Kiệt tác cột đá rồng trăm tuổi đẹp nhất Việt Nam

Bộ tứ cột đá nguyên khối ở hội quán Hà Chương, cột đá chùa Dạm, hai cột lan can tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp… là những cột đá rồng cổ xưa được đánh giá là những kiệt tác điêu khắc đá của nước Việt.

Bộ tứ cột đá nguyên khối ở hội quán Hà Chương

Tọa lạc tại số 802 Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM, Hội quán Hà Chương được thành lập vào năm 1809, là một hội quán nổi tiếng về sự lâu đời và kiến trúc độc đáo của người Hoa Chợ Lớn. Nét nổi bật trong kiến trúc của hội quán này là bốn chiếc cột đá rồng độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Trong bốn cột này, hai cột nằm hai bên cửa hội quán Hà Chương. Hai cột còn lại nằm ở hai bên chính điện. Cả bốn cột được đẽo từ đá nguyên khối, kích thước rất lớn, tạo hình rồng cuốn rất chi tiết và vô cùng sinh động trên thân cột.

Chân cột hình trụ bát giác, 8 mặt là 8 bức phù điêu mang chủ đề thiên nhiên ước lệ theo lối truyền thống, không bức nào giống bức nào. Phần trên thân cột có hình bát tiên quá hải kết hợp khéo léo với đuôi rồng. Đỉnh cột được tạo hình hoa sen, phía trên đỡ các cấu trúc gỗ.

Có giai thoại cho rằng, hội quán Hà Chương từng có đến sáu cây cột đá rồng. Hai cây trong số đó đã bị nhà cầm quyền Pháp "mượn" để đem đi triển lãm và không bao giờ trả lại. Sau 2 thế kỷ tồn tại, một số chi tiết trên cột đã sứt mẻ hoặc gãy rời...

Cột đá chùa Dạm

Nằm trên cấp nền thứ hai bên trái của chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), cột đá chùa Dạm được xây dựng vào thế kỉ thứ 11, được coi là hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất của nhà Lý còn tồn tại đến nay.

Cột có chiều cao hơn 5m (chưa tính phần chìm dưới lòng đất), nặng trên 40 tấn, gồm hai phần: phần cột và phần bệ đá. Phần bệ đá gồm hai cấp, được chạm hoa văn sóng nước thời Lý. Phần cột được chia thành khối hộp vuông phía dưới và trụ tròn phía trên.

Phần trụ tròn là nơi tập trung tinh hoa mỹ thuật của cột đá, được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”. Đây chính là điểm nhấn của phần thân cột đá, và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý.

Suốt nhiều năm qua, vấn đề giải mã ý nghĩa bảo vật nhà Lý này đã diễn ra sôi nổi. Dù ý nghĩa thực sự của cột đá chùa Dạm chưa được làm sáng tỏ, vẫn phải khẳng định đây là một tuyệt tác không chỉ của thời Lý mà trong cả lịch sử nền mỹ thuật Việt.

Cột đá của tháp Báo Nghiêm

Nằm trong khuôn viên chùa Bút Tháp, ngôi chùa cổ nổi tiếng của xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tháp Báo Nghiêm được xây vào khoảng thế kỷ 17-18, là một kiệt tác kiến trúc thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.

Tầng một của tòa tháp Báo Nghiêm được bao quanh bởi mái hiên và lan can được chống đỡ bằng các hàng cột, trong đó hai cột ở mặt trước được khắc hình rồng cuốn rất tinh xảo.

Ngoài ra, hình tượng rồng cũng xuất hiện trong các bức chạm đá với đề tài động vật được tạo hình rất sinh động ở chân tháp.

Quốc Lê