TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận định, hành vi vận động học sinh không thi lớp 10 công lập có nguyên nhân trực tiếp do các trường sợ mất thành tích phấn đấu suốt năm học, cũng như lo ảnh hưởng danh tiếng của trường.
|
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.
|
Góp ý về giải pháp loại bỏ hiện tượng trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết, các tỉnh, thành cũng như sở GD&ĐT nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay các cuộc họp.
Điều quan trọng và cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật; cùng đó là xem xét lại quy trình xếp loại học tập và rèn luyện từng năm học. Với những học sinh không cố gắng, thiếu ý thức, trường có biện pháp giúp đỡ, nhưng không tiến bộ thì cho lưu ban để tiếp tục củng cố, rèn luyện. Nếu từng năm học làm chuẩn, việc xét tốt nghiệp THCS cũng cho kết quả chuẩn; không còn hiện tượng điểm học bạ cao, nhưng lại không đủ năng lực đi thi.
Trong việc này, Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc, trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà trường... để định hình tiêu chuẩn đánh giá mới. Đó là ngoài văn hóa, các mặt năng lực khác của học sinh cũng phải được ghi nhận, nhằm đảm bảo công bằng cho các em.
“Cương quyết chống bệnh thành tích song hành với dạy thật - học thật - kiểm tra, đánh giá thật và hình thành tiêu chuẩn đánh giá học sinh toàn diện sẽ không còn xảy ra tình trạng vận động học sinh không thi lớp 10”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.