Lò vẫn sẽ nóng và trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kiên định mục tiêu chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là mũi nhọn hàng đầu.
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-9
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kiên định mục tiêu chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là mũi nhọn hàng đầu.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, chống tham nhũng, tích cực "đốt lò" trước hết là vì dân, vì nước…
Ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và "Người cầm lái" vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong Nhân dân.
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-2
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thời gian qua, được tiến hành rất bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ và thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Chúng ta có những hình thức xử lý mới để vừa thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, vừa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa.
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-3
12 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu sang Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, Nhân dân đã thấy "diện mạo mới" trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ.
Những người thoái hóa, biến chất, bất kể là Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, trình độ học vấn, ngành nghề công tác nào hay sai phạm xảy ra từ lâu, cứ đi ngược lời thề trước Đảng, ngược với lợi ích của Nhân dân, dân tộc, lo vun vén cho bản thân và nhóm lợi ích, vi phạm quy định của pháp luật…, đều bị xử lý theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
"Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên…". Câu nói đó của Đồng chí Tổng Bí thư về công cuộc chống tham nhũng đã trở nên phổ biến, được nhiều người biết đến.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định, cuộc chiến chống tham nhũng đã có kết quả tích cực. Thực tế đó không thể tách rời tài năng, bản lĩnh, phẩm cách, đạo đức của "Người đốt lò".
Không liêm chính, không trong sạch thì "trên bảo dưới không nghe". Không lấy bản thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Chính sự gương mẫu, quyết liệt, "nói đi đôi với làm", "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực thành công, được người dân tin cậy và ủng hộ.
Với tinh thần của Đồng chí Tổng Bí thư, Đảng ta luôn thực hiện đồng bộ "xây" và "chống". "Xây" là rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp vừa "hồng" vừa "chuyên", đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ; là xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
"Xây" cũng đòi hỏi phải tổ chức tốt những phong trào thi đua yêu nước, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-4
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ, hiện tượng tham nhũng không chỉ kéo lùi lịch sử, gây bất công, bất bình đẳng trong xã hội, mà còn là cái cớ để các thế lực thù địch ngày đêm chống phá, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền.
Trong lúc này, Đảng ta nếu không đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, sẽ không thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng, dẫn đến bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi không chỉ phát hiện đối tượng tham nhũng để xử lý bằng chế tài của pháp luật, mà còn mang tính giáo dục, răn đe, tìm ra sơ hở trong công tác quản lý để từng bước hoàn thiện chính sách, thể chế, pháp luật, nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Từ đó, xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh và tiến bộ hơn. 
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-5
Từ khi được Đảng và Nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động công cuộc “đốt lò”. Hơn 10 năm qua, kết quả thực tế cho thấy mang lại hiệu quả tích cực.
Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Có thể thấy rằng, toàn Đảng, toàn dân đang đồng lòng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Đây là đòi hỏi tất yếu của lịch sử trong tiến trình phát triển xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ở thời điểm hiện nay là đau thương, mất mát rất lớn với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và gia đình Tổng Bí thư.
Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta không vì thế mà chùn bước, dừng lại. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng, di nguyện mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại.
Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định, phòng chống tham nhũng trở thành xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, nhiệm vụ quan trọng của Đảng. Ai không đồng hành cùng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đứng sang một bên. Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng sẽ kiên trì, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng nghỉ, không dừng lại. Đây là chủ trương và quyết sách đúng đắn.
Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn, những chủ trương, di nguyện này sẽ tiếp tục được duy trì, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện.
Quan điểm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng cũng chính là quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 
Lo van se nong va tran tro cua Tong Bi thu Nguyen Phu Trong-Hinh-6
Theo Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, nhìn lại quá trình công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những thành quả trong công tác chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng và những tư tưởng ông để lại cho hậu thế rất quý giá.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2023, đã tổng kết lý luận và thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam, đồng thời cũng là tư tưởng chỉ đạo, kim chỉ nam cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam.
Cuốn sách này được nhìn nhận ở hai vai trò, đó là trí tuệ tâm huyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và vai trò là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, nhà khoa học đối với các vấn đề chính trị xã hội.
Với quá trình công tác, cống hiến cho Đảng, Nhà nước vô cùng quý giá, với tầm lý luận sâu sắc và tâm huyết dành cho Đảng, Nhân dân, những tác phẩm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, trong đó có cuốn sách trên, sẽ là những di huấn, tư tưởng, quan điểm đúng đắn được đưa ra trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
Những tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện qua những Nghị quyết, ý kiến chỉ đạo trong các văn bản, cuộc họp và nội dung nhiều cuốn sách, bài báo, công trình khoa học, sẽ là kho tàng lý luận quý giá mà các thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu, vận dụng. Từ đó, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không bị sao nhãng, tiếp tục đạt được thành quả để đưa đất nước tiến lên, ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh.
"Cá nhân tôi tin rằng, các đồng chí, đồng nghiệp sẽ cùng toàn thể Nhân dân tiếp bước, cố gắng hơn nữa để hoàn tất những di nguyện của Tổng Bí thư, tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hơn nữa để cởi bỏ những khiếm khuyết, cản trở trên con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội", Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022
Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ.
Khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can.
Thiên Tuấn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN