Khoa học và Đời sống đã đăng tải bài viết “Thái Nguyên: Sống bất an vì khu xử lý chất thải rắn Đá Mài” trên số 22 ra ngày 01/6/2023. Đến nay, một bộ phận người dân trên địa bàn xã Tân Cương cho biết, có dấu hiệu Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài xả thải trực tiếp ra môi trường?
|
Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài bị tố lén xả chất thải trái phép |
Nhiều lần kiến nghị… không được xử lý dứt điểm
Anh Phạm Văn Nhân (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương) cho biết: “Đêm 25/6, do có việc phải đi qua con suối gần Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài, tôi thấy bốc mùi hôi thối, lại gần xem thì phát hiện dòng nước chảy xiết, nổi bọt, màu đen, mùi nồng nặc, khó chịu. Tôi gọi điện thông báo với chính quyền địa phương. Đại diện UBND xã đã tới ghi nhận, kiểm tra, lập biên bản”.
Theo anh Nhân, nước có màu đen kèm mùi hôi thối được xả ra môi trường chủ yếu vào ban đêm và những ngày mưa lớn. Việc xả nước thải ra môi trường không chỉ ở khu vực chôn lấp rác, mà ngay cả nhà máy xử lý rác, gần đây nhất là chiều 14/6.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, cho hay, UBND xã đã tiếp nhận phản ánh từ người dân, có văn bản yêu cầu các bên vào cuộc, kiểm tra xác minh thông tin.
Trong khi đó, bà Đào Thị Hồng Loan, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Thái Nguyên (Chủ đầu tư Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài), khẳng định, đã nắm được thông tin người dân phản ánh. Doanh nghiệp sẽ phối hợp nhà thầu phụ, UBND xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, sớm trả lời về việc này.
|
Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài bị tố lén xả chất thải trái phép |
Người dân bất an vì ô nhiễm
Trước đó, Khoa học và Đời sống phản ánh về tình trạng ô nhiễm quanh Khu vực xử lý chất thải rắn Đá Mài kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cuộc sống, gây bức xúc trong người dân. Vấn đề này cũng được người dân gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Thái Nguyên khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
|
Người dân bất an vì ô nhiễm |
Bà Nguyễn Thị Mận (thôn Soi Vàng, xã Tân Cương) sống tại khu vực này hơn 50 năm, kể từ khi có bãi tập kết rác, ruồi nhặng xuất hiện rất nhiều trong sân, nhà chính, bếp của gia đình, đặc biệt vào buổi chiều tối hoặc khi thời tiết chuyển mùa.
Phải sống trong điều kiện tương tự, bà Trần Thị Liên (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương) chia sẻ, có những hôm gia đình ăn cơm phải mắc màn vì quá nhiều ruồi. Để giảm bớt tình trạng ruồi bu trên sân, trong nhà, gia đình phải dùng bẫy. Nhiều hôm bẫy được cả cân ruồi.
“Có lần, chúng tôi mang 4 kg ruồi bẫy được đến UBND để phản ánh với chính quyền. Sau này, khi có nhà máy xử lý rác, gia đình lại mất ăn, ngủ vì mùi khét. Hai vợ chồng con và cháu tôi phải đi thuê trọ ở khu vực khác, thỉnh thoảng mới dám về chơi”, bà Liên tâm sự.
Cũng theo bà Liên, gia đình nhiều lần đề nghị chính quyền kiểm tra, cũng như có biên bản làm việc về tình trạng ô nhiễm. Sau khi lập biên bản, tình trạng ô nhiễm có giảm nhưng chỉ được vài ngày “đâu lại vào đấy”. Đáng nói, những hôm đoàn kiểm tra làm việc, mùi khét hay khói xả ra từ ống xả ít hơn so với ngày thường.
Ở ngay ngã 3 (đường tỉnh 267) trên đường rẽ vào bãi rác, ông Phạm Quang Huy (xóm Hồng Thái 2) thường xuyên ghi nhận tình trạng nước từ xe chở rác rớt ra đường. Những hôm trời nắng, nhiệt độ cao, mùi hôi bốc lên theo gió bay xộc thẳng vào nhà. Trước đây, nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài cho xe bồn rửa đường mỗi khi có xe rác chạy qua. Tuy nhiên, tần suất ngày càng thưa dần. Đến nay, hàng tháng may ra mới có xe bồn đi rửa đường.
Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, đề nghị UBND tỉnh vào cuộc xác minh thông tin, sớm trả lời người dân.
Khoa học và Đời sống tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc.
Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài gồm Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài và Khu chôn lấp.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư, có địa chỉ trụ sở tại số 302, Đường Cách Mạng Tháng 8, phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực “Thu gom rác thải không độc hại". Người đại diện theo pháp luật là ông Tăng Anh Trường.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài hoạt động chính thức từ quý I năm 2017 với tổng số vốn đầu tư lên gần 100 tỷ đồng, công suất ban đầu 150 tấn/ngày đêm.. Nhiệm vụ chính là thu gom, xử lý rác thải của thành phố Thái Nguyên.
Khoa học và Đời sống tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc.
Quét QR Code để đọc Bài 1: “Thái Nguyên: Sống bất an vì khu xử lý chất thải rắn Đá Mài”