Loạt dự án điện gió phơi sương, doanh nghiệp dễ phá sản

Hàng loạt dự án điện gió trên cả nước lâm vào tình trạng chưa có phương án xác định giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án chuyển tiếp, khiến dư luận hoài nghi doanh nghiệp còn đủ lực cầm cự?

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, giờ đứng yên tại nhiều địa phương như khu vực duyên hải miền Trung, miền Tây… trong suốt hơn 1 năm qua.

Làm xong để đấy

Mới đây, 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời trên toàn quốc đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng đề xuất khắc phục những bất cập trong việc xây dựng, ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đơn kiến nghị, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 4.676MW chậm tiến độ vận hành thương mại, nên không kịp hưởng giá điện cố định (FIT), phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp. Trong đó, có 34 dự án với hơn 2.090MW (gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời) đã hoàn tất thi công, thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.

Các chủ đầu tư dự án cho biết, không bán được điện do những bất cập trong cơ chế khung giá điện mới, quy định về hợp đồng mua bán điện. Việc áp dụng theo quy định mới này gây bất cập trong pháp lý, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của nhà đầu tư, khiến doanh nghiệp lâm vào thua lỗ và phá sản.

Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán đưa ra khung giá phát điện mới trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá và tham vấn với Hội đồng Tư vấn, Bộ Tài chính để đảm bảo khách quan, minh bạch.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn được huy động công suất của các dự án đã hoàn tất xây dựng trong thời gian chờ sửa khung giá phát điện; cũng như chuyển đổi tiền mua điện sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá. Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động, bởi nhiều đơn vị sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các dự án này.

“Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng, nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T nói tại Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do EVN tổ chức ngày 20/3.

Nguyên nhân từ đâu?

Nói về nguyên nhân các nhà máy điện gió không thể bán điện cho EVN, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, theo quy định, trước khi thực hiện một dự án sản xuất nguồn điện, chủ đầu tư phải đạt được thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện với một đơn vị mua điện, ở đây có thể là EVN hoặc một khách hàng nào đó.

“Có thể các chủ đầu tư không làm đúng quy trình. Bỏ tiền ra xây dựng dự án. Khi xong, lại không biết bán điện cho ai. EVN không nhận mua với giá cả không hợp lý. Do đó, các chủ đầu tư cần lưu ý và thực hiện đúng quy định tìm khách hàng trước, ký được hợp đồng mua bán điện rồi hãy bắt tay đầu tư", ông Trần Đình Long nói.

Theo ông Long, chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo của nước ta là chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích quốc gia và thực tế đã phát huy tác dụng khá tốt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các chủ đầu tư đổ xô vào xây dựng dự án điện gió, điện mặt trời mà không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Chẩn đoán sức khỏe tài chính doanh nghiệp

Theo các nhà đầu tư, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng số vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho hay, hiện các doanh nghiệp chưa thể bán điện đang "điêu đứng" vì lãi vay "trên trời" trong khi doanh thu bán điện không có. Ngoài ra, máy móc 1-2 năm không vận hành sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chi phí bảo trì.

Đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh, chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh 78MW, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, tổng vốn đầu tư 4.206 tỷ đồng cho biết, nhà máy hiện có 15/18 trụ tuabin chưa thể vận hành để hòa lưới do chưa có hướng dẫn áp dụng giá điện.

“Mỗi năm mất hàng chục triệu USD, tiền lãi vay và các chi phí khấu hao khác. Đây là khó khăn chung của nhiều dự án”, đại diện công ty Ecotech Trà Vinh nói./.

Sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế giá FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định chỉ trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15 quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở kết quả tính toán do EVN trình, Bộ Công Thương đã lấy và tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn, sau đó đã ban hành Quyết định số 21 quy định khung giá phát điện NMĐMT, NMĐG chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên. Khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió.

Khi có khung giá điện này, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên, căn cứ vào các hướng dẫn trước đó tại các văn bản mà Bộ Công Thương đã ban hành.

Việc đàm phán về giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương mong muốn EVN và các Chủ đầu tư sớm thảo thuận, thống nhất giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để đưa các dự án vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Hải Ninh