Manulife hoàn tiền buộc khách ký giấy im lặng có đúng luật?

Các chuyên gia cho rằng, việc khách hàng phải ký thỏa thuận “im lặng” mới được Manulife hủy hợp đồng bảo hiểm là bất bình đẳng.

Sau nhiều ngày trầy trật khiếu nại, tố cáo đến công an về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" phân phối qua Ngân hàng SCB, những ngày qua nhiều khách hàng đã được Công ty bảo hiểm Manulife đồng ý hoàn tiền. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thắc mắc về việc phải ký vào "giấy im lặng" mới được trả lại tiền.

Nội dung thỏa thuận được Manulife Việt Nam soạn sẵn còn yêu cầu bên mua bảo hiểm sẽ chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc bất kỳ hành động nào chống lại công ty bảo hiểm này và các cấp quản lý, nhân viên của công ty.

Ngoài ra, Manulife Việt Nam cũng đề nghị khách hàng cam kết "không tiết lộ, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất kỳ thông tin nào về nội dung trao đổi, các văn bản, thỏa thuận, email, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm, ghi hình cuộc họp liên quan đến vụ việc này giữa khách hàng và công ty cho bất kỳ bên thứ ba nào hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông và/hoặc mạng xã hội nào".

Nhiều khách hàng còn tỏ ra bức xúc và bực bội với cách xử lí của Manulife bởi không phải ký giấy là nhận được tiền ngay mà hẹn trả trong 10 ngày với nhiều lý lẽ không hợp lý.

Manulife hoan tien buoc khach ky giay im lang co dung luat?
Hàng trăm người dân đã tới Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để nộp đơn tố cáo, phản ánh về vụ việc vào cuối tháng 4 vừa qua - Ảnh: cand.com.vn

Trao đổi với tờ Tuổi trẻ, PGS.TS Lê Minh Hùng - Trưởng khoa Luật, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, pháp luật dân sự cho phép các bên khi ký hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng được thỏa thuận bảo mật một số nội dung. Điều kiện là việc thỏa thuận bảo mật hay bất kỳ thỏa thuận gì không được trái luật, không bị ép buộc, lừa dối, nhầm lẫn...

Tuy nhiên trong thỏa thuận của Manulife Việt Nam có sự bất bình đẳng, bất cân xứng trong vị thế giữa hãng bảo hiểm và khách hàng. Hãng bảo hiểm có nhiều thông tin, có đội ngũ pháp lý mạnh, còn khách hàng ở thế yếu trong đàm phán.

Thêm nữa, khách hàng cũng gặp bất lợi khi rơi vào hoàn cảnh mệt mỏi, khó khăn khi phải đi khiếu nại, kiện cáo, tố giác khắp nơi để đòi lại tiền nên tâm lý cũng mong muốn giải quyết cho xong vụ việc.

Bên bảo hiểm sử dụng lợi thế so với bên yếu thế là khách hàng để ký thỏa thuận phần nào cho thấy có tính chất ép buộc, miễn cưỡng. "Còn khách hàng cũng một phần thiếu sự hướng dẫn, tư vấn luật pháp nên chấp nhận cam kết trong khi vẫn có các cách khác để đòi lại quyền lợi của mình từ hãng bảo hiểm", PGS.TS Minh Hùng nói.

Trao đổi với tờ Zing, Luật sư Trương Minh Cát Nguyên - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ tư vấn Pháp lý Bảo hiểm TILA cho biết, việc Manulife yêu cầu khách hàng ký một số điều khoản trong giấy xác nhận hủy hợp đồng và hoàn tiền là thỏa thuận dân sự. Việc doanh nghiệp này đưa ra thỏa thuận không vi phạm pháp luật.

Theo vị luật sư này, khi làm việc với Manulife khách hàng cần đề xuất thêm thời hạn trả tiền cụ thể, phương thức thanh toán và việc thực hiện các điều khoản chỉ có thể thực hiện khi khách hàng đã nhận đủ tiền. Ông cũng cho rằng hợp đồng cần điều kiện "giữ im lặng" nhưng vẫn được phép cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

"Ngay cả khi không ký, khách hàng vẫn có quyền đưa hồ sơ ra phía cơ quan chức năng, chứng minh đây là hợp đồng vô hiệu và yêu cầu hoàn trả tiền. Còn nếu khách hàng ký kết, đây trở thành thỏa thuận song phương", ông Nguyên cho hay.

Ngày 6/5, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, đến nay Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiếp nhận 133 đơn của 128 người và 5 tập thể liên quan vụ việc. Còn Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung trên.

Các nội dung tố cáo cho thấy một số người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán đã được nhân viên của ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do Ngân hàng SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife.

Đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, họ mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn. Lúc này, khách hàng không rút tiền được và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày thì số tiền đầu tư trước đó cơ bản sẽ bị mất. Do vậy, họ cho rằng Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

 

Minh Quang (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN