Lan tỏa bản hùng ca 50 năm Thống nhất cho thế hệ tương lai

Không khí hào hùng của lịch sử như ùa về tại Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong buổi sinh hoạt kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc cho thế hệ tương lai.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 28/4, Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã long trọng tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống với chủ đề “50 năm, vang mãi bản hùng ca toàn thắng”.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai
Các vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em học sinh trong lễ chào cờ.
Buổi sinh hoạt không chỉ là dịp để thầy và trò ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là cơ hội để khắc sâu niềm tự hào về ngôi trường mang tên vị Đại tướng tài ba – Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-2
Những gương mặt, ánh mặt thơ ngây bên màu cờ đỏ sao vàng.
Trọng tâm của buổi sinh hoạt là phần nói chuyện truyền thống đầy ý nghĩa của Thượng tá Nguyễn Danh Quân, Cán bộ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban phụ huynh Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng.
Với chủ đề "Vị Đại tướng chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975", Thượng tá Nguyễn Danh Quân đã đưa các em học sinh quay ngược thời gian, trở về với những ngày tháng Tư lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-3
Thượng tá Nguyễn Danh Quân, Cán bộ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với bài nói chuyện ý nghĩa.
Bằng giọng kể trầm ấm, giàu cảm xúc và kiến thức lịch sử sâu sắc, Thượng tá Nguyễn Danh Quân đã khắc họa chân dung Đại tướng Văn Tiến Dũng – người con ưu tú của Hà Nội, vị Tổng Tham mưu trưởng tài ba, người được Bộ Chính trị tin tưởng giao trọng trách Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch cuối cùng, mang tính quyết định cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-4
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng (phải). Ảnh tư liệu
Thượng tá Nguyễn Danh Quân nhấn mạnh: "Sau những thắng lợi tạo tiền đề vững chắc của chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, thời cơ để ta mở Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã chín muồi. Đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng thời điểm này, Thượng tướng Văn Tiến Dũng được thăng quân hàm Đại tướng và được cử làm Tư lệnh Chiến dịch".
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-5
Bài nói chuyện được các em lắng nghe chăm chú và vỗ tay tán thưởng.
Bài nói chuyện đã làm sống lại không khí khẩn trương, hào hùng tại Sở Chỉ huy Chiến dịch. Các em học sinh được hiểu rõ hơn về tư tưởng chỉ đạo sắc bén của Bộ Chính trị: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, Quyết chiến và toàn thắng". Đặc biệt, Thượng tá Nguyễn Danh Quân đã chia sẻ về những trăn trở của Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch: làm sao để đánh nhanh, thắng chắc, làm sụp đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền, nhưng đồng thời phải giữ gìn tối đa cho Sài Gòn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của cho đồng bào.
Kế hoạch tác chiến táo bạo, khoa học với 5 cánh quân hùng hậu, từ 5 hướng đồng loạt tiến công vào các mục tiêu trọng yếu nhất trong nội đô Sài Gòn đã được Thượng tá Nguyễn Danh Quân diễn giải một cách sinh động, dễ hiểu:
• Hướng 1 (Dinh Độc lập): Do Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang – nay là Quân đoàn 12) đảm nhiệm.
• Hướng 2 (Bộ Tổng Tham mưu ngụy): Do Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng – nay là Quân đoàn 12) đảm nhiệm.
• Hướng 3 (Sân bay Tân Sơn Nhất): Do Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên – nay là Quân đoàn 34) đảm nhiệm.
• Hướng 4 (Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô ngụy) và Hướng 5 (Tổng nha Cảnh sát ngụy): Do Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn) đảm nhiệm.
"Việc điều khiển 5 cánh quân từ 5 hướng, xuất phát vào những thời điểm khác nhau, đi trên nhiều trục đường, xử lý tình huống khác nhau nhưng lại hiệp đồng chặt chẽ, cùng tiến về Sài Gòn đúng thời điểm là một kỳ công về chỉ huy, thể hiện tài thao lược và sự quyết đoán phi thường của Đại tướng Văn Tiến Dũng và Bộ Tư lệnh Chiến dịch", Thượng tá Nguyễn Danh Quân phân tích.
Khoảnh khắc thiêng liêng trưa ngày 30/4/1975, khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, cũng được tái hiện đầy xúc động qua lời kể của Đại tướng Văn Tiến Dũng mà Thượng tá Nguyễn Danh Quân trích dẫn lại: "Tất cả chúng tôi đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau... Tất cả đều nghẹn ngào, xúc động...".
Kết thúc bài nói chuyện, Thượng tá Nguyễn Danh Quân nhắn nhủ các em học sinh Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng hãy luôn tự hào về ngôi trường mang tên vị Đại tướng anh hùng, noi gương ông cha, chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ", tích cực tìm hiểu lịch sử dân tộc để "tường gốc tích nước nhà Việt Nam", phấn đấu trở thành những công dân ưu tú của Thủ đô và đất nước.
Buổi sinh hoạt thêm phần ý nghĩa với phần chia sẻ của Thiếu tá QNCN Lê Trọng Nghĩa, Điều dưỡng Khoa Cấp cứu ban đầu, Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật). thành viên Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu trợ thảm họa động đất tại Myanmar, nguyên Phó Trưởng Ban phụ huynh nhà trường. Thiếu tá Nghĩa đã kể những câu chuyện cảm động về tinh thần tương thân tương ái, sứ mệnh nhân đạo cao cả của người lính Cụ Hồ trong thời bình, tiếp nối truyền thống anh hùng của quân đội.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-6
Thượng úy Trương Thanh Tùng trân trọng trao tặng mô hình bài dự thi đoạt giải của mình cho nhà trường. bà Nguyễn Thị Thảo, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường (ngoài cùng bìa phải) đại diện đón nhận.
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của Thượng úy Trương Thanh Tùng (Trưởng Ban Tài chính, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) – người đoạt giải Nhất (giải A) Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều thú vị là quê hương của Thượng úy Tùng cũng là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng từng có thời gian hoạt động cách mạng. Thượng úy Tùng đã trân trọng trao tặng mô hình bài dự thi đoạt giải của mình cho nhà trường, như một món quà tri thức ý nghĩa, giúp các em học sinh có thêm tư liệu trực quan để học tập, tìm hiểu về lịch sử.
Phát biểu cảm ơn và bế mạc, bà Nguyễn Thị Thảo, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đại biểu, các vị khách mời, đặc biệt là Thượng tá Nguyễn Danh Quân, Thiếu tá QNCN Lê Trọng Nghĩa và Thượng úy Trương Thanh Tùng đã dành thời gian mang đến những bài học lịch sử, những câu chuyện đầy giá trị cho thầy và trò. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng khẳng định, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, giúp các em học sinh hiểu sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-7
Em Nguyễn Đặng Đình Hiếu, học sinh lớp 5A3 (áo vàng, thứ 2 từ trái qua) cùng các bạn bày tỏ niềm vui, hào hứng trong buổi sinh hoạt.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, em Nguyễn Đặng Đình Hiếu, học sinh lớp 5A3, hào hứng chia sẻ, rất ấn tượng với bài nói chuyện của bác Thượng tá Nguyễn Danh Quân về Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
“Nghe bác kể về 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, con thấy rất tự hào về lịch sử nước mình và tự hào hơn nữa khi được học dưới mái trường mang tên vị Đại tướng tài ba. Con hiểu rằng chúng con cần phải cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông", Hiếu chia sẻ.
Lan toa ban hung ca 50 nam Thong nhat cho the he tuong lai-Hinh-8

Cùng chung cảm xúc, em Nguyễn Dương, bạn cùng lớp 5A3 cho hay, em cảm thấy rất vui khi được tham dự buổi sinh hoạt trong không khí sắp đến kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. “Con không chỉ hiểu thêm về chiến thắng lịch sử mà còn thấy rất khâm phục Đại tướng Văn Tiến Dũng và các thế hệ đi trước. Con cũng rất thích phần chia sẻ của chú Nghĩa và được thấy mô hình của chú Tùng. Những điều này nhắc nhở con phải luôn cố gắng học tập, rèn luyện để sau này góp phần xây dựng đất nước, làm rạng danh mái trường Văn Tiến Dũng", Dương bày tỏ.
Buổi sinh hoạt truyền thống “50 năm, vang mãi bản hùng ca toàn thắng” tại Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng đã khép lại nhưng dư âm về niềm tự hào, lòng biết ơn và khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử sẽ còn vang vọng mãi trong tâm trí thầy và trò nhà trường, tiếp thêm động lực để các em phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai xứng đáng của đất nước.
Mời quý độc giả xem video: Cô trò Trường Tiểu học Văn Tiến Dũng hòa chung giai điệu tự hào "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Thực hiện: Mai Loan.
Mai Loan/ TT&CS