Lãi suất tiền gửi lập 'đáy' kỷ lục trong lịch sử

4 ngân hàng lớn là BIVD, Vietcombank, VietinBank và Agribank vừa chính thức đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống mức 5,5%/năm, ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn COVID-19.
 
Theo Công ty chứng khoán MBS, điều này đồng nghĩa với việc nếu khách hàng gửi 100 triệu đồng với thời hạn 1 năm thì số tiền lãi nhận được sẽ là 5,5 triệu đồng. So với đầu năm, lãi suất huy động của 4 ngân hàng này đã giảm 1,5 - 2 điểm %/năm.
Cụ thể, tại BIDV, lãi huy động đang ở mức 3,7%/3 tháng, 4,6%/6 tháng hoặc 9 tháng và 5,5%/12 tháng. Trong khi đó, ở Vietcombank, lãi suất huy động lần lượt ở mức 3,5%, 4,5%, 4,5% và 5,5% đối với các kỳ hạn gửi 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng.
VietinBank và Agribank có chung mức lãi suất huy động là 3,85% đối với kỳ hạn 3 tháng, 4,7% đối với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, 5,5% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Gần đây nhất, ngày 3/10, Vietcombank đã giảm tiếp lãi suất huy động 0,2% đối với cả hình thức gửi tiết kiệm tại quầy và gửi trực tuyến, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng chỉ còn 5,3%/năm. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm mức tương tự, xuống 3,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên 3%/năm.
Lai suat tien gui lap 'day' ky luc trong lich su
 Lãi suất tiền gửi của Vietcombank đã "chạm đáy"? (Ảnh: chụp màn hình)
Như vậy, Vietcombank đã có 2 lần liên tiếp giảm lãi suất huy động chỉ sau vài tuần. Lần gần nhất là ngày 14/9, Vietcombank cũng đã điều chỉnh giảm 0,3 điểm % ở loạt kỳ hạn.
Không chỉ là 4 ngân hàng lớn, các ngân hàng khác cũng tham gia cuộc đua hạ lãi suất. Sau những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu tháng 9 đến nay, có 32 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, trong đó nhiều ngân hàng như Viet A Bank, MB, MSN, HDBank… đã giảm 2 lần lãi suất kể từ đầu tháng đến nay. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tới 3 - 4 lần trong cùng thời gian này, đơn cử như Techcombank, OCB.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do hệ thống dư thừa thanh khoản. Các ngân hàng không đẩy được vốn ra thị trường do cầu tín dụng thấp, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 5,7%, trong khi mục tiêu cả năm là 14%.
Trong khi đó, huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá tốt. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%. Tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục. Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Lai suat tien gui lap 'day' ky luc trong lich su-Hinh-2
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng qua từng năm của Vietcombank (Ảnh: theo WiChart) 
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng đua nhau giảm để kích thích dòng vốn chuyển dịch sang các lĩnh vực khác, hỗ trợ nền kinh tế. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi các ngân hàng đồng thuận giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. 
Ngân hàng Nhà nước cũng đã trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền đồng do thanh khoản quá dồi dào. Tổng cộng trong 8 phiên liên tiếp từ ngày 21/9 đến nay, NHNN đã hút về tổng cộng hơn 100.000 tỷ đồng. Trong báo cáo phân tích mới phát hành, công ty chứng khoán BSC cho biết, số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài. Tuy nhiên, tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương dù lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục.
 
Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN