|
Nhà khách Sơn La trở thành bến xe trá hình của nhà xe Bắc Sơn. |
Mua “lốt ảo” qua mặt cơ quan chức năng
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền phong, hãng xe khách của Bắc Sơn Limousine chạy tuyến cố định, liên tục hàng ngày tuyến Hà Nội – Sơn La. Nhà xe đóng nốt ở bến xe Yên Nghĩa nhưng hoạt động đón trả khách và hàng hoá lại diễn ra chính tại sân Nhà khách Sơn La (đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội). Tại “bến xe” riêng này, nhà xe Bắc Sơn hàng ngày tổ chức đón, trả khách vào nhiều khung giờ trong ngày từ 5h30 sớm đến 23h với tần suất 60 phút/chuyến.
Clip: Nhà xe Bắc Sơn Limousine đón sử dụng nhà khách Sơn La làm "bến xe", thu tiền trực tiếp từ hành khách nhưng không xé vé.
Văn phòng xe Bắc Sơn tại Nhà khách Sơn La luôn hoạt động tấp nập. 3-4 xe Limousine của hãng luôn túc trực tại văn phòng chờ khách. Theo nhân viên nhà khách cho biết, hoạt đoạt động đưa đón, trả khách của nhà xe Bắc Sơn ở đây diễn ra nhiều năm nay. Hàng ngày vài chục lượt xe vào ra trả khách gây sự bát nháo ở khu vực này.
Theo ghi nhận của phóng viên, các lốt xe ở bến luôn trống vì xe của hãng đỗ ngày đêm tại nhà khách.
Chúng tôi đặt vé xe Bắc Sơn qua tổng đài, nhân viên nhà xe không giới thiệu khách đến tại Bến xe Yên Nghĩa như nốt nhà xe đăng ký mà giới thiệu khách qua Nhà khách Sơn La. “Xe đăng ký ở bến nhưng đón, trả khách ở nhà khách Sơn La”, nhân viên nhà xe nói.
Sáng ngày 25/7, chúng tôi tham gia hành trình Hà Nội – Sơn La trên chuyến xe Limousine của nhà xe Bắc Sơn. 8h30 xe xuất bến, nhưng 2 người khách đến muộn nên lái xe phải chờ tới gần 9h mới lăn bánh. Vì xe 9 chỗ nên lái xe kiêm luôn là phụ xe, xếp đón hành lý, thu tiền.
Điều đặc biệt là dù đã gom đủ 9 hành khách, nhưng chiếc xe Limousine mang BKS: 26B.003.16 không chạy trực tiếp về Sơn La mà chạy về Bến xe Yên Nghĩa. Tại đây, người lái xe cầm giấy, lệnh xuất bến chạy đi đóng dấu ở bến xe.
Khoảng 3 phút để hoàn thành các khâu thủ tục đúng quy trình, chiếc xe mới xuất phát ra khỏi bến. Thắc mắc, nhân viên nhà xe cho biết: “Việc mua lốt ở bến là cơ sở để nhà xe chạy tuyến cố định. Xe không có ở bến nhưng hàng ngày vẫn phải chịu đóng tiền”.
Trên xe nhưng tất cả các hành khách đều được nhà xe thu tiền trực tiếp (không có vé xe). Dù theo quy định, các doanh nghiệp vận tải được quyền tự đăng ký giá vé với liên ngành như:
Cục Thuế, Sở GTVT, Sở Tài chính các địa phương và được phát hành vé. Nhưng thực tế, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp lách luật trốn thuế hoặc "móc túi" khách hàng, từ chính hai hình thức thu: Khoán doanh thu và khấu trừ 10% tiền bán vé (vé xe đều có bảo hiểm trách nhiệm dân sự)...
Sử dụng chiêu trò tương tự, nhà xe Limousine “Ninh Quỳnh Car Vip” chạy chuyên tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quảng Ninh dù đóng lốt ở Bến xe Nước Ngầm nhưng lại hoạt động chính ở các văn phòng. Dù chạy tuyến cố định nhưng xe Limousine nhà xe sẵn sàng đón khách khắp các điểm ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong bến xe, Cty Ninh Quỳnh chỉ đăng ký vài lốt lấy lệ, còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các “bến cóc” trong nội thành và dọc đường.
|
Trước đó, cuối năm 2017 ông Đào Việt Long - Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) đi ”thị sát” bắt quả tang xe Ninh Quỳnh không tổ chức bán vé và có hành vi chạy sai giờ tại bến xe Nước Ngầm Đồng thời đề nghị lãnh đạo Thanh tra Sở chỉ đạo Thanh tra GTVT quận Long Biên khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải tại Văn phòng đại diện và bãi đỗ xe trước cửa Văn phòng của Công ty Ninh Quỳnh ở 168 Ngọc Trì, Long Biên. Nhưng thực tế, nhà xe vẫn hoạt động bát nháo, đón khách không đúng quy định. |
Hàng ngày, sau khi gom khách từ khu vực nội thành Hà Nội, các xe Ninh Quỳnh tiếp tục di chuyển về “bến xe” chính nằm trên trên quận Long Biên để xếp khách. “Bến xe” riêng của nhà xe này có địa chỉ tại số nhà 168 Ngọc Trì, được dùng làm bãi xe, đón tiếp, phòng chờ, bãi đậu xe, nơi tiếp nhận hàng hóa. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục lượt xe khách dừng, đỗ xếp khách gây ùn tắc giao thông.
Sau khi xuất bến xe Nước Ngầm, thay vì chạy đúng lộ trình về Lạng Sơn, Quảng Ninh, các xe của nhà xe Ninh Quỳnh chạy lòng vòng qua bến xe Giáp Bát, vào một khu dân cư nằm trên đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi để đón khách.
Ngoài các xe cố định để qua mặt cơ quan chức năng, nhà xe Ninh Quỳnh còn sử dụng xe hợp đồng chạy “trá hình”, thu tiền, bán vé trực tiếp trên xe. Trước khi xe xuất bến, danh sách hành khách đã được lập sẵn trước, trên bản hợp đồng có đầy đủ họ tên, năm sinh, điểm đón trả của hành khách để "hợp thức hoá" hoạt động trái pháp luật của mình.
Qua tổng đài đặt vé đi Vân Đồn, Quảng Ninh, nhân viên nhà xe cho biết mức giá từ 180.000 – 240.000 đồng tuỳ ví trí ngồi trên xe. Nhà xe sẵn sàng đón khách mọi ví trí trong nội thành Hà Nội. Còn vé xe đi Hà Nội - Lạng Sơn có giá 200.000 đồng. Xe Ninh Quỳnh chạy 60 phút/chuyến, liên tục từ 4h sáng đến 22h đêm.
Hoạt động “trá hình” bát nháo
Trong vai hành đi tuyến Hà Nội - Nam Định, phóng viên đặt vé xe Limousine Long Giang. Nhân viên nhà xe hướng dẫn đến địa chỉ 325 Giải Phóng (đoạn chân cầu vượt Vọng - Giải Phóng, quận Thanh Xuân) để đón khách.
Đến văn phòng nhà xe Long Giang, hành khách tới hỏi mua vé, nhân viên ở đây cho hay khách không cần mua vé, chỉ cần lên xe rồi trả tiền, giá vé là 100.000 đồng/người/lượt. Ở đây, các khung giờ xe chạy đều tấp nập người đi xe đổ về chật kín vỉa hè trước cửa văn phòng. Trước của văn phòng Long Giang luôn duy trì từ 2 -3 xe dàn hàng ngang dưới lòng đường xếp khách, bốc xếp hàng hóa.
Những chiếc xe có phù hiệu hợp đồng này lại hoạt động không đúng với công năng được cấp phép. Với nhiều chiêu trò lách luật, nhà xe này vô tư gom khách lẻ, thu tiền, phát hành vé như xe tuyến cố định. Với tần suất 1 giờ/ chuyến, liên tục tục từ 6 giờ sáng tới 20 giờ tối, mỗi ngày nhà xe này có khoảng gần 100 chuyến xe hoạt động ở cả hai đầu Hà Nội và Nam Định.
|
"Bến xe riêng" của hãng xe Long Giang nằm trên đường Giải Phóng chỉ cách “chốt” làm việc của Đội CSGT số 4 - CA Hà Nội chừng 100 mét. Và mỗi ngày nhà xe này có hàng trăm lượt xe đón, trả khách trái quy định, công khai nhưng tuyệt nhiên không thấy lực lượng CSGT xử lý? |
Tương tự, “bến xe” riêng của nhà xe Hà Lan Limousine tại 82 Nguyễn Chánh ngang nhiên đón trả khách công khai từ 5h30 đến 21h. Nhà xe Hà Lan “lách luật” bằng cách chỉ lấy tên, địa chỉ, số điện thoại của khác hàng điền vào một hợp đồng được in sẵn. Nhân viên ở đây sẽ thu tiền trực tiếp từ phòng vé hoặc ngay khi lên xe. Xe xuất bến chạy từ 5h - 21h, tần suất 30 phút/chuyến, giá vé 120.000 đồng/khách chặng Hà Nội - Thái Nguyên.
Clip: Nhà xe Hà Lan Limousine đón khách tại văn phòng, thu tiền trực tiếp trên xe.
Không giáp các bến xe, nhưng những năm trở lại đây quận Thanh Xuân cũng là điểm nóng tập hợp hàng chục nhà xe Limousine sử dụng xe hợp đồng trá hình, đón trả khách bát nháo tại các văn phòng nhà xe trên địa bàn.
|
Đại Nam Limousine (địa chỉ tại C86, ngõ 153 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hoá, nhà xe này sử dụng chính văn phòng của mình là bến “cóc” đón trả khách. Nhà xe vận chuyển hành khách theo tuyến Hà Nội - Thanh Hoá với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/người/lượt. Mỗi ngày nhà xe này có gần 40 chuyến cố định chạy Hà Nội - Thanh Hoá, từ 4 giờ sáng đến 20 giờ tối. |
|
Tại số 18 Nguyễn Lân ( Thanh Xuân) từ 6 giờ sáng đến 20 giờ hằng ngày, những khách có nhu cầu đi Thanh Hoá sẽ dễ dàng mua được vé hãng xe Vân Anh Limousine. Hoạt động bán vé khá công khai, người mua người bán tấp nập. Hãng xe Vân Anh Limousine đưa xe tận bên trong văn phòng đón trả khách, với tần suất dày đặc, khoảng 100 chuyến/ngày. |
|
Ngay tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở, nhà xe Bình An Limousine chuyên tuyến Hà Nội – Hoà Bình ngang nhiên sử dụng văn phòng (cũng chính là quán cà phê – PV) hoạt động đón trả khách. Các xe của hãng đỗ chờ khách nhiều giờ đồng hồ hàng ngày ở khu vực cấm đỗ xe nhưng không thấy bóng dáng lực lực chức năng. |
Vì sao xe dù, bến cóc, hoạt động bát nháo ở Hà Nội nhưng đội ngũ cán bộ quản lý địa bàn và lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương không hề hay biết ?.
Với mức giá từ 180.000 - 240.000, các nhà xe Limousine hoạt động liên tục 60 phút/chuyến. Mỗi ngày, hàng nghìn chiếc xe Limousine vận chuyển khách liên tỉnh, trá hình thì việc trốn được 10% thuế VAT từ tiền bán vé, mỗi xe đã gây thất thu thuế hàng tỷ đồng đồng/ngày. Chưa kể, xe khách trá hình còn trốn được thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xe dưới 10 chỗ không được chạy tuyến cố định
Nghị định 86/CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu rõ: Xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên và có niên hạn theo quy định, còn xe hợp đồng thì chỉ quy định niên hạn và không hạn chế loại xe. Đối với xe dưới 10 chỗ, nếu doanh nghiệp dùng làm xe trung chuyển, chạy hợp đồng hay kinh doanh taxi thì được phép. (Như vậy, có thể hiểu Limousine hoán cải 9 chỗ không được phép chạy tuyến cố định, còn đến nhà đón khách và chạy đến một tuyến nhất định được coi là chạy “dù” - PV).
Xe khách hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu tiền cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến xe khách đăng ký chạy tuyến cố định. (Lợi dụng kẻ hở, các nhà xe đều sử dụng "hợp đồng ma" để qua mặt cơ quan chức năng - PV)
Clip: Chiêu trò trùm xe dù ‘Limousine’ X.E Việt Nam, Phúc Xuyên qua mặt cơ quan chức năng Hà Nội.