Tuy vậy, nguy cơ quá tải đối với bệnh viện tuyến trên sẽ tăng nếu bệnh viện tuyến dưới không nỗ lực nâng cao năng lực và cải tiến chất lượng. Bệnh viện sẽ không thể bảo đảm duy trì hoạt động được nếu người bệnh không đến hoặc đến quá ít. Tất nhiên, Bộ Y tế cũng sẽ có các chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
Độc giả Nguyễn Thanh Long (thanhlongnguyen@gmail.com): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Việt Đức hiện có bao nhiêu bàn mổ cấp cứu? Và bệnh viện đã tăng cường được số bàn mổ cấp lên chưa thưa ông? Việc bệnh nhân vừa mổ xong được vài ngày đã phải chuyển viện vì không có giường nằm sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình phục hồi, đặc biệt là đối với bệnh nhân mổ sọ não, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Chúng tôi cũng được nghe nhiều về vấn đề này. Hiện bệnh viện chúng tôi có 4 phòng mổ chính. Trong trường hợp quá đông chúng tôi sử dụng một phòng mổ tại phòng khám để dùng cho trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như dẫn lưu máu màng phổi khi 4 phòng mổ này đang cấp cứu bệnh nhân.
Việc bệnh nhân vừa mổ xong được vài ngày đã phải chuyển viện vì không có giường nằm, theo quy định về báo cáo kết quả khám chữa bệnh sẽ có 4 mức độ: 1. Khỏi ra viện. 2 - ổn định. 3 – nặng hơn. 4 – tử vong.
Tuy nhiên, ở bệnh viện Việt Đức chúng tôi, bệnh nhân ở mức độ khỏi ra viện không nhiều mà chỉ ở mà chỉ ở mức độ ổn định. Rất may trong thời gian vừa qua, chúng tôi có các chương trình bệnh viện vệ tinh, đề án 18-16, chỉ đạo tuyến,… nên chúng tôi chuyển bệnh nhân ra viện những vẫn theo dõi và hỗ trợ tuyến dưới chữa bệnh. Do vậy, có thể đảm bảo về vấn đề sức khỏe của người bệnh khi phải chuyển viện.
Còn đối với trường hợp phải nằm lại bệnh viện nhưng do bệnh viện quá tải phải nằm ghép nhiều khi cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị do bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, thiếu nhân lực và trang thiết bị quá tải.
Độc giả Cao Hà Trang (caohatrang79@gmail.com): Thưa Phó Cục trưởng, hiện nay các bác sĩ thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, nhất là các bệnh viện tuyến trên… Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Rõ ràng bác sĩ bị quá tải nguy cơ xảy ra sự cố y khoa sẽ cao hơn. Trong thời gian vừa qua ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có đề án giảm quá tải bệnh viện. Cốt lõi của đề án này là thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, 18 bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật của 5 lĩnh vực hiện nay đang bị quá tải nghiêm trọng gồm: tim mạch, chấn thương, ung bướu, sản và nhi cho các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện.
Sau 4 năm thực hiện thì năng lực của bệnh viện tuyến tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên vẫn còn hết sức vất vả trong việc triển khai đề án này vì vừa phải triển khai công việc tại chỗ vừa phải lo đề án.
Độc giả Thái Bảo (Hoàng Mai, Hà Nội): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, tôi rất sợ vào Bệnh viện Việt Đức khám vì tình trạng chờ đợi rất lâu, có khi mất hết một ngày mới làm xong thủ tục xét nghiệm, chụp chiếu. Xin bác sĩ cho biết viện có cách nào để cải thiện vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Vấn đề này rất là đúng bởi tình trạng này không chỉ bệnh viện viện đức mà ngay cả các bệnh viện khác cũng xảy ra tình trạng này. Để giải quyết chúng tôi đã có một số biện pháp.
Một là triển khai đăng ký khám bệnh trên mạng, khi đó người bệnh có thể chủ động theo thời gian và theo bác sĩ lựa chọn.
Hai triển khai khám theo yêu cầu. Lấy ví dụ như các nước Thái Lan, Singapore,.. thì người bệnh thường được hẹn đến khám sau khi hết giờ làm việc tại công sở. Khi đó, bác sĩ được chỉ định khám theo yêu cầu cùng đội ngũ y tế cũng như trang thiết bị được chuẩn bị.
Hy vọng đầu năm 2018 chúng tôi có thể thực hiện được vấn đề này.
Hiện nay trung bình một ngày, trong cấp cứu chúng tôi tiếp nhận từ 200 – 250 trường hợp, còn khám chuyên khoa từ 600 – 800. Như vậy, trung bình mối ngày bác sĩ sẽ khám từ 20 – 30 bệnh nhân. Đặc biêt, những khoa quá tải như cột sống, chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh sọ não,… các bác sĩ sẽ phải khám số lượng nhiều hơn.
Độc giả Phạm Duy: Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, hiện nay có tình trạng nhiều bệnh viện thường cố tình giữ bệnh nhân khi không chẩn đoán được chính xác bệnh lý hoặc chẩn đoán sai do không có đầy đủ trang thiết bị, trình độ chuyên môn hạn chế. Hậu quả bệnh nhân bệnh trầm trọng thêm, thậm chí tử vong.Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Câu hỏi này cũng hay nhưng cũng tế nhị. Khi bệnh nhân chuyển lên thường có hai vấn đề đặt ra, một là xin đi theo yêu cầu, hai là do vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới.
Tuy nhiên những bệnh nhân đi theo yêu cầu thường là tuyến dưới có thể làm được và liên quan đến bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân chuyển lên tuyến trên nhiều thì quỹ bảo hiểm sẽ chuyển lên theo tuyến trên.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ vấn đề, nếu người bệnh phải chuyển lên tuyến trên vì tình trạng bệnh thì không nên giữ vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Về trách nhiệm, theo tôi nghĩ liên quan đến người quản lý phải đưa ra những quy định cụ thể và tiêu chí người bệnh được chuyển tuyến để các bác sĩ thực hiện và và sẽ không bị vướng vào quy định của bảo hiểm và chuyên môn.
Độc giả Nguyễn Mai Anh (nguyenmaianh85@gmail.com): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, có một thực tế dễ thấy là khi bệnh nhân khám ở phòng khám tư sẽ được đối xử và tiếp xúc khác hẳn khám ở bệnh viện công. Sự phân biệt đối xử ấy có thể quy thành vấn đề của y đức hay vì những nguyên nhân khác, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Tôi nghĩ vấn đề này cũng không hăn, bới Bộ y tế đã quy định rất rõ về vấn đề phong cách. Ngoài công tác chữa bệnh còn vấn đề ứng xử trong giao tiếp với bệnh nhân.
Mức độ phù lao của nhân viên y tế tại các bệnh viện công chưa phù hợp, cộng thêm việc quá tải dẫn đến việc có một số trường hợp nhân viên y tế ứng xử chưa đúng mực.
Ngoài ra vấn đề cạnh tranh giữa các cơ sở y tế công và tư. Bên công mạnh hơn về chuyên môn, bên tư mạnh hơn về trang thiết bị nên họ trú trọng vào công tác ứng xử để thu hút người bệnh.
Tuy nhiên không nên đưa vấn đề này vào y đức bởi vì xung quanh vấn đề này còn rất nhiều nguyên nhân khác khó lý giải trong giai đoạn hiện nay.
Độc giả Trần Bình (Quảng Ngãi): Nhiều bác sĩ trẻ tâm sự với tôi rằng, khi ra trường họ hăng hái đọc lời thề Hippocrates bao nhiêu thì khi va vấp thực tế thấy rằng giữ được điều ấy khó khăn bấy nhiêu. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, kết luận "nghèo thì khó giữ y đức" đúng bao nhiêu phần trăm?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Khi vào trường chúng tôi có được học về lời thề Hippocrates trong đó nêu rõ, việc chăm sóc bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu. Quá trình học tập, các sinh viên được chiêm nghiệm rõ lời thề này khi đứng giữa ranh giới sống chết của từng bệnh nhân.
Tôi nghĩ đã chọn ngành y thì phần lớn không nói chuyện chuyện nghèo hay giàu mà phải xác định làm việc bằng cái tâm.
Xin trân trọng cám ơn ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Việt Đức đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay và giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả Kiến Thức, giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề "Làm thế nào cải thiện chất lượng và an toàn người bệnh".