Khóa chiều đi của hơn 16.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác trong tháng 9
Thông tin trên vừa được đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chia sẻ tại lễ ký kết chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2025 giữa Sở TT&TT Hà Nội với Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông.
Nhấn mạnh cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo là vấn nạn toàn cầu nổi lên ở Việt Nam trong những năm gần đây, đại diện Cục Viễn thông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn này.
Việc ngăn chặn cuộc gọi rác được các doanh nghiệp viễn thông thực hiện tập trung theo quy trình khép kín gồm 4 bước: Xác định các thuê bao nghi phát tán cuộc gọi rác; Xác thực lại xem đó có phải là cuộc gọi rác hay không; Ngăn chặn; Chăm sóc khách hàng, xử lý khiếu nại.
Thời gian qua, việc này đã được các nhà mạng thực hiện tương đối tốt, thu được kết quả khả quan. Từ tháng 7/2020 đến nay, các nhà mạng khóa chiều gọi đi hơn 34.700 thuê bao; chỉ riêng tháng 9/2020, các nhà mạng đã khóa 16.288 thuê bao.
Lý giải về tình trạng vẫn còn cuộc gọi rác, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, một nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp của người dân chưa tốt.
Trong quy trình xác thực cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ nhắn tin hoặc gọi điện đến người dân để đề nghị xác thực có phải là cuộc gọi rác hay không. Nhưng tỷ lệ người dân phối hợp để xác thực còn thấp chỉ 5 - 7%, tức là khi nhà mạng gửi khoảng 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5 - 7 người trả lời.
“Để giải quyết vấn đề, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp đang tăng cường tuyên truyền để tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác đạt cao hơn. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, chúng tôi cũng điều hành các nhà mạng chia sẻ để triển khai ngăn chặn cuộc gọi rác liên mạng dự kiến từ tuần tới”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Thông tin thêm về điểm mới trong quy trình xử lý cuộc gọi rác, đại diện Cục Viễn thông cho biết, từ trước đến nay, việc ngăn chặn cuộc gọi rác do các nhà mạng phối hợp với cơ quan quản lý triển khai những biện pháp kỹ thuật và căn cứ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tới đây, áp dụng theo quy định của Nghị định 91/2020 mới có hiệu lực từ 1/10/2020, sẽ có thêm cơ chế để ngăn chặn cuộc gọi rác.
Về kết quả ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, theo Cục Viễn thông, từ tháng 7 đến nay, các nhà mạng đã ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Riêng trong tháng 9/2020, 4 nhà mạng đã ngăn chặn được 3,3 triệu cuộc gọi giả mạo.
Một tín hiệu đáng mừng, theo chia sẻ của đại diện Cục Viễn thông, nhờ các nhà mạng tích cực hàng tháng gửi tin nhắn tuyên truyền, nhắc nhở thuê bao cảnh giác trước cuộc gọi giả mạo, tỷ lệ người dân trả lời số điện thoại lạ đã giảm từ khoảng 40% trong các tháng 6,7/2020 xuống mức dưới 10% hiện nay. Ghi nhận các vụ việc báo cáo cuộc gọi giả mạo về cơ quan Công an cũng giảm tới 70%.
Hà Nội muốn được triển khai điểm về chống tin nhắn, cuộc gọi rác
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, thời gian tới, việc quản lý lĩnh vực viễn thông, nhất là công tác quản lý SIM rác, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ được Sở thực hiện nghiêm, tránh gây bức xúc cho người dân.
“Sở kiến nghị Cục Viễn thông hướng dẫn để Hà Nội là điểm nhấn đầu tiên ra quân triển khai Nghị định 91/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Chúng tôi đề nghị các nhà mạng tới đây sẽ phối hợp với Sở TT&TT thực hiện công tác này”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội đề nghị.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Sở đã ban hành Quyết định 128/2016 về “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định” và “Quy trình xử lý đối với các số dịch vụ tin nhắn ngắn, các số điện thoại nhắn tin rác, nhắn tin lừa đảo” trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và nhà mạng, Sở TT&TT Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 17.580 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định, 973 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Qua những đợt thanh tra, kiểm tra các nhà mạng, đại lý, điểm bán SIM thuê bao di động trả trước, đã tịch thu 9.247 SIM kích hoạt sẵn và đăng ký thông tin không chính xác. Ngoài ra, các nhà mạng đã thu hồi 1.763.373 SIM kích hoạt trước, ngăn chặn 630.023 thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác.