Liên hiệp Hội Việt Nam: Chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển

Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phát triển không ngừng và từng bước mở rộng phạm vị hoạt động, tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên môn phù hợp với các lĩnh vực hoạt động của các hội chuyên ngành.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, ngay từ khi mới thành lập năm 1983, từ 15 hội thành viên trải qua các năm và vươn mình lớn dậy đến nay Liên hiệp Hội đã có 142 hội thành viên, trong đó có 63 Liên hiệp Hội ở các tỉnh, thành phố và 86 hội ngành toàn quốc hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.
Trong 35 năm hoạt động, từ một tổ chức đoàn thể tự nguyện, Liên hiệp Hội Việt Nam đã dần trở thành tổ chức chính trị xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan Đảng, Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức thành viên, của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Xác định nhiệm vụ chính là phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, Liên hiệp hội đã tổ chức hàng nghìn lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật cho hàng vạn hội viên, cho người lao động về sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ, giáo dục kỹ năng sống... Bên cạnh đó, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã thực hiện nhiều đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn, được các ngành xem xét đưa vào ứng dụng.
Tư vấn, phản biện xã hội cũng là một chức năng quan trọng của Liên hiệp hội. Trong các nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực vận động chính sách, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Cũng theo TS Tân cho biết, hiện nay hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng của đội ngũ trí thức, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội. Một trong những bất cập đó là mô hình tổ chức của Liên hiệp Hội có nhiều điểm chưa phù hợp với nội dung hoạt động. Mặc dù trong quá trình hoạt động mô hình tổ chức đã có những thay đổi nhất định song vẫn chưa thể hiện rõ, thể hiện đúng được nội hàm và bản chất của tổ chức. Một câu hỏi được đặt ra cần lời giải rõ ràng là Liên hiệp Hội là tổ chức của các hội hay tổ chức của trí thức. Tên của tổ chức là Liên hiệp của các Hội Khoa học và Kỹ thuật, song Điều lệ ghi Liên hiệp là tổ chức của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam. Như vậy tên của tổ chức và nội hàm hoạt động chưa trùng khớp. Mặt khác, tên của tổ chức hơi dài, âm điệu không hài hòa gây hệ lụy là khó nhớ, khó phát âm. Thực tiễn cho thấy phần lớn người phát ngôn cụm từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ở ngoài hệ thống của tổ chức thường hay phát ngôn hoặc thiếu hoặc sai. Vấn đề đó ảnh hưởng không nhỏ đến tính chính danh của tổ chức.
TS Tân cũng đưa ra 12 phương án về tên gọi, tuy nhiên chỉ có 5 phương án là có các yếu tố phù hợp hơn với tôn chỉ, mục đích, chức năng của Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay: 1. Liên hiệp trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 2.Liên hiệp hội trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 3.Hội trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 4.Liên hiệp Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 5. Liên hiệp Hội Khoa học, Công nghệ Việt Nam.
TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam 
Còn theo ý kiến của TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc đổi tên hiện nay là rất cần thiết, theo phân tích của TS Mậu trước hết là làm thế nào tên đó phản ánh đúng với tôn chỉ mục đích của Liên hiệp Hội? Thứ hai là tên càng ngày càng tốt! Ngoài ra muốn đổi tên phải có chữ trí thức trong đó. Vì vậy, theo TS Mậu có thể đổi tên thành: Hội trí thức Việt Nam; Hội trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam; Liên hiệp trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Liên hiệp Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo ý kiến của ông Trần Xuân Tư – Hiệp Hội những người sáng tạo Việt Nam cho biết, cần phải đổi tên thành Liên hiệp trí thức khoa học công nghệ Việt Nam, với tên gọi như vậy thể hiện là tổ chức tập hợp trí thức khoa học công nghệ dưới dạng là liên hiệp các hội của trí thức khoa học công nghệ tuy không có từ hội trong đó.
Ông Trần Xuân Tư – Hiệp Hội những người sáng tạo Việt Nam
Ý kiến của ông Đinh Văn Nhã – Giám đốc Viện OMEGA cần thay đổi tên thành Liên hiệp Hội Khoa học, Công nghệ Việt Nam vì phương án này ít chữ, hội đủ hết tất cả những chữ mà chúng ta cần và ngoài ra nó phù hợp với quốc tế, phù hợp với phiên bản Vusta.
Ông Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ cho rằng cần đổi tên thành Liên hiệp hội trí thức Khoa học Việt Nam, với tên gọi như vậy thể hiện là tổ chức tập hợp trí thức khoa học và công nghệ dưới dạng là liên hiệp các hội của trí thức khoa học và công nghệ, với chữ hội làm rõ nghĩa hơn của tổ chức là tập hợp các hội trí thức
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất về tên gọi của Liên hiệp Hội Việt Nam. Theo đồng ý kiến của các đại biểu thì nên đổi tên thành Liên hiệp Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác cần phải đổi tên thành Liên hiệp Hội trí thức Khoa học công nghệ Việt Nam và Hội trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra sẽ lấy thêm ý kiến của Hội đồng Trung ương để xem xét và quyết định.
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo VUSTA

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN