Khám phá “Địa điểm tập kết ra Bắc”

Nằm cách cửa Sông Đốc khoảng 2 km, đây là nơi diễn ra cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến với lời hẹn ngày tái ngộ sau 2 năm, nhưng không ngờ đó là cuộc chia ly kéo dài hơn 2 thập kỷ...

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số Số 1327/QĐ-BVHTTDL về việc bổ sung “Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc” vào danh mục Di tích quốc gia.

Một trang sử hào hùng

Tọa lạc tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc là một trong những địa điểm tập kết ra Bắc cuối cùng, một sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của quân dân Nam Bộ. Nằm cách cửa Sông Đốc khoảng 2 km, đây là nơi diễn ra cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến với lời hẹn ngày tái ngộ sau 2 năm, nhưng không ngờ đó là cuộc chia ly kéo dài hơn 2 thập kỷ.

Ngược dòng thời gian, vào năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết và quân Pháp triệt thoái khỏi Việt Nam, từng chuyến tàu lần lượt rời bến miền Nam chở học sinh, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong 200 ngày đêm, cửa sông Đốc đã trở thành bến tập kết để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc. Nơi đây là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam bộ để các chuyến tàu tập kết chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, bộ đội, Nhân dân, thiếu nhi của miền Nam ra miền Bắc để học tập, bồi dưỡng nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng đất nước khi non sông thống nhất.

Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Ở nơi cách xa quê hương gần 2.000 km, theo kế hoạch, chuyến đi của bộ đội và đồng bào miền Nam sẽ kéo dài 2 năm. Họ sẽ trở về sau khi quá trình hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo điều khoản của Hiệp định Genève hoàn thành.

Nhưng Mỹ đã thế chân Pháp, đưa tay sai Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam, âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc được thống nhất thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong hoàn cảnh mới, những người con Nam Bộ đã phải xa xứ Hơn 20 năm từ khi tập kết đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những năm tháng xa quê, họ đã được những người mẹ, người chị, người anh em, đồng chí miền Bắc nhân hậu, giàu lòng yêu thương giúp đỡ bằng tình cảm yêu thương ruột thịt, nặng nghĩa đồng bào.

Nhìn lại Sự kiện tập kết năm 1954, các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, đây được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời gian 200 ngày chuyển giao tập kết tại tỉnh Cà Mau, ta có điều kiện xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đó cũng là nền tảng để Đảng ta chỉ đạo, hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi về sau.

Khá nhiều những học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau này khi trở về đã trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh hay các ngành, có đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển địa phương.

70 năm sau ngày tập kết ra Bắc, những người dân, học sinh, cán bộ miền Nam vẫn không quên cái nghĩa, cái tình mà nhân dân miền Bắc đối đãi với đồng bào miền Nam. Nghĩa tình ấy chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn quý báu của dân tộc ta.


Nâng tầm di tích

Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam sông Đốc trải dài trên diện tích rộng khoảng 2.000 m². Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, giờ đây những yếu tố gốc của di tích gần như không còn nữa, ngay cả địa hình và cảnh quan thiên nhiên cũng đã thay đổi theo thời gian. Yêu cầu tôn tạo di tích đã được chính quyền địa phương đặt ra từ nhiều năm trước.

Đến sáng 2/1/2024, tại cửa biển thuộc khu di tích này, lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 được tổ chức long trọng với sự tham dự của các cấp lãnh đạo, các nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ, đặc biệt là sự có mặt của những người tham gia Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.

Theo hồ sơ Dự án, cụm công trình có tổng diện tích 10,8 ha, với tổng mức đầu tư trên 176,3 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (dự phòng nguồn Xổ số kiến thiết), nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác, gồm các hạng mục: Tượng đài; sàn khu vực tượng đài; sàn khu vực tổ chức sự kiện; cầu cạn vào khu tượng đài và liên kết với đường theo bờ kè; đường giao thông đấu nối vào tượng đài; bãi đậu xe; hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Trong đó, tâm điểm của cụm công trình là Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 do Nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng thiết kế với hình tượng cách điệu con tàu dài 25 mét, cao 10,5 mét, rộng 8,5 mét, tạc bằng đá granite. Cùng với đó là các bức phù điêu hai bên thân tàu bố trí cách điệu.

Thời gian thực hiện công trình hoàn thành trong tháng 11/2024, đúng dịp Kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Theo Quyết định số Số 1327/QĐ-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch vừa ban hành, địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại Sông Đốc, Cà Mau được bổ sung vào Di tích quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955).

Di tích quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam từng được xếp hạng vào năm 2010, sau đó được bổ sung 4 điểm di tích vào năm 2016. Lần này, di tích được bổ sung một điểm di tích nữa, nâng số điểm di tích lên 30. Các địa điểm này nằm trên địa bàn 7 huyện và thành phố Cà Mau.

Huyện Bình Thới là huyện có nhiều điểm di tích nhất với 11 điểm, trong đó có Văn phòng Trung ương Cục miền Nam, Đài phát thanh Trung ương Cục miền Nam, Phòng họp Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Nam bộ.

Thanh Bình