Tết đang đến gần, cũng là lúc nhu cầu đặt vé máy bay tăng cao. Một số người vì muốn mua vé giá rẻ đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ trên mạng.
Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, nhưng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý hoặc thậm chí còn lập các website có tên miền giống với các trang web bán vé máy bay chính thức để lừa nạn nhân sập bẫy.
“Săn vé giá rẻ”
Tìm vé bay bay từ TP HCM về Hà Nội trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, chị Thanh Thúy, nhân viên văn phòng ở quận Gò Vấp (TP HCM), mừng như trúng số khi thấy trang chủ của trang web thông báo giá vé khứ hồi chỉ hơn 2 triệu đồng. Chị lập tức nhấn nút đặt vé, tiến hành thanh toán theo yêu cầu. Hệ thống gửi về cho chị Thúy một mã đặt chỗ, yêu cầu phải chuyển khoản ngay để giữ chỗ.
Vì thấy giao diện website giống trang chủ của Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nên chị không nghi ngờ. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy email xuất vé gửi về như mọi khi, chị Thúy liên hệ đường dây nóng của tổng đài Vietnam Airlines thì mới biết mình đã bị lừa.
“Tôi tìm lại số điện thoại của người nhận là đại lý, hướng dẫn thanh toán trước đó, nhưng đã bị chặn số, mất liên lạc”, chị Thanh Thúy cho hay.
Sau khi kiểm tra kỹ chị mới phát hiện website “săn vé giá rẻ” chỉ khác trang web thật của Vietnam Airlines một chữ “s”. Còn lại toàn bộ giao diện, màu sắc, bố cục của trang web gần như tương đồng, người nhìn lướt qua không thể phát hiện.
|
Giả mạo hãng hàng không để lừa bán vé máy bay dịp Tết 2025 (Nguồn: IT) |
Chị Vũ Thị Oanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng cho biết, tháng trước chị có lên mạng xã hội đặt vé máy bay để về quê ở Hải Phòng vào dịp Tết sắp đến.
“Do dịp Tết giá vé máy bay thường khá cao nên tôi tham gia một nhóm trên mạng xã hội để “săn vé giá rẻ”. Tại đây, tôi được một tài khoản mạng xã hội tiếp cận và giới thiệu là đại lý vé máy bay của các hãng hàng không lớn trong nước, đã tư vấn cho tôi cách “săn vé”, chị Oanh chia sẻ.
Sau đó, chị Oanh vào trang cá nhân của tài khoản này thì thấy đăng tải nhiều bài viết về vé máy bay giá rẻ, ảnh chụp khách hàng đã mua được vé giá rẻ nên chị tin tưởng.
“Sau khi được hướng dẫn, tôi đã đồng ý mua vé về quê với giá rẻ hơn của một hãng máy bay niêm yết tại thời điểm mua khoảng 400.000 đồng/vé. Họ đã gửi mã đặt chỗ cho tôi và yêu cầu thanh toán gấp, nếu không sẽ bị hủy vé”, chị Oanh nói.
Do tin tưởng nên chị chuyển tiền ngay, nhưng chờ hoài không thấy người này gửi vé, gọi điện thoại thì bị chặn liên lạc. Lúc này chị Oanh mới biết mình bị lừa bởi chiêu trò “săn vé giá rẻ”.
Cảnh giác để không phải “ngậm trái đắng”
Cục Hàng không Việt Nam thông tin, phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Một số trang web tên miền gần giống trang web của Vietnam Airlines (https://www.vietnamairlines.com/) như: vietnamairslines.com, vietnamaairlines.com, vietnamairlinesvn.com, vemaybayvietnam.com…
Các trang web giả mạo này thường yêu cầu khách hàng thanh toán qua các tài khoản cá nhân, sau đó không cung cấp vé hợp lệ hoặc các dịch vụ thực tế.
|
Dịp Tết nhu cầu đi lại tăng cao, người dân nên cảnh giác với những chiêu trò vé máy bay giá rẻ. (Nguồn: IT) |
Ngoài ra, một số website giả mạo còn chạy các chương trình ưu đãi hấp dẫn, nhưng khi nhấn vào mua, hệ thống thông báo vé đã hết, người dùng cần để lại thông tin, số điện thoại, email để được nhận thông báo khi có chương trình giảm giá mới.
Sau đó, đối tượng tiếp tục gửi email, tin nhắn thông báo khách hàng “trúng thưởng” hoặc nhận ưu đãi vé máy bay kèm đường link, yêu cầu thanh toán hoặc nhập thông tin tài khoản để chiếm đoạt tài sản.
Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé, nhưng sau đó lại hoàn vé và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả. Tinh vi hơn, khi khách nhận vé, gọi điện lên hãng để kiểm tra thì được báo đã xuất vé đúng hành trình. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, người đặt vé này sẽ gửi yêu cầu tới hãng hàng không để xin hoàn vé. Như vậy, với mỗi vé bay, kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho nhiều người khác nhau và người mua sẽ chịu thiệt hại, ảnh hưởng đến lịch trình kế hoạch đi lại.
Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin – Truyền thông) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống, ứng dụng di động hoặc trực tiếp tại phòng vé và đại lý chính thức của hãng.
Khách hàng mua vé máy bay trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé.
Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng, người mua cần kiểm tra lại, không truy cập vào các đường link lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng hoặc báo qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.