Năm 2024 sẽ có vaccine COVID-19 với khả năng bảo vệ suốt đời

Một loại vaccine COVID-19 có khả năng bảo vệ suốt đời đã chứng tỏ hiệu quả trên chuột cùng động vật linh trưởng và đang chuẩn bị để thử nghiệm lâm sàng. Nhà khoa học Nhật Bản Michinori Kohara tại Viện Khoa học Y học Thủ đô Tokyo nói với Japan Times rằng vaccine có thể được sản xuất vào năm 2024.
 
 
Trong khi tất cả các loại vaccine COVID-19 hiện có cần tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả, nhà khoa học Nhật Bản Michinori Kohara đã quyết định tạo ra một loại vaccine COVID-19 dựa trên vaccine đậu mùa thế kỷ 18 - được cho là đã loại bỏ căn bệnh chết người này.
Ông Kohara cho biết: “Tôi đã nghiên cứu nhiều công nghệ vaccine khác nhau như adenovirus và MRNA, nhưng vaccine vector là loại mạnh nhất mà ít tác dụng phụ”.
Theo nhà nghiên cứu, một mũi tiêm vaccine tái tổ hợp chứa protein gai của virus SARS-CoV-2 vẫn có hiệu quả trong hơn 20 tháng và “không có vaccine nào khác có thể đạt được những hiệu quả này”. Ông nói, hai mũi tiêm cách nhau ba tuần làm tăng lượng kháng thể trung hòa lên gấp mười lần.
Thử nghiệm vaccine trên chuột bị nhiễm cúm gia cầm và khỉ bị nhiễm coronavirus đã được chứng minh là có hiệu quả.
Các thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2023 với sự tham gia của 150 đến 200 tình nguyện viên. Nếu các thử nghiệm do công ty dược phẩm Nobelpharma của Nhật Bản tiến hành thành công thì giai đoạn thử nghiệm cuối cùng sẽ được tiến hành. Sản xuất hàng loạt được lên kế hoạch sớm nhất vào năm 2024.
Trong khi đó, một số loại vaccine mới đang được phát triển trên khắp thế giới. Giáo sư Jonathan Heeney của Đại học Cambridge gần đây đã công bố thử nghiệm một loại vaccine COVID-19 mới không dùng kim tiêm mà ông hy vọng sẽ có thể bảo vệ rộng rãi hơn chống lại các biến thể COVID-19 và các coronavirus khác.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang Nga Veronika Skvortsova cho biết, một loại vaccine COVID-19 mới của Nga, được gọi là Convasel và do Viện nghiên cứu vaccine và huyết thanh ở St.Petersburg bào chế, dự kiến sẽ được đăng ký vào cuối quý 1.2022.
Trong thông điệp năm mới, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lạc quan rằng đại dịch COVID-19 có thể bị đánh bại. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Theo Ngọc Vân/Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN