Mất tinh hoàn vì chủ quan không đau
Anh N.V.T, 26 tuổi (Hà Nội) tự nhiên cứ thấy “trứng” ngày 1 to ra nhưng không đau. Do bận công việc cộng với sức khỏe hoàn toàn bình thường nên anh không đi kiểm tra. Đến khi “trứng to” gây bất tiện cho việc di chuyển anh mới đi khám thì phát hiện ung thư tinh hoàn đã ở giai đoạn muộn, di căn gan.... Anh được chỉ định phẫu thuật
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, ung thư tinh hoàn là tình trạng xuất hiện một khối u ác tính tại một hay cả hai tinh hoàn. Khối u ác tính này cứ ngày một to ra và rồi nó xâm lấn ra toàn bộ tinh hoàn. Đến một mức độ nào đó, toàn bộ tinh hoàn chỉ toàn là khối ung thư.
|
Tinh hoàn to ra là một trong những dấu hiệu của ung thư tinh hoàn - Ảnh minh họa |
Do tinh hoàn là một cơ quan sinh sản đặc thù của nam giới nên ung thư tinh hoàn là một bệnh đặc thù của giới này. Nó là nguyên nhân ảnh hưởng không những tới khả năng sinh sản mà còn ảnh hưởng tới chất lượng phát triển đặc điểm giới tính nam.
Đa phần người bệnh đi khám muộn vì chủ quan khi thấy: Khối u không đau hay sưng trên một trong 2 tinh hoàn. Nếu phát hiện sớm, khối u có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, khối u có thể phát triển lớn hơn rất nhiều.
- Cảm giác nặng nề ở bìu: Chẳng hạn như 1 tinh hoàn có thể trở nên cứng so với tinh hoàn khác hay ung thư tinh hoàn sẽ làm cho tinh hoàn phát triển lớn hơn hay nhỏ hơn.
- Cảm giác đau âm ỉ ở bụng dưới hay bẹn.
- Tích tụ dịch trong bìu.
- Ngực mềm hay phát triển: Đây là tình trạng hiếm gặp. Một số khối u tinh hoàn sản sinh ra hormone gây đau ngực hay tăng trưởng mô ngực. Tình trạng này gọi là cường tuyến vú nam.
- Đau lưng dưới, khó thở, đau ngực, đờm lẫn máu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tinh hoàn giai đoạn sau.
- Sưng một bên hoặc hai bên chân, khó thở do cục máu đông.
Theo ThS.BS Tuấn, hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Về cơ bản, ung thư tinh hoàn xảy ra khi những tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn bị đột biến. Đa phần bệnh ung thư tinh hoàn bắt đầu trong những tế bào mầm. Đây là những tế bào trong tinh hoàn tạo ra tinh trùng chưa trưởng thành. Tuy nhiên, điều gì khiến những tế bào mầm trở nên bất thường, phát triển thành ung thư hiện vẫn chưa có lời giải đáp.
Những yếu tố sau có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn ở nam giới
Tinh hoàn lạc chỗ: Ở thai nhi, tinh hoàn sẽ nằm trong ổ bụng. Trước khi bé trai sinh ra, cơ quan này sẽ di chuyển dần qua ống bẹn xuống bìu.
Bệnh tinh hoàn ẩn xuất hiện khi tinh hoàn gặp vấn đề trong quá trình hạ từ ổ bụng xuống bọc bìu. Vì nhiệt độ của ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bìu nên tinh hoàn nằm trong ổ bụng dễ bị thoái hóa, gây vô sinh. Rối loạn này làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Nguy cơ vẫn gia tăng ngay cả khi tinh hoàn đã được phẫu thuật di chuyển xuống bìu.
Đây là nguy cơ cần được lưu ý hàng đầu (với tỷ lệ ~ 2,5-14%). Tinh hoàn ở trong bụng thì nguy cơ mắc cao hơn 4 lần so với ở vị trí trên thành bụng. Do vậy, tất cả những bé trai mà có tinh hoàn ẩn, nên được phẫu thuật ngay để đưa tinh hoàn xuống bìu và cần phải theo dõi tối thiểu là 3-5 năm sau đó.
Tinh hoàn bất thường: Có một số nguyên nhân khiến tinh hoàn phát triển không bình thường, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Tiền sử gia đình: Khi các thành viên gia đình đã bị ung thư tinh hoàn, nam giới có nguy cơ mắc bệnh lý tương đối cao. Nếu một bé trai có bố bị ung thư tinh hoàn thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 4 lần so với em bé đồng trang lứa. Còn nếu anh em trai cùng một thế hệ bị bệnh thì tỉ lệ không may với em bé cao hơn gấp 8 lần. -
Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng tới thanh thiếu niên, nam giới trẻ tuổi, nhất là các đối tượng trong độ tuổi 15 – 35. Có tới trên 50% trường hợp gặp ở độ tuổi này. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Chủng tộc: Dù nam giới thuộc bất kỳ chủng tộc nào cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn.
Một số ngành nghề: thợ mỏ, công nhân dầu khí, lái xe là những người có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn. Với những tài xế lái xe đường dài, người ta cho là nhiệt độ quá nóng chính là nguyên nhân gây ra bệnh. Bởi thế mà chúng ta vẫn thường được khuyên là không mặc quần lót quá chật, nhất là những trang phục bó sát của nam giới.
Ngoài ra, ung thư tinh hoàn còn gặp trong một số đối tượng khác: sắc tộc, nhiễm HIV, Klinefelter, chàm da bẩm sinh, u sắc tố da...
|
Ung thư tinh hoàn gây vô sinh ở nam giới - Ảnh minh họa |
Chữa trị thành công nếu phát hiện sớm
Theo ThS.BS Tuấn, ung thư tinh hoàn là bệnh lý tương đối hiếm xảy ra ở tinh hoàn. Bệnh có khả năng chữa trị thành công rất cao nếu được phát hiện sớm. Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng những phương pháp khác nhau.
Với việc phát hiện các u tinh ở giai đoạn I, tỷ lệ sống sau 5 năm là 98%, ở giai đoạn II là 95% và ở giai đoạn III thì chỉ còn 6%. Các bệnh nhân đã có di căn hạch thì tiên lượng xấu hơn là chưa có di căn hạch. Số di căn hạch càng nhiều thì tiên lượng càng xấu. Ung thư tinh hoàn thường được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn I: Khối u khu trú ở tinh hoàn.
Giai đoạn II: Tế bào ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở vùng bụng dưới.
Giai đoạn III: Ung thư di căn tới những vùng khác trên cơ thể.
ThS.BS Tuấn nhấn mạnh, ung thư tinh hoàn có khả năng lây sang những bộ phận khác trong cơ thể. Nếu bị cắt 1 hoặc cả 2 tinh hoàn, khả năng sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi bắt đầu điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ về biện pháp can thiệp phù hợp để bảo tồn khả năng sinh sản của mình.
Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn: Đây là phương pháp điều trị chính cho phần lớn các giai đoạn và loại ung thư tinh hoàn. Phẫu thuật loại bỏ những hạch bạch huyết gần đó: Phương pháp điều trị này được thực hiện thông qua một đường mổ ở bụng.
Bác sĩ sẽ cẩn thận trong các thao tác phẫu thuật nhằm tránh làm tổn thương những dây thần kinh xung quanh các hạch bạch huyết. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn không tránh khỏi tổn thương dây thần kinh. Những dây thần kinh bị tổn thương có thể gây khó khăn trong quá trình xuất tinh, ảnh hưởng tới sự cương cứng của dương vật.
Nạo hạch bạch huyết: Nếu phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư khi đã di căn tới hạch bạch huyết, người bệnh cần tiếp tục phẫu thuật này. Bác sĩ có thể tiến hành nạo hạch bạch huyết đồng thời hay sau khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn nếu phát hiện ung thư di căn sau.
Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng những chùm năng lượng mạnh như tia X, để tiêu diệt những tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, người bệnh sẽ nằm trên bàn. Một cỗ máy lớn di chuyển xung quanh cơ thể để nhắm vào các chùm năng lượng vào những điểm đã xác định từ trước trên cơ thể của người bệnh. Liệu pháp xạ trị có thực hiện đơn độc hay sau khi người bệnh đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Một số tác dụng phụ của xạ trị mà người bệnh có thể gặp phải như buồn nôn, mệt mỏi, đỏ da và kích ứng vùng bụng và bẹn. Phương pháp điều trị này cũng có khả năng làm giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở một số nam giới. Vì thế, bạn nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề bảo quản tinh trùng trước xạ trị.
Hóa trị: Đây là phương pháp điều trị dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị sẽ đi khắp cơ thể của người bệnh để tiêu những tế bào ung thư di căn từ khối u ban đầu. Hóa trị thường được chỉ định đơn độc để điều trị hay có thể được chỉ định trước/sau phẫu thuật cắt bỏ hạch.
Tác dụng phụ của phương pháp điều trị này sẽ phụ thuộc vào từng loại thuốc cụ thể mà người bệnh dùng. Những tác dụng phụ thường gặp là mệt mỏi, rụng tóc, buồn nôn, tăng nguy cơ nhiễm trùng… Ngoài ra, hóa trị cũng có thể dẫn tới tình trạng vô sinh ở một số nam giới. Một số trường hợp có thể là vĩnh viễn. Vì thế, nếu muốn có con, người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về cách thức bảo quản tinh trùng trước khi hóa trị.
Hiện chưa có biện pháp nào để phòng ngừa ung thư tinh hoàn. Vì vậy, ThS.BS Tuấn khuyên là nên thường xuyên kiểm tra tinh hoàn để xác định dấu hiệu ung thư tinh hoàn kịp thời ở giai đoạn sớm nhất.
Cách tự kiểm tra trước khi đi khám bác sĩ:
- Nên thực hiện trong lúc tắm gội. Nước ấm có thể làm bìu dái mềm hơn, giúp dễ dàng thăm khám.
- Kiểm tra từng tinh hoàn một. Có thể dùng một tay hoặc cả hai tay.
- Tách hai tinh hoàn sang hai bên để quan sát xem có thay đổi gì bất thường hay không.
- Để ngón trỏ và ngón giữa bên dưới tinh hoàn, ngón cái để bên trên, nhẹ nhàng lăn qua lại tinh hoàn trên các ngón tay để cảm nhận xem có u cục gì bên trong tinh hoàn hay không. Thực hiện tương tự ở tinh hoàn bên kia.
- Đồng thời kiểm tra xem có bất thường gì ở thừng tinh và mào tinh hay không.
- Nếu qua thăm khám, bạn phát hiện ra những u cục ở tinh hoàn thì phải đi bác sĩ ngay.
- Nam giới cũng cần bỏ qua những e ngại cá nhân khi quyết định khám tinh hoàn. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.