Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Báo chí liên hiệp hội Việt Nam trước thách thức phát triển không gian mạng”.
Tham dự hội thảo có TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cùng với sự có mặt của Tổng biên tập báo Kiến Thức-KH&ĐS Nguyễn Minh Quang; ông Nguyễn Thành Lợi, UVBCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Người làm báo; Nhà báo Bùi Hoàng Tám – Báo Dân Trí và nhiều đại diện của các tờ báo Trung ương, địa phương đến tham dự.
|
TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (giữa) và đại biểu tham dự hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí chúng ta hiện nay, báo giấy ngày càng khó khăn trong khi báo mạng thì phát triển. Vai trò các cơ quan báo chí của liên hiệp hội cũng như các tờ báo chính thống được nhà nước cấp phép phải có trách nhiệm cao trong nhiệm vụ thông tin, phổ biến kiến thức đến độc giả. Mạng xã hội phát triển là vấn đề rất quan trọng, là cơ hội để các phóng viên nhà báo thảo luận tăng thêm kiến thức cho báo chí liên hiệp hội ngày càng mạnh mẽ.
Video: Tổng biên tập báo Kiến Thức - KH&ĐS phát biểu tại hội thảo:
Mạng xã hội đang phát triển như vũ bão
Tại hội thảo, chia sẻ về thực trạng báo chí hiện nay, Tổng biên tập báo Kiến Thức và KHĐS - Nguyễn Minh Quang cho rằng: Đây là thời đại công nghệ thông tin và kỷ nguyên số, do vậy thế mạnh về truyền thông sẽ thuộc phần lớn về không gian mạng. Trong đó mạnh mẽ nhất là mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình và tương tác giữa truyền hình và điện tử, báo chí công dân. Báo giấy và tạp chí sẽ dần dần bị đào thải và thực tế chỉ ra rất rõ điều này.
Theo Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang: "Mạng xã hội là một không gian mà ở đó con người có quyền bày tỏ suy nghĩ, quan điểm chính kiến… Do vậy sự phát triển mạng xã hội có thể nói là vũ bão và rất khó để dùng luật hay mệnh lệnh hành chính để ngăn cản, thậm chí là cấm mạng xã hội hoạt động. Bởi vì có Internet là xã hội có tương tác, có quan điểm, có ý kiến.
Tốt nhất là chúng ta cần phải biết chấp nhận không gian mạng xã hội như một thực tế không thể khác được. Một trong những vấn đề mà chúng ta thấy rõ là mạng xã hội ngoài nhiều cái tích cực thì cũng bộc lộ những mặt trái. Chúng ta thấy rất rõ là các kiểu bài phản động, đổi trắng thay đen, xúc phạm nhân phẩm danh dự người khác… vi phạm pháp luật trên mạng xã hội là rất dày đặc. Nguy hiểm là có không ít người đọc những thông tin này và dù có tin hay không thì hệ quả mang lại vẫn rất rõ".
|
Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang phát biểu tại hội thảo. |
Đã đến lúc cần nghiêm túc quản lý mạng xã hội
Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang cho rằng, cần nghiêm túc nghiên cứu và có thể sớm ban hành luật để quản lý mạng xã hội.
Để thực hiện được điều này, ông Nguyễn Minh Quang dẫn ví dụ: Máy chủ phải được đặt ở đâu, Hosting ở đâu? Những điều cấm khi sử dụng mạng xã hội… Chúng ta cần thấy rõ là mặc dù mạng xã hội ngày càng phát triển, nhưng gầy đây do có quá nhiều thông tin nhảm nhí, phản cảm nên sự tin tưởng của người đọc đối với mạng xã hội cũng giảm đi nhiều. Đó cũng là cơ hội để báo chí chính thống tiếp tục lấy được niềm tin của người đọc.
Đề cập đến vấn đề các báo điện tử, trang tin điện tử của hệ thống Liên hiệp hội hiện nay, ông Quang chia sẻ thẳng thắn: “Thực ra là khá yếu so với sự phát triển chung của báo điện tử và mạng xã hội. Muốn tồn tại và phát triển ở tờ báo điện tử của chúng tôi, chúng tôi vẫn cần phải: Không lá cải, sa đà vào các chuyện giật gân câu khách. Vì ngay cả có làm như vậy thì bây giờ chính sách của Google cũng không cho phép làm như vậy. Chọn sự phát triển chậm nhưng chắc. Views không cần tăng đột biến nhờ các bài giật gân câu khách mà tăng nhờ chất lượng và hàm lượng kiến thức. Có những bài trao đổi vừa rồi về cải tiến tiếng Việt, views đến 100 ngàn/ngày. Hoặc các Mục như Kho tri thức vẫn chiếm lượng views cao nhất toàn site. Điều đó chứng tỏ cái gì lấy được sự quan tâm một cách lành mạnh của bạn đọc thì báo điện tử vẫn có khả năng tồn tại và phát triển".
Theo Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang: Đến thời điểm này, điểm lại các báo điện tử “có số có má” ở Việt Nam hoặc các trang tin điện tử nhưng với hàng triệu lượt đọc mỗi ngày thì cơ bản vẫn là cung cấp thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác, phân tích bình luận hợp lý, đa dạng và nội dung, giao diện thì thân thiện, tích tiện ích và tích hợp cực kỳ cao… (VD: 24h, Soha, Kênh 14…).
Báo chí Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam hay báo chí nói chung cần đảm bảo: Đáp ứng tối đa những gì bạn đọc cần. Không cần giật gân câu khách rẻ tiền, áp dụng một cách tối ưu sự tiến bộ của công nghệ… thì vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Mạng xã hội tác động sâu sắc đến thông tin báo chí
Bên cạnh đó, tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cũng khẳng định: Mạng xã hội đang âm thầm thay đổi lối sống của con người, đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có.
Bên cạnh những tiện lợi cho đời sống xã hội, do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy, thân phận ảo, khó sàng lọc thông tin, khiến mạng xã hội đã tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là việc một số nhà báo không kiểm chứng nguồn tin đã “chính thống hóa” những thông tin trên mạng xã hội thành bài báo của mình.
|
Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo. |
Nhà báo Bùi Hoàng Tám – Báo Dân Trí chia sẻ rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Ở đó, chỉ cần một cái nhấp chuột, ngay lập tức cả thế giới đều biết. Đây là sự tiến bộ của nhân loại nên dù muốn hay không, chúng ta không thể cưỡng nổi sự tất yếu này. Do đó, muốn truyền thông chính thống chiếm “thị phần” cao nhất trong “chợ” thông tin phong phú, bởi thực tế mạng xã hội đã và đang là một “thế lực” truyền thông vô cùng mạnh mẽ , tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và là đối thủ rất khó lường đối với báo chính thống.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Bắc – Thư ký tòa soạn báo Đất Việt cũng nhận định: Mạng xã hội hiện nay tác động rất lớn đến hoạt động báo chí cả về mặt tích cực và tiêu cực.
Ông Bắc đưa ra ba đề xuất cho báo chí trước thách thức của không gian mạng, gồm:
(1) Báo chí chính thống không thể thay đổi nguyên tắc đưa tin, nhưng nên điều chỉnh cách thức hình thức thông tin mềm mại như trên không gian mạng. Với những thông tin “sạch”, chính thống, tử tế cũng cần thay đổi cách viết cho phù hợp với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, tri thức trẻ. Biến một vấn đề kiểu cũ, phong cách cũ… thành một vấn đề hấp dẫn giới trẻ…
(2) Đối với báo chí Liên Hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần thu hút, lôi kéo tri thức trẻ tham gia cùng làm báo. Đội ngũ này tham gia đưa tin, viết bài các thông tin đúng đắn, chính thống thay vì họ đăng quan điểm trên mạng xã hội. Cơ chế mở này sẽ có tác dụng cùng lúc.
(3) Cần chú ý đến các vấn đề phản hồi (coment) của độc giả phải đủ hấp dẫn như mạng xã hội.
Nhà báo Khoa Nguyên – Báo Quảng Ngãi cho rằng: "Facebook hay mạng xã hội nói chung đều là những công cụ, thành tựu công nghệ, nên sẽ là dại dột nếu từ chối. Xu hướng hiện nay chính phủ đang lên facebook tiếp dân, người làm báo càng phải ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội".