Lên Tả Phìn ăn… thịt chuột rừng gác bếp

Người Tả Phìn không ăn thịt chuột đồng mà chỉ ăn thịt chuột rừng. Để bắt được chuột rừng, người ta phải làm bẫy rất công phu mới mong chuột sa bẫy.

Tả Phìn là địa bàn có đông đảo người Dao và Mông sinh sống. Xã nằm cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) 10km, đây là một trong những địa điểm thu hút du khách đến tham quan, bởi vẻ đẹp hoang sơ của hang động Tả Phìn với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc… Văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây rất phong phú: thịt lợn gác bếp, thịt chua, rau muối, rượu men lá… và món thịt chuột rừng gác bếp.

Lên Tả Phìn ăn… thịt chuột rừng gác bếp-1
Chặt thịt chuột.

Người Tả Phìn không ăn thịt chuột đồng mà chỉ ăn thịt chuột rừng. Để bắt được chuột rừng, người ta phải làm bẫy rất công phu thì mới mong chuột sa bẫy.

Khi bẫy được chuột người dân dùng dao cắt tiết, rồi đốt lửa thui lông như thui chó. Sau khi thui xong thì mổ bụng và làm sạch nội tạng. Tẩm ướp gia vị, gia vị ngấm vào miếng thịt rồi đem gác bếp. Đợi đến khi thịt đượm khói vàng ươm mới đem thịt chuột ra chế biến.

Lên Tả Phìn ăn… thịt chuột rừng gác bếp-2
Thịt chuột sau khi chặt.

Cách chế biến thịt chuột gác bếp cũng khá đơn giản. Đem thịt ra rửa với nước nóng, cạo hết bụi bếp bám trên thịt rồi đem chặt thành từng miếng nhỏ. Sau đó đem xuống chảo xào với mỡ nóng, thêm gia vị tùy thích rồi đảo đến khi thịt chín mềm là ăn được.

Lên Tả Phìn ăn… thịt chuột rừng gác bếp-3
Đang xào thịt chuột gác bếp.

Nói về sự thơm ngon của món thịt chuột cụ Giàng A Phà, dân tộc H’mông cho biết: "Thịt chuột gác bếp thơm lắm. Nhà nào có thịt chuột gác bếp khách bước chân vào nhà là biết ngay, vì thịt đượm khói có mùi thơm rất đặc trưng".

Cụ cam đoan: "Cả cái xã Tả Phìn này, từ già để trẻ cam đoan là ai cũng thích ăn thịt chuột gác bếp, vì miếng thịt vừa giòn vừa dai, mùi thơm của khói bếp tỏa lên mũi thơm nức". Rồi ông tự khẳng định, bữa cơm nào có món thịt chuột gác bếp, nhà ông phải nấu nồi to hơn ngày thường.

Lên Tả Phìn ăn… thịt chuột rừng gác bếp-4
Mọi người đang quây quần bên bếp lửa ngày đông.

"Trước đây, thời cụ còn trẻ chuột nhiều lắm, cứ vào ngày mùa, lũ nó thi nhau ra nương phá hoại ngô non, đem bẫy ra bắt có ngày được hàng chục con, nên món thịt chuột gác bếp là món ăn thường ngày. Nhưng hiện nay chuột càng ngày càng ít dần, bãy chuột càng ngày càng khó, nên món thịt chuột cũng không còn phổ biến như trước nữa", cụ Phà cho biết thêm.

Theo PV / Người Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN