-
Từ hôm qua (ngày 27/1) tức 22 tháng Chạp, nhiều người dân Hà Nội mang cá chép ra thả tại các sông, hồ để tiễn ông Công ông Táo về trời. Ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp Âm lịch) năm nay trùng với thứ 2 đầu tuần nên nhiều gia đình đã làm lễ sớm hơn để các ''vị thần bếp'' lên chầu trời .
-
Để tránh việc thả túi ni-long xuống hồ, nhiều người dân cẩn thận để cá vào xô, chậu để mang ra thả.
-
Nhiều gia đình tranh thủ cuối tuần dẫn con nhỏ ra hồ thả cá chép vào dịp ông Công, ông Táo, chia sẻ với các em nhỏ về ý nghĩa phong tục của đất nước.
-
Trên thị trường, giá bán cá chép từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/con.
-
Hàng năm, việc thả cá, túi ni-long, tro hóa vàng mã xuống hồ diễn ra phổ biến. Tại Hồ Đắc Di (Đống Đa, Hà Nội), Đoàn Thanh niên phường Nam Đồng đã gắn biển cảnh báo ''thả cá đừng thả túi nilon''.
-
Tuy nhiên, người dân vẫn vô tư thả tro hóa vàng mã, tui ni-long xuống mặt nước. ''Tôi không biết thả tro xuống mặt nước làm gì nhưng thấy ông bà làm nên làm theo'', bà Trần Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
-
Dưới mặt nước hồ Đắc Di, tro vàng mã đóng thành từng mảng lớn. Mặc dù, công nhân vệ sinh phải trực vớt rác liên tục, nhắc nhở người dân thường xuyên nhưng một số người vô ý thức vẫn vô tư thả tro hàng mã xuống nước.
-
Tại hồ Giảng Võ, chân hương, tro vàng mã nổi lềnh bềnh trên mặt hồ.
-
Cá chép mới được thả bơi chung cùng tro vàng mã.
-
Một số loại cá, ốc mới được phóng sinh được bắt lại ngay sau khi thả. Động vật phóng sinh sau khi thả được đem đi bán lại cho khách có nhu cầu.
-
Nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ Hà Nội sạch) tổ chức thu gom rác tại các địa điểm công cộng. Năm nay, nhóm tổ chức thu gom tại cầu Nhật Tân, cầu Chương Dương, xung quanh khu vực trên và dưới cầu Long Biên.
-
Theo tín ngưỡng dân gian, cúng ''ông Công ông Táo'' là dịp các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó, đồng thời bày tỏ sự tri ân của gia đình đối với các vị ''thần bếp'' quanh năm lo toan, cai quản, duy trì nếp sinh hoạt gia đình.