Ly kỳ cuộc chiến bảo vệ những gốc cây trăm tỷ đồng của nông dân

Tại nhiều vùng quê ở Việt Nam, những cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi được định giá hàng trăm tỷ đồng đang là những báu vật, “của để dành”...

Ở làng Chóa, thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh có một đội “tự vệ” đặc biệt. Đội “tự vệ” này do dân làng lập ra với nhiệm vụ tối thượng là ngày đêm canh giữ cây sưa trị giá trăm tỷ đồng, hàng trăm năm tuổi trồng trước cổng đền Chóa – công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đền Chóa nằm trên khu đất cao, có lẽ là cao nhất của làng Chóa, và ở vị thế cực kỳ phong thủy: Trước đền là hồ nước rộng vài ha, trong leo lẻo, không có bất cứ một đám bèo nổi hay rong rêu nào. Xung quanh hồ là cây cổ thụ chen chúc, tán tròn xoe, không lọt nắng, hoặc giả chỉ có hoa nắng lốm đốm xuyên qua.

Khu đền chính năm gian, kiến trúc nội công ngoại quốc, có hai nhà dâng lễ hai bên. Cột gỗ lên nước láng bóng, nóc nhà đền có hai lớp ngói xếp tầng, uốn cong mềm mại như bàn tay em gái đêm hội chèo. Không gian cổ kính, khoáng đạt khơi gợi cái thiện trong lòng người đến.

Ly ky cuoc chien bao ve nhung goc cay tram ty dong cua nong dan

Đường vào đền Chóa. 

Ông Nguyễn Duy Oanh, 67 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Chân Lạc quả quyết, cây sưa ở đền Chóa không dưới 150 năm tuổi, bởi ngay từ hồi ông còn bé tý, ông đã thấy cái cây này sừng sững. Ông Oanh kể: “Dưới gốc đa ngoài cửa đền có một tấm bia đá. Năm 1999, có người của Sở Văn hóa về đọc chữ Nho trên đó và bảo nó đã có 128 năm rồi. Bia đá đó ghi lại công đức của những người đã hiến ruộng để mở rộng hồ bán nguyệt. Khi đó, chắc chắn đã phải có cái cây này rồi, vì người ta chỉ mở rộng hồ đến gốc cây là dừng lại”.

Ông Ngô Thế Hồng, trưởng thôn Chân Lạc đã dẫn đường để chúng tôi mục sở thị cây sưa hàng trăm tuổi của đền Chóa. Theo quan sát của chúng tôi, “cây vàng cây bạc” đứng ở ngay mé phải trước cửa đền, gần với bờ hồ. Thân cây có đường kính hơn một vòng ôm của người lớn, trưởng thôn Hồng phải dang tay hết cỡ mà người vẫn cứ đu đưa như đang tập bơi.

Bộ rễ của cây đại thụ choải khắp mặt đất, từ gốc thân chính, tõe ra xung quanh để tìm chất nuôi cây, những vồng rễ lớn như những con quái thú. Ông trưởng thôn bảo, cứ vào tháng ba là cây trổ hoa, những chùm hoa trắng ngà, li ti rất đẹp.

Ly ky cuoc chien bao ve nhung goc cay tram ty dong cua nong dan-Hinh-2
 Cây sưa trăm tuổi trị giá hàng trăm tỷ.

Cùng với cây sưa cổ thụ, đền Chóa còn có ba cây đại thụ khác, được trồng để trấn bốn phía đền gồm cây sanh khổng lồ, cây cọ, cây lim. Cây sanh cổ thụ ôm kín cái miếu thờ trước hồ bán nguyệt, đến nỗi trưởng thôn Hồng phải vạch đám rễ rủ lòa xòa phía trước mới nhìn thấy bức tường xây đền cổ kính, bị cây “nuốt chửng” tự bao giờ. Cây lim cổ thụ bị đốn hạ từ những năm 60 để lấy gỗ làm cửa nhà kho, một phần chia cho mỗi thôn mấy tấm để chắn thóc, che chuồng lợn.

Sau này, có vài nhà mang số gỗ quý đó nộp lại cho xã. Bây giờ, nó được dùng để làm nhà tạm cho bảo vệ ở. “Khi hạ cây lim xuống, người ta đo được độ dài của nó đến gần 50 mét! Trước, người làng lấy cái tán cây lim xanh ngút, cao nhất làng để làm mốc. Cứ khi nào nhìn thấy cái tán xanh đó là biết sắp về đến làng! “Bạn đồng niên” còn nhiều tuổi như thế, cũng biết cây sưa già cỡ nào”, ông Hồng nói.

Câu chuyện về cây sưa cổ thụ đền Chóa hẳn sẽ mãi bình yên nếu như không có sự xuất hiện của mấy tay thương lái. Số là, năm 2009, thời điểm dưới Hà Nội dân đang hoang mang vì nạn “sưa tặc”, rồi các thông tin vài chục tên trộm sưa phải hầu tòa, thì đền Chóa có vài ông khách lạ “mò” đến.

Họ đánh xe hơi xuống gặp các cụ trong BQL, rồi thẳng thắn ngã giá hỏi mua cây sưa cổ thụ đền Chóa với giá 1,5 tỷ đồng. Lúc ấy, các cụ cao tuổi trong làng mới “ngã ngửa”, rằng đền làng mình có cả một kho báu mà không ai biết. Số tiền ấy đối với đền Chóa là một tài sản khổng lồ, và có thể đủ để làm mới toàn bộ khu di tích đang xuống cấp trầm trọng.

Nhưng, chính vì số tiền ấy nó quá lớn so với một cái cây, các cụ bô lão bắt đầu hoài nghi, đặt ra đủ phương án: Có thể, đấy là cái cây thiêng trấn trạch, kẻ xấu muốn đền mất thiêng? Hay, họ mua cái cây này về vì trong đó có… ngọc chắc? Có người nghe đồn, bên Trung Quốc mua về… ướp xác. Có người lại quả quyết là dân buôn ma túy nghiền gỗ sưa ra để trộn thêm vào bột heroin (?!).

Lúc cao điểm, dân buôn gỗ sưa thu mua với giá 3-4 triệu đồng cho một kg gỗ sưa! Một con số thật khó tưởng tượng. Ở Vĩnh Phúc, có người còn đào cả nền nhà mình lên để moi móc ra cái gốc sưa ngày trước làm nhà chặt béng mất. Dù chỉ còn trơ lại cái gốc, thế mà cũng được gần nửa tỷ. Có thể nói không ngoa là người ta đã thất điên bát đảo vì loại gỗ siêu đắt này.

Rốt cuộc, UBND xã Dũng Liệt, BQL Di tích đền Chóa đi đến thống nhất: Không bán cây sưa. Còn chuyện đội tự vệ thành lập để ngày đêm trông giữ cây quý, là chuyện về sau đó, khi một ngày trời mưa, kẻ xấu mang cưa đến chặt trộm một cành sưa mọc chỉa ra mé hồ. Có người ra vẻ hiểu biết nói rằng cái cành “gỗ mục” mang sang Trung Quốc bán được nửa tỷ đồng, thế là các cụ mới tá hỏa thành lập “đội tự vệ” bảo vệ cây sưa!

Đội bảo vệ cây sưa được chia làm hai tổ, mỗi tổ năm người, cùng với hai “ông đám” (người được dân làng cử ra trông coi đền trong vòng 2 năm, giống như các ông thủ từ) ngày đêm trực chiến canh giữ cây sưa. Hai “ông đám” ăn ở ngay sau khuôn viên đền suốt ngày đêm. Hai ông làm nhiệm vụ thường trực, còn 5 thành viên của đội trật tự thường xuyên tuần tra và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với tội phạm.

Một đêm tháng Chạp năm 2010, bọn trộm đã liều lĩnh đột nhập vào khu đền. Hai người trông giữ khi đó là ông Nguyễn Đình Quỳ và Nguyễn Văn Hồng đang nằm ngủ bỗng nghe thấy một tiếng “ùm” rất to. Đoán biết là có sự chẳng lành, hai ông ngay lập tức gọi điện thông báo cho các thành viên khác, rồi vội vã chạy ra ngoài xem sự thể. Cành thấp nhất của cây sưa cổ thụ đã bị kẻ gian cưa đổ xuống hồ. Thấy động, bọn chúng chuồn mất mà chưa kịp mang cành cây đi. Cành cây bọn trộm cưa đứt có đường kính 20cm, được các cụ cắt đôi và cất giấu, canh phòng cẩn mật, đề phòng bị đánh cắp lần nữa.

Ông Lợi, một thành viên của đội bảo vệ cây sưa bảo: “Đôi lúc nghĩ cũng sợ, đám chúng tôi trông cả cái cây bằng vàng giữa trời. Cứ tối đến là cửa đóng then cài, nếu không phải là người thân quen, có trách nhiệm thì tuyệt đối không mở cửa. Ngộ nhỡ chúng đập cho một gậy, hay là xịt thuốc mê thì mất cả”.

Tôi hỏi: “Vậy nếu bọn trộm cứ liều lĩnh xông vào cưa đổ cây thì các cụ làm thế nào?”. Ông Lợi bảo: “Chúng tôi đã tính toán cả. Có động tĩnh là bật hết điện ngoài kia lên, gọi ngay cho đội tự vệ rồi mới xông ra tiếp ứng. Bọn chúng không thể đi quá nhanh được. Có chuyện gì là sẵn sàng chiến đấu ngay, quyết không để cho kẻ gian cướp mất tài sản quý giá của dân làng”.

Viết đơn xin bán cây quý xây chùa

Giống với làng Chóa, ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng có một “cây sưa báu vật”. Cây sưa cổ thụ này ngót nghét 200 năm tuổi, đang là tâm điểm khi mà cả thôn kiên trì viết đơn xin chính quyền được bán, lấy tiền tôn tạo, tu sửa các công trình phúc lợi, trong đó có việc xây dựng lại chùa Phụ Chính đang dang dở. Số tiền mang lại từ việc đấu giá cây sưa này lên tới cả trăm tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn Phụ Chính khẳng định, từ lúc các cụ khai hoang lập ấp, dựng chùa xây miếu đã có cây sưa này. Cây có đường kính thân lực lưỡng tới 2 người ôm chưa xuể, cao lừng lững với tán xanh um như một chiếc ô khổng lồ. Ban đầu cây sưa có hai nhánh lớn, nhưng sau đó một nhánh đã bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010.

Ly ky cuoc chien bao ve nhung goc cay tram ty dong cua nong dan-Hinh-3

Cây sưa cổ thụ cụt ngọn vì sét đánh tại chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) vừa được chính quyền Hà Nội đồng ý cho người dân bán đấu giá lấy tiền trùng tu di tích. 

Nhưng, chuyện người dân tự phát bán cành sưa bị bão quật đổ cho người mua ở làng Đồng Kỵ đã vô tình vi phạm pháp luật, bởi Nhà nước cấm mua bán, vận chuyển dưới mọi hình thức đối với những nhóm gỗ quý, trong đó có sưa đỏ. Trên đường di chuyển, số gỗ đó bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ do thiếu thủ tục bán, cuộc mua bán xem như không thành công.

Năm 2015, huyện Chương Mỹ đã yêu cầu dân Phụ Chính trả lại số tiền 20,5 tỉ đồng cho ông chủ thiếu may mắn và cho đấu giá lại số gỗ năm đó. Con số thu được quá bất ngờ, 31 tỉ đồng, “ăn ra” hơn 10 tỷ. Tiền ấy, thôn tu tạo công trình công ích, rồi xây dựng cải tạo lại ngôi chùa Phụ Chính đã xuống cấp trầm trọng, hậu cung dột nát vì lớp ngói cũ đã ải theo mưa nắng.

Tưởng rằng, “cụ sưa” đại thụ sẽ tiếp tục trơ gan cùng tuế nguyệt thì năm 2012, lợi dụng một đêm mưa bão, kẻ xấu táo tợn cắt khóa cổng chùa, vào chặt nốt nhánh còn lại. Cây sưa trơ lơ cái thân bị cụt ngọn, chỉ có những cành nhỏ cỡ bắp tay mệt mỏi vươn lên từ thân chính. Sau sự việc đó, dân làng Phụ Chính bảo nhau mua sắt phi 6 dựng nguyên cây, rào thành hàng rào cung quanh thân cây còn lại, rồi thuê máy hàn về hàn thanh từng đai sắt để bảo vệ cây quý. Một tổ bảo vệ cũng được thành lập, hệt như đền Chóa bên Yên Phong (Bắc Ninh), ngày đêm canh gác phần cây còn lại.

Nỗi lo “sưa tặc” có thể yên tâm, bởi việc gia cố và sức người bỏ ra. Mặt khác, UBND xã Hòa Chính nằm đối diện với chùa làng Phụ Chính, thêm một “cửa” bảo vệ gia tài của cả dân làng. Nhưng, sức công phá của thời gian, mưa bão… thì không ai có thể ngăn được. Từ vết cưa trộm, vết thân cây gãy do bão quật đổ một nhánh chính năm 2010, thân cây chính của cây sưa cụt ngọn mỗi năm bị mục ruỗng.

Phần vỏ phía bên ngoài cây khô và bong gần hết, có nhiều đoạn gần gốc cây cho thấy bộ rễ đã chết đi phần nhiều. Lấy cây sắt chọc vào lõi thân, cả đoạn sắt dài hơn mét như chọc vào bao cát: thân cây đã bị rỗng đến lõi. Mưa nắng, ẩm mốc tiếp tục tấn công, nhìn khối tài sản ngang vàng ròng mỗi ngày mỗi mất, lòng người càng thêm quặn thắt…

Nhiều người trong giới chuyên môn về làng định giá, thân cây sưa còn lại đáng giá khoảng 100 tỷ đồng. Thế nhưng, do thời gian, mưa nắng, cây bị mục ruỗng từ ngoài vào trong, nếu có gạn hết đi phần gỗ rác, cũng chỉ còn 2 – 3 phần so với ban đầu. Xót của, một cuộc họp thôn được tổ chức vào năm 2016. Bà con viết đơn tập thể kiến nghị chính quyền cho hạ cây sửa cổ thụ đã cụt ngọn, tổ chức đấu giá để hoàn thiện nốt công trình chùa Phụ Chính đang còn dang dở.

Ly ky cuoc chien bao ve nhung goc cay tram ty dong cua nong dan-Hinh-4

Cây sưa đền Phụ Chính sắp chết. 

Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn xã Phụ Chính cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn lên cấp trên, nhưng trên chỉ trả lời công văn là cây này có thể bán, mà không có hướng dẫn cụ thể là chúng tôi cần làm những thủ tục gì để có quyết định bán cây”.

Ngày 4/10/2018, lãnh đạo UBND xã Hòa Chính cho biết đang xin ý kiến của huyện và thành phố về việc bán cây sưa từng được định giá 100 tỷ đồng ở chùa làng Phụ Chính theo nguyện vọng của người dân. Nếu được thành phố chấp thuận thì cây sưa sẽ được bán đấu giá công khai. Trụ trì chùa Phụ Chính giãi bày: “Chúng tôi mong chính quyền địa phương bán cây sưa vừa để có kinh phí trùng tu các công trình phúc lợi, lại không phải sống trong cảnh bất an, lo lắng cây bị chặt hạ như hiện nay”.

Ông Nguyễn Văn Chính – Chủ tịch UBND xã Hòa Chính thông tin: “Chúng tôi cũng chỉ được nghe qua các cơ quan báo chí đăng tải là Thành phố Hà Nội đã đồng ý cho dân làng được hạ cây sưa già xuống để bán đấu giá. Đó là tài sản của làng Phụ Chính, đấu giá được bao nhiêu sẽ phục vụ cho việc tôn tạo, tu bổ các công trình của thôn, xây chùa Phụ Chính… Xã tuyệt đối không tơ hào một đồng nào. Nhưng, đấy mới chỉ là nghe qua báo chí chứ chúng tôi cũng chưa được nhận văn bản chấp thuận từ trên xuống”.

Đại gia “chôn tiền tỷ” vì… đấu giá gỗ sưa

Một “cụ sưa” khác niên đại 200 năm tuổi ở xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng gây chấn động khi có đại gia “xuống tay” mua với giá 24,5 tỉ đồng.

Đình Đông Cốc bên bờ con sông Dâu cổ. Đình thờ Linh Thông Đại vương, người có công phù giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Nhờ những cổ vật còn giữ gìn được cùng những giá trị lịch sử mà ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa. Trong sân đình có 2 cây sưa cổ thụ. Chuyện bắt đầu từ năm 2013, mạng xã hội rao bán hai “cụ sưa” của đình với giá 250 tỷ đồng. Cây phía trong (xác định 400 tuổi) được định giá 200 tỉ. Cây bên ngoài giáp cổng đình ước tính 200 tuổi được “rao” 50 tỉ đồng.

Ly ky cuoc chien bao ve nhung goc cay tram ty dong cua nong dan-Hinh-5

Chùa Phụ Chính đang thi công dang dở thì phải dừng lại. 

Trước thực tế đó, các cụ bô lão, ban quản lý thôn Đông Cốc có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi. Chính quyền biết chuyện, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Bắc Ninh vào cuộc, đồng ý cho địa phương đấu giá. Chi cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.

Tháng 8/2016, sau rất nhiều phiên họp giữa chính quyền và bô lão trong làng, một phiên đấu giá “lịch sử” đã diễn ra tại đình làng: 5 “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh gỗ đã tham dự để “đặt giá” cho cây sưa 200 tuổi, mức khởi điểm là 23,964 tỉ đồng. Phiên đấu giá diễn ra căng thẳng và phải tới lần phát giá thứ 16, đại gia Nguyễn Văn Hùy – vốn là người rất am hiểu về gỗ sưa tại làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) – là người trả giá cao nhất với khoản tiền 24,5 tỉ đồng.

Cho rằng số tiền thu được thấp hơn nhiều so với giá trị thực của cây sưa, bởi đã có những thông tin về việc có người định giá lên gấp đôi số tiền đấu giá, gần 50 tỷ đồng, nhiều cuộc họp đã diễn ra và xảy ra ẩu đả, có người bị đánh chảy máu đầm đìa… Nhưng rồi, ông Hùy vẫn là chủ nhân của cây sưa 200 năm tuổi.

Thế nhưng, chuyện mua bán lại xảy ra nhiều phiền toái. Đại diện người dân thôn Đông Cốc, ông Nguyễn Văn Mận cho biết: Ông Nguyễn Văn Hùy đã chuyển đầy đủ 24,5 tỉ đồng vào tài khoản của đơn vị đấu giá. Thế nhưng, đơn vị này mới chuyển cho dân làng 15,5 tỉ đồng vào tài khoản cộng đồng thôn Đông Cốc, sau đó thêm 500 triệu nữa, vẫn còn thiếu số tiền 8,5 tỷ đồng. Vì chưa nhận được hết tiền mua cây nên dân làng kiên quyết không cho ông Hùy chặt cây.

Nếu muốn chặt, ông phải ứng đủ 8,5 tỉ đồng còn thiếu. Cực chẳng đã, ông Hùy chi thêm 8,5 tỉ tiền tạm ứng để dân làng đồng ý cho chặt cây sưa. Người làng hiểu rằng, đây là tiền “đặt cọc” của ông Hùy, người dân giữ số tiền 8,5 tỷ này cũng như “cầm đằng chuôi”, chừng nào công ty đấu giá hoàn lại 8,5 tỷ đồng mà đơn vị này đang chiếm giữ, dân làng sẽ trả lại “tiền cọc” cho người mua.

Thế nhưng, đến tận giữa năm 2017, công ty tổ chức đấu giá vẫn chỉ hứa hẹn. Ông Nguyễn Văn Thỏa, Bí thư chi bộ thôn Đông Cốc bức xúc: Số tiền 8,5 tỉ đồng mà ông Hùy đưa cho nhân dân là để khai thác, chặt cây sưa. Đây là số tiền người dân đang “mượn” của ông Hùy. Trách nhiệm ở đây là của công ty, công ty phải trả cho dân chứ không thể phủi trách nhiệm được. Sau nhiều lần trao đổi, lãnh đạo của công ty hứa là đầu tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”.

Theo Thái Bình (Tuổi Trẻ Đời Sống)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN