Liên quan đến vụ việc hàng loạt tàu 67 hư hỏng tại Bình Định, luật sư cho rằng doanh nghiệp đóng tàu có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng”, quy định tại điều 162 Bộ luật hình sự. Đặc biệt, tội danh này đủ điều kiện để khởi tố điều tra.
Công ty đóng tàu hăm dọa cả ngư dân
Tàu vỏ thép BĐ 99567 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Tháng 7/2017, mới đến thời hạn tái kiểm định nhưng hiện nay tàu đã xuống cấp trầm trọng.
Ngư dân Mạnh cho biết: “Trong hợp đồng, tàu được đóng thép Hàn/ Nhật nhưng quá trình giám sát đóng tàu tại nhà máy, con trai tôi phát hiện tàu đóng bằng thép Trung Quốc. Bức xúc, nó lên tiếng phản ánh và chụp hình những mẫu vật liệu thép của Trung Quốc để làm bằng chứng thì bị nhân viên nhà máy đóng tàu ngăn cản, hăm dọa”.
|
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh cho biết: "Phía công ty TNHH Đại Nguyên Dương đối xử thiếu tình người". Ảnh: D.T |
Theo ngư dân Mạnh, bản thân ông cũng ra Nam Định giám sát đóng tàu và đã phát hiện doanh nghiệp “thi công” tàu không đúng hợp đồng. Khi yêu cầu làm đúng với hợp đồng ký kết, ông Mạnh lại bị đối xử “thiếu tình người”.
Đăng kiểm biết máy dỏm, thép Trung Quốc vẫn xác nhận
“Trong khi đó, kiểm soát viên của Trung tâm đăng kiểm tù cá thuộc Tổng cục Thủy sản cũng có kiểm tra việc đóng tàu. Tôi đã trình bày những vướng mắt với mong muốn được giúp đỡ nhưng họ bảo con tàu vẫn đảm bảo chất lượng ra khơi nên tôi chẳng biết làm sao. Sau khi tàu hỏng, tại cuộc họp với Sở NNPTNT Bình Định, ngư dân lo lắng thép không đúng hợp đồng, công ty đóng tàu tự thay thế thép Trung Quốc thì bên Trung tâm đăng kiểm tàu cá xác nhận doanh nghiệp dùng thép Trung Quốc nhưng đủ chất lượng để đóng tàu. Giờ tàu hư hỏng vậy, chúng tôi chẳng biết kêu ai, cái gì cũng đúng quy trình mà hư hỏng ai tin?”- ngư dân Mạnh than vãn.
|
Con tàu gần 20 tỷ đồng của ngư dân hư hỏng, trách nhiệm Trung tâm đăng kiểm ở đâu. Ảnh: D.T |
Theo ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, dự kiến ngày 20/6, Tổ thẩm định 18 tàu 67 hư hỏng của UBND tỉnh sẽ có báo cáo kết quả kiểm tra. Theo kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng (thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế.
Trong khi đó, kết quả kiểm tra máy Mitsubishi của chuyên gia Nhật Bản trong 9 tàu 67 tại Bình Định chỉ có 1 tàu lắp đúng máy chính hãng, 8 tàu còn lại lắp máy không phải hàng chính hãng.
Trao đổi với phóng viên, nhiều ngư dân đặt ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn, không hiểu vì sao thép không đúng hợp đồng, máy không chính hãng lại dễ dàng “lọt mắt” Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) đến vậy?.
|
Ngư dân Lê Văn Thãi buồn bã vì tàu vỏ thép hư hỏng, phải nằm bờ chịu lỗ. Ảnh: D.T |
“Lúc giám sát tàu, thì bên đăng kiểm xuống kiểm tra liên tục. Nói thật, bà con không thuê giám sát độc lập riêng vì nghĩ Nam Triệu là doanh nghiệp của ngành công an nên tin tưởng. Trong đó, có thêm kiểm định nhà nước ngư dân rất yên tâm sẽ được bảo vệ quyền lợi. Do lần đầu tiên đóng tàu vỏ thép, chúng tôi không nắm rõ thế nào mới đảm bảo chất lượng, thấy cũng như thấy vậy thôi. Tuy nhiên, lúc giám sát tôi nghi ngờ máy không chính hãng vì hộp số không phù hợp nhưng nhà máy nói vẫn đảm bảo. Giờ tàu hư hỏng khiến tôi thua lỗ hơn 600 triệu đồng, chẳng biết kêu ai”- ngư dân Lê Văn Thãi - Chủ tàu BĐ 99016 TS (đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu), buồn bã nói.
Có dấu hiệu lừa dối khách hàng!
Liên quan đến vụ việc tàu 67 hư hỏng tại Bình Định, sau khi theo dõi thông tin trên truyền thông, luật sư Võ Hồng Nam - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Định cho rằng có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng”.
Theo luật sư Nam, nếu Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp máy không chính hãng, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) tự ý thay thế thép Hàn/ Nhật sang thép Trung Quốc để đóng tàu mà không được chủ tàu đồng ý thì họ có dấu hiệu phạm tội “lừa dối khách hàng” quy định tại điều 162 Bộ luật hình sự.
|
Tàu 67 hư hỏng, ngư dân gánh nợ ngân hàng. Ảnh: D.T |
Việc có tội hay không, còn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng sau khi điều tra. Nhưng theo điều 162 Bộ luật hình sự thì tôi cho rằng có dấu hiệu của tội “lừa dối khách hàng”. Tội này đủ điều kiện khởi tố để xác minh, điều tra”- luật sư Nam khẳng định.
Theo luật sư Nam, khi ngư dân Bình Định muốn được tư vấn pháp lý để kiện công ty đóng tàu ra tòa thì bản thân ông sẽ hỗ trợ hết mình.
“Còn đối với Đoàn luật sư, nếu ngư dân yêu cầu hỗ trợ thì tôi sẽ có trao đổi luật sư thành viên của đoàn. Luật sư nào muốn bảo vệ miễn phí hoặc đóng góp giúp đỡ ngư dân, chắc chắn tôi sẽ tạo điều kiện”- luật sư Nam cho hay.
Về trách nhiệm cơ quan đăng kiểm, luật sư Nam cho rằng: “Nếu trong quá trình điều tra có việc sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý theo tội “có dấu hiệu sai phạm cố ý làm trái” hoặc “thiếu trách trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng". Lúc đó, cơ quan điều tra sẽ có biện pháp xử lý”.
Phải xử lý hình sự
Trước việc 18 con tàu 67 được đóng tại 2 công ty TNHH MTV Nam Triệu (tại Hải Phòng, thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an) và công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bị hư hỏng khiến ngư dân Bình Định đối mặt với số nợ hàng chục tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng.
Ông Võ Thiên Lăng- Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: “Dù kết quả giám định của Tổ giám định tại Bình Định như thế nào, thì phải chiếu theo luật hình sự mà xử lý. Tôi cho rằng, việc xử lý hình sự là đúng, cố tình thay thép, thay máy tầm bậy là hại cho đất nước. Vấn đề không chỉ có 18 chiếc tàu hư hỏng, mà theo nhiều người đây hành động “phản bội” đất nước, ngư dân không đi đánh bắt được thì làm sao bảo vệ lãnh thổ, ngư trường”.