Hành trình của các Gru
Buổi chiều se lạnh, chúng tôi tới xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nghe vị Gru nổi tiếng một thời kể về hành trình săn voi rừng. Trong ngôi nhà sàn gỗ, người đàn ông ngăm đen, khỏe khoắn ngồi trầm tư. Ông là Ama Đăng, năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Ánh mắt xa xăm, giọng trầm đều ông kể: Ngày xưa Buôn Đôn được biết đến là nơi có nhiều voi rừng nhất Tây Nguyên. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi để lấy sức kéo, buôn bán và trao đổi hàng hóa. Ngày ấy, mỗi chuyến đi săn kéo dài năm, bảy ngày, có khi cả tháng. Điều quan trọng nhất là phải có voi nhà. Các Gru phải nhờ già làng thực hiện nghi lễ cúng Giàng (trời) cầu mong chuyến đi gặp nhiều may mắn. Lễ cúng gồm ché rượu cần, gà, heo…phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống đất. Trước khi đi, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, kiêng ngủ với vợ, không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt 1 tuần… Nếu trong ngày xuất quân, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ thì chuyến đi đành phải bỏ”.
|
Ngà voi luôn bị các "voi tặc" tìm cách cưa trộm |
Mỗi đội săn voi thường có ít nhất 4 người, họ mang theo lương thực, quần áo vào rừng tìm nơi ẩn cư của đàn voi, hai người điều khiển một con voi nhà. Khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, tất cả người trong đoàn phải mai phục, xác định cho mình con voi ưng ý, sau đó tìm cách bắt giữ. Bằng kinh nghiệm săn bắt lâu đời, các Gru sẽ phân biệt được lứa tuổi của voi. Thường họ chỉ bắt những con voi từ 2-5 năm tuổi, cao không quá 2m. Dưới 2 tuổi voi còn quá non, voi trên 5 tuổi đã hình thành tính cách, chúng thường rất hung hăng và khi đưa về buôn thì việc thuần hóa vô cùng khó khăn. Trong suốt hành trình, thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, ngủ phải nằm thẳng, không được co chân… Khi nào tự mình bắt được voi rừng mới chính thức được xem là Gru. Đến khi bắt được 5 con voi rừng, được mặc quần áo, được che mưa, ăn cá trắng… “Người M’nông chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi để lấy sức kéo. Riêng già, đã săn được hơn 20 voi rừng, nhưng từ khi việc săn voi bị nhà nước cấm thì đồng bào tuân thủ bỏ nghề. Trong tất cả các màu voi, những con voi có màu da trắng, lông trắng được gọi là Bạch tượng linh thiêng, biểu tượng cho sự may mắn, uy quyền. Họ quan niệm loài voi này là “vua” của các loài voi, cực kỳ thông minh, quý hiếm, ông Ama Đăng cho hay.
Người Êđê có truyền thuyết voi trắng có liên quan đến hoa văn Mnga Kteh, một mẫu hoa văn giá trị nhất trên trang phục. Trong lịch sử săn bắt và thuần dưỡng voi ở Buôn Đôn, có ông Y Thu K’nul người từng được coi là vua săn voi đã bắt được vài con bạch tượng. Năm 1861, ông mang tặng vua Xiêm (Thái Lan) một con. Để tỏ lòng biết ơn, kính trọng, vua Xiêm đã phong tước hiệu Khunjunob (Vua săn voi) cho ông. Y Thu còn dùng voi chuộc lại nô lệ từ các tay tù trưởng trong vùng.
|
Ông Ama Đăng và bộ đồ nghề săn voi. |
Khi voi mới được săn bắt, thuần dưỡng về, đều phải làm các nghi lễ nhập buôn, cúng sức khỏe. Khi voi mệt mỏi, ốm đau phải được chăm sóc, nghỉ ngơi và không được bóc lột sức lao động của voi quá mức. Người dân Tây Nguyên khi vào mùa đều tổ chức các lễ hội đua voi.
Ông Ama Phương (trưởng dòng tộc K’nul, 63 tuổi, buôn trưởng buôn Trí B, xã Krông Na) chia sẻ: “Trong cộng đồng các tộc người ở Tây Nguyên, loài voi được coi như bạn thân thiết của con người. Mối quan hệ độc đáo này cũng là một nét bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa. Voi là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi buôn làng. Hình tượng con voi cũng đi vào sử thi, thần thoại, đi vào các lễ hội, các nghi thức cúng bến nước, cúng sức khỏe, mừng mùa hàng năm của cộng đồng. Ngày xưa rừng còn nhiều, voi sinh sôi đông đúc, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được xem là nghề truyền thống của một số đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Các Gru săn bắt voi dùng để lấy sức kéo hay trao đổi hàng hóa, chứ không bao giờ giết thịt.
Hành trình săn voi nào cũng vô cùng nguy hiểm, nhiều Gru đã trả giá vì gặp phải tai nạn . Khi đưa được voi về buôn, các Gru phải làm lễ cúng Giàng để tạ ơn và giao cho một Gru đứng ra thuần dưỡng. Mỗi tuần, người thuần dưỡng voi phải làm lễ cúng Giàng một lần. Nghi lễ gồm một nắm xôi nếp, một ché rượu cần và một con gà. Đến khi nào bé voi rừng được thuần hóa thành công, thì chuỗi nghi lễ mới tạm kết thúc.
|
Voi chở du khách khám phá sông SêRêPốk.
|
Về quá trình thuần dưỡng voi, ông Ama Phương kể: Sau khi bắt voi ở rừng về, chúng tôi đem ra một bãi đất rộng cách xa buôn, xích bằng đoạn dây ngắn vào một cây cổ thụ. Hai chân trước của voi lồng trong một cùm mây hình số 8, cổ voi đóng khít lại trong một chiếc gông có gai nhọn, đầu dây cột gông được treo trên cành cao. Người ta dùng lông nhím xỏ một lỗ trên tai voi, đeo vào đó một sợi dây, đánh dấu voi đã có chủ. Voi con bị bỏ đói vài ba ngày cho đến khi sắp lả đi, người thợ thuần dưỡng voi đến gần đưa cỏ non hoặc mía làm thân. Vài lần như thế cho voi quen dần với con người, khi đó mới bắt đầu đưa ra các mệnh lệnh của giai đoạn tập xỏ còng. Xong mới đến việc tập cho voi nghe các hiệu lệnh điều khiển của nài. Giai đoạn tiếp theo là tập để voi quen với việc tắm dưới nước, tập cho voi làm quen với trọng lượng nặng dần lên ở trên lưng. Thời gian thuần dưỡng voi có thể kéo dài 5 - 7 tháng, con nào khó tính có khi kéo dài vài năm. Khi voi con đã thuần phục biết nghe mệnh lệnh thì mới được đưa về buôn. Nhập buôn là một thời điểm quan trọng đối với cả gia đình chủ và voi nên được tổ chức rất chu đáo. Gia chủ phải chuẩn bị sẵn một mâm cúng gồm một ché rượu, một con gà, đôi khi là chiếc đầu và đuôi con heo nhỏ.
Bây giờ, những người thuần thục nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng không còn nhiều, phần lớn họ đã về với tổ tiên, với Giàng. Thêm vào đó, nạn săn bắn voi để lấy ngà, lấy thịt, cướp lông khiến quần thể voi ngày càng suy giảm. Số lượng voi nhà ở Buôn Đôn không những không sinh sản mà còn chết dần, chết mòn. Mỗi con voi ở đây chết, là thêm một nài voi bỏ nghề. Rừng ngày càng bị thu hẹp, săn bắt voi rừng đã bị cấm, những cảnh săn bắt nay chỉ còn trong những lời kể của các Gru, hay được tái hiện cảnh săn bắt trong hội đua voi được tỉnh tổ chức hằng năm.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có 44 con voi nhà (trong đó có 2 cá thể voi rừng mới được Trung tâm cứu hộ đưa về chăm sóc). Voi trong độ tuổi từ 20-40 chỉ còn 25 con. Năm 1980 có 502 cá thể voi, từ năm 2007 đến nay, đã có 26 voi nhà bị chết. Đầu tháng 1/2017, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức động vật châu Á phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, Tổ chức chăm sóc voi quốc tế, Vườn thú North Carolina và Tổ chức phúc lợi Động vật hoang dã tổ chức Hội thảo quản lý voi với quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay. Tại hội thảo, bác sĩ Willem công bố: Voi mẹ H’Ban Nang của chủ voi Y Tứ tại huyện Lắk đã mang bầu và dự sinh vào tháng 9/2017. BS Willem cho biết, ở Đắk Lắk có 7 con voi còn có thể mang bầu. Số voi này nếu được chăm sóc tốt thì có thể sinh nở, và tới năm 2.045 số voi nhà có thể tăng thêm hàng chục con nữa, nếu như...