cười gây ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương.

Sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng bao gồm thiếu hụt vitamin B12, tổn thương tủy sống và hệ thần kinh ngoại vi, rối loạn tâm thần và các vấn đề tim mạch.

Đa số bệnh nhân cho biết, hít bóng cười với mục đích giải trí, thư giãn hoặc do nghiện. Nhiều bệnh nhân có trình độ học vấn cao nhưng vẫn chủ quan, xem nhẹ tác hại của bóng cười, dẫn đến lạm dụng và để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Bóng cười là chất có nguy cơ gây nghiện và tạo ảo giác, với xu hướng tăng liều theo thời gian.

Giang Thu (Tổng hợp)