Đêm 6/5/1954, có ba bóng người lặng lẽ men theo đường hào ven đồi A1, một người tiến sát đến khối bộc phá nghìn cân được chôn sẵn ở đó. Giờ G điểm, pháo bắt đầu bắn dồn dập, ông giật nụ xòe... Đó cũng là hiệu lệnh cho bộ đội xung phong, giành thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Người ta vẫn gọi đùa ông là “bất tử”, bởi cuộc đời ông 2 lần nhận nhiệm vụ vào “cửa tử”, 1% cơ hội sống sót, nhưng ông vẫn sống. Cho đến năm 2008, ông mất vì tuổi già, thọ 85 tuổi. Chữ “bất tử” vẫn luôn được mọi người sử dụng khi kể lại về những chiến công của ông.
Mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng nếu như không có một phát hiện tình cờ vào năm 1994.
Từ anh thợ cày làng Vị Thanh
Trong những ngày cả nước đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ lỷ kiệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tìm đến xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, tiếp chúng tôi là anh con trai trưởng của gia đình, anh Nguyễn Văn Bách, câu chuyện về ông vẫn rất sôi nổi.
Năm 2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng. Tên ông là Nguyễn Văn Bạch, là người đã điểm hoả quả bộc bá 1.000kg trên đồi A1 Điện Biên Phủ ngày 6/5/1954. Về sau khi đã biết về ông, hàng trăm bài báo được xuất bản với nhiều nhan đề khác nhau như: “Người điểm hỏa trong đường hầm đồi A1” - “Người chiến sĩ và tiếng nổ trên đồi A1” - “Lặng lẽ một người lính”... và “Người gây động đất đồi A1”.
Thuở nhỏ, nhà nghèo, mới 15 tuổi, cậu bé Bạch đã phải đi chăn trâu và cày thuê gánh mướn cho nhà giàu lấy gạo, lấy tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em. Ngày 12/6/1949, anh thanh niên Nguyễn Văn Bạch tình nguyện đi đánh giặc. Chính xác hơn là Bạch đã trốn gia đình đi đánh giặc, bời ông là con một, ông đi cùng mấy thanh niên trong làng Vị Thanh. Mấy năm sau, đồng đội viết thư về kể chuyện, gia đình ông Bạch mới biết.
|
Ông Nguyễn Văn Bạch. (Ảnh chụp năm 2007) |
Ông cùng đơn vị hành quân chiến đấu nhiều trận, nhiều chiến dịch và được chỉ huy tin cậy giao cho các nhiệm vụ như đảm nhiệm bắn súng Bazoka ở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 đánh Phố Lu, đánh mìn chặn đường tiếp viện của địch ở chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng, đi xây dựng sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Tam Đảo, tháo gỡ bom mìn ở chiến dịch Tây Bắc và Thượng Lào…
Năm 1953, Nguyễn Văn Bạch được cấp trên điều động về làm tiểu đội trưởng đội đặc nhiệm M83 chuyên nhiệm vụ phá bom, mìn nổ chậm ở Điện Biên Phủ.
Cuộc đời chiến trận của ông Bạch đã hai lần cầm chắc cái chết, nhưng vẫn “bất tử”. Một lần xung phong tháo ngòi nổ còn nguyên vẹn gắn vào một quả bom tại Suối Rút, Hòa Bình, để lấy tư liệu về cho đơn vị học tập. Lần thứ hai châm bộc phá đồi A1. Nhưng để có 1.000kg thuốc nổ đánh đồi lần ấy, ông cũng đã trải qua những giờ phút đối mặt tử thần.
Đến chiến công oanh liệt bên đồi A1
Những ngày cuối tháng 4/1954, trên chiến trường Điện Biên Phủ, quân ta thắng lớn, nhưng cuộc chiến ngày càng gay go quyết liệt. Muốn giải phóng Điện Biên, bằng mọi cách phải chiếm được đồi A1.
Địch kiên quyết chống trả làm hàng trăm chiến sỹ ta phải đổ máu thương vong ngay chân đồi A1. Hai bên dành nhau từng tấc đất, lúc ta chiếm, lúc địch chiếm, bất phân thắng bại.
Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương án đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn 351.
|
Ông Bạch thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp năm 2004) |
Cấp trên giao đánh đồi bằng 1.000kg thuốc nổ nhưng chỉ cấp 500kg, còn lại đại đội phải tự kiếm lấy. Đúng lúc đang bí thì thật may, có người của đơn vị pháo phòng không đến báo họ vừa bắn rơi một chiếc máy bay B24 gần đồi Độc Lập. Máy bay vẫn còn bom, lại rơi rất gần trận địa pháo. Ông Bạch mừng quá xung phong dẫn đầu một tốp gồm bốn chiến sĩ bí mật luồn lách qua sân bay Mường Thanh và đồi Độc Lập, mất một tuần đánh vật với bom tạ thu về gần 500kg thuốc nổ mang về, coi như đã “đủ chỉ tiêu”.
Ngày 5/5, đường hầm ngầm xuyên dưới chân đồi A1 hoàn thành cũng là lúc khối bộc phá nghìn cân đã chuẩn bị xong với 5 nụ xòe để đảm bảo chỉ cần điểm hỏa một lần là khối bộc phá sẽ phát nổ.
Tuy nhiên, khi dùng máy phát điện 100W điểm hỏa thử trên mô hình thì khối bộc phá lại không nổ theo đúng yêu cầu. Để “chắc ăn”, ông Bạch mang thêm quả bộc phá 5kg trong người, phòng trường hợp kíp nổ không cháy, ông sẽ điểm hỏa trực tiếp và tan xác cùng khối bộc phá.Tối 6/5/1954, theo kế hoạch phối hợp tác chiến, khi pháo binh bắn dồn dập vào trận địa địch trên đồi A1, khối bộc phá sẽ được điểm hỏa. Sau khi bộc phá nổ, bộ binh sẽ xung phong. Rồi cái giây phút ấy cũng đến, pháo bắt đầu bắn dồn dập, nhưng không bắn vào đồi A1. Chờ khoảng 5 phút, Bạch mới chắc đấy là pháo lệnh, liền dồn sức giật nụ xòe, lúc đó là 20h30’ ngày 6/5/1954.
Giật xong, ông theo đường hầm cấp tốc chạy ra ngoài. Một tiếng nổ ầm vang như tiếng sấm, rung chuyển như động đất, khói bốc cao ngùn ngụt, đen ngòm, toàn quân xung phong. Riêng Nguyễn Văn Bạch bị sức ép nhấc bổng lên trời, rơi xuống, thêm một tảng đá to đè lên chân, ông đau đớn ngất xỉu.
Bất tử
Năm 1958, sau 9 năm tham gia quân đội, ông Bạch ra quân với chức vụ Trung đội phó Công binh. Nhờ có người bà con xin cho đi thoát ly, ông vào làm thủ kho ở Công ty Nông sản Vĩnh Phú. Mấy năm sau khi Nhà nước có lệnh điều động, ông tái ngũ khi đã hơn 40 tuổi. Đến lần xuất ngũ thứ hai, ông lại về làm thủ kho. Năm 1977, nhìn cảnh nhà khó khăn, mẹ già, vợ yếu, lũ con nheo nhóc, cơm bữa no bữa đói, ông xin về hưu.
Ông Bạch tập trung phát triển kinh tế gia đình, việc gì ông cũng làm, miễn là lương thiện, từ trồng ngô, trồng sắn, làm thủ kho rơm, đến đi buôn... Đến lúc kinh tế gia đình cũng tạm ổn, nhìn lại đã gần 20 năm, tuổi cũng đã già. Theo thời gian, những chiến công oanh liệt một thời cũng chìm dần vào quên lãng.
Một phần nữa, những thông tin, giấy tờ liên quan gần như cũng mất sạch trong vụ cháy năm 1977. Hai anh con trai đốt lửa nung lưỡi câu, sợ bị lộ nên trùm màn kín mít, thế là cháy. Lúc ông Bạch đang đi cày nghe tin chạy về nhà, nhìn mấy đứa trẻ đứng khóc bên đống tro tàn, vợ chồng ôm nhau khóc theo.
|
Người con trai trưởng Nguyễn Văn Bách bên những bằng khen, bức ảnh kỷ vật của bố mình, người điểm hỏa khối bộc phá ngàn cân đồi A1. |
Người ta cũng chỉ biết ông Bạch đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như hàng vạn con người khác. Mãi đến năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng, có một “nhà báo của làng” tên Trần Quang Tạo đi qua nhà, thấy ông Bạch vẫn đang ngồi uống nước chè, ông Tạo hỏi sao không đi dự lễ, ông Bạch bảo: "Ai cho đi mà đi".
Ông Tạo nghe ông Bạch kể chuyện đã rất sốc, ngay tức khắc viết thư gửi cho Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Phú cũ, Chủ tịch tỉnh Lai Châu và cả Ban Bí thư TW.
Mất thêm 2 năm nữa, năm 1996, ông Tạo mới tìm được Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung và Tổ trưởng Đảng Lưu Viết Thoảng, nhờ họ xác nhận thành tích cho ông Bạch.
Riêng ông Khung cũng quá bất ngờ khi biết được người đồng đội năm xưa vẫn còn sống, và đang ở làng Vị Thanh, bởi tưởng ông Bạch đã hy sinh rồi. Viết hồi ký cho binh chủng Công binh, ông Khung sau khi kể thành tích của Tiểu đội trưởng Bạch ở đồi A1 đã ghi thêm: “Không biết hiện nay anh Bạch ở đâu?”.
Sau khi phát hiện, câu chuyện về Nguyễn Văn Bạch được đăng tải trên nhiều báo, nhiều đài truyền hình từ địa phương đến Trung ương, đã làm bớt được phần nào nỗi trăn trở của những người thân và bạn bè, đồng đội của ông.
Cho tới năm 2004, hồ sơ đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mới được hoàn thành và xác nhận, Tỉnh ủy - UBND - Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh Vĩnh Phúc cũng có công văn đề nghị Nhà nước xét tặng. Tuy nhiên, công văn gửi đi mãi chẳng thấy hồi âm.
Đến năm 2010, sau khi ông Bạch mất được 2 năm, thọ 85 tuổi, người gây "động đất" đồi A1 mới được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chỉ tiếc là ông không đợi được đến ngày vinh quang thì đã đi xa về cõi vĩnh hằng theo luật sinh tử.
Dù sao, ở nơi chín suối, ông Nguyễn Văn Bạch cũng đã mỉm cười.