Mệt mỏi, sẩn ngứa, rụng tóc đi khám bất ngờ phát hiện... 2 bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế và tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ngỡ ngàng nhận chẩn đoán mắc đồng thời hai bệnh tự miễn

Theo thông tin, khoảng 2 tháng trước thời điểm thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bệnh nhân V.H.T 33 tuổi (Tuyên Quang) thường xuyên mệt mỏi, kèm theo rụng tóc, khô mắt, đau mỏi các khớp, sụt 4kg trong vòng 2 tháng, các sẩn đỏ rải rác tay chân, ngứa nhiều, đôi khi đỏ tím các đầu ngón tay khi lạnh. Trước đó, chị T. đã thăm khám ở nhiều nơi, nhận được chẩn đoán suy nhược cơ thể, sau thời gian bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng không thấy tình trạng cải thiện.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bộ xét nghiệm 23 kháng thể kháng nhân (ANA 23 Profile) có 5 kháng thể dương tính. Kết hợp cùng các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc đồng thời hai bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống và hội chứng Sjogren.

Sau 1 năm tuân thủ nghiêm ngặt dùng thuốc theo phác đồ điều trị, các triệu chứng bệnh dần được kiểm soát. Tuy nhiên, đây là nhóm bệnh khó điều trị dứt điểm, bệnh nhân cần duy trì liệu trình điều trị dài lâu.

Ngỡ ngàng nhận chẩn đoán mắc đồng thời hai bệnh tự miễn. Ảnh BVCC

Bệnh tự miễn: Phổ biến nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán

Bệnh tự miễn gây ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài. Có nghĩa là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính cơ quan trong cơ thể, trong khi đó những virus/vi khuẩn có hại xâm nhập lại không được ngăn chặn.

Các bệnh tự miễn thường gặp trong lâm sàng gồm: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, bệnh mô liên kết hỗn hợp, viêm đa cơ, viêm da cơ, hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp, viêm gan tự miễn…

Theo các bác sĩ, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tự miễn gồm:

Tính di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở người bệnh có bố hoặc mẹ mắc bệnh cao hơn gấp 2-3 lần so với các trường hợp khác.

Virus/vi khuẩn: Mắc một số loại virus (viêm gan B, C, Influenzae…), vi khuẩn (Chlamydia, E.coli…).

Giới tính: Theo thống kê, gần 80% các trường hợp mắc bệnh là ở nữ giới, trong đó khoảng 2/3 là ở độ tuổi trên 30 và tuổi trung niên.

Chế độ dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, stress công việc, thức khuya kéo dài… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Môi trường sống và làm việc ô nhiễm: Thường xuyên tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thủy ngân, chì… có thể tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch.

Triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tuy nhiên một số triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là:

Giai đoạn đầu: Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân.

Giai đoạn toàn phát: Sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu, đau các khớp xương, đau cơ, sưng nóng ở các khớp, tràn dịch khớp, rụng tóc, phát ban trên da, loét miệng...

Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh tự miễn ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại của người bệnh, thậm chí có nguy cơ tàn phế suốt đời. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, suy thận, tim mạch.

Giang Thu