Lý do Golden Hill bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan?

Lý do bị cưỡng chế được đưa ra do Golden Hill có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời gian nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định. 
Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM) mới đây đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư Golden Hill.
Lý do bị cưỡng chế được đưa ra do Golden Hill có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời gian nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 1.289 tỷ đồng.
Ở diễn biến liên quan, trước đó, hồi cuối tháng 10/2023, Cục Thuế TPHCM đã công khai danh sách 198 doanh nghiệp trên địa bàn nợ thuế đợt 2/2023, trong đó Công ty CP Đầu tư Golden Hill đứng thứ 2 về số tiền nợ thuế lên tới hơn 1.289 tỷ đồng.
Biết gì về Golden Hill?
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Golden Hill được thành lập ngày 17/1/2017, có địa chỉ trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; chi tiết: Kinh doanh nhà; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư; cho thuê nhà xưởng, kho bãi. Tổng Giám đốc công ty hiện là bà Trần Thị Bích Phương. Loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần chưa đại chúng.
Golden Hill là cái tên không còn xa lại trên thị trường bất động sản tại TPHCM. Doanh nghiệp được biết tới là chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM. Dự án có tổng diện tích 8.320m2, gồm 1 trung tâm thương mại cao 8 tầng Alpha Mall và 2 tháp Alpha Hill cao 40 tầng, với 1.074 căn hộ.
Ly do Golden Hill bi cuong che dung thu tuc hai quan?
Nợ thuế 1.300 tỷ, Golden Hill bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan (ảnh minh họa: Phối cảnh dự án 87 Cống Quỳnh, TPHCM; nguồn: Internet). 
Thông tin từ tờ Tài chính và Cuộc sống cho biết, Golden Hill có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập là ông Bùi Đức Dũng sở hữu 40%, còn lại ông Tất Thành Chí và ông Lương Minh Hán đồng sở hữu 30%. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thủy.
Ba tháng sau, tháng 4/2017, Golden Hill sáp nhập với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Ngân Bình – chủ đầu tư ban đầu của cao ốc phức hợp 87 Cống Quỳnh, Golden Hill tăng vốn điều lệ lên 2.798 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông được “thay máu” toàn bộ. Ba cổ đông mới đều là tổ chức nước ngoài có cùng địa chỉ tại “thiên đường thuế” British Virgin Islands, gồm Golden Hill Investment Company Limited sở hữu 40,03%, Ford Master International Limied 30,02% và Quality Plus Development Limited 29,95%. Lúc này, chức vụ Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật thuộc về ông Ngô Văn An.
Từ năm 2019 - 2021, Golden Hill liên tục có biến động ghế lãnh đạo. Vị trí đại diện pháp luật thay đổi liên tục, lần lượt thuộc về ông Chan Min Simon, Li Yibin, Chiu Bing Keung Kenneth (đều có quốc tịch Trung Quốc), ông Truong Vincent Kinh (quốc tịch Mỹ).
Đến tháng 4/2021, bộ máy mới của Golden Hill bắt đầu có sự ổn định với ông Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT và bà Trần Thị Bích Phương giữ chức Tổng Giám đốc.
Về tình hình vốn và kinh doanh, vào ngày 15/4/2021, Golden Hill đã phát hành thành công lô trái phiếu mã GHICB2124001 trị giá 5.760 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 15/4/2024, với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn của công ty.
Gần nhất, vào giữa tháng 12/2023, Golden Hill đã công bố tình hình tài chính năm 2022 với kết quả khá bết bát khi thua lỗ nặng tới 275,7 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ lỗ 5,78 tỷ đồng. Do đó, tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Golden Hill chỉ còn gần 2.421 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) âm 11,39%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng vọt lên gấp 5,1 lần, tương ứng với 12.347 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ trái phiếu chiếm 5.810 tỷ đồng, tức 2,4 lần vốn chủ sở hữu.
Liên Hà Thái (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN