Khái toán 104 tỷ kỷ niệm 990 năm “danh xưng Thanh Hóa“: Tỉnh nghèo xài sang!

Trong lúc cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, ngân sách TW phải bổ sung, vẫn phải tiếp nhận gạo hỗ trợ cứu đói thì việc bỏ ra hơn trăm tỷ đồng tổ chức kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” chẳng khác nào tỉnh nghèo…xài sang.
Vụ việc Sở VHTT&DL Thanh Hóa có công văn 1625/SVHTTDL-KHTC gửi Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa khái toán tổng kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” hơn 104 tỷ đồng, trong đó, hơn 82 tỷ từ ngân sách đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Thanh Hóa cho hay, kế hoạch dự toán, lễ kỷ niệm “Danh xưng Thanh Hóa” gồm 4 hạng mục lớn, 29 hoạt động khác nhau lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Dự kiến lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) ngày 8/5/2019 với phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật chào mừng mang chủ đề “990 năm Danh xưng Thanh Hóa”.
Trong 2 năm 2018-2019, Thanh Hóa sẽ tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” và lễ kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” (1029-2019).
Khai toan 104 ty ky niem 990 nam “danh xung Thanh Hoa“: Tinh ngheo xai sang!
 Tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều lớp học như thế này. Ảnh: ANTĐ
Dự kiến trong tổng số kinh phí 104 tỷ đồng, kinh phí dành cho lễ kỷ niệm được dự kiến khoảng 10 tỷ đồng; 5 hoạt động có quy mô cấp tỉnh 48,48 tỷ đồng; 17 hoạt động của các sở ban ngành trong tỉnh 31,31 tỷ đồng; 6 hoạt động của tuần lễ kỷ niệm 14,93 tỷ đồng.
Ngoài ra, chuỗi sự kiện như lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn; 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang; tưởng niệm 585 ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi và lễ hội Lam Kinh năm 2018 dự kiến có chi khoảng 8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019 dự kiến chi phí lên đến 23,4 tỷ đồng; Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa (tháng 5/2019) dự kiến chi khoảng 9,7 tỷ đồng; lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2019 (tháng 4/2019) dự kiến chi khoảng 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng dự kiến dành hơn 2 tỷ cho việc thiết kế mẫu và tặng quà cho đại biểu và 4,5 tỷ đồng cho việc thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa và in CD-DVD…
Trước việc dư luận xôn xao, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng: “Đó mới chỉ là khái toán, dự chi do Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa lập, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố làm sao đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Sở VHTT&DL mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu”.
Tuy nhiên, dư luận đa số ý kiến không tán thành với việc, Thanh Hóa dự kiến dành đến hơn 104 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa”. Bởi Thanh Hóa là tỉnh đông dân số và cuộc sống người dân ở các huyện nghèo, huyện vùng sâu, vùng xa rất khó khăn.
Mấy năm qua, ngân sách Trung ương đã phải bổ sung cân đối cho Thanh Hóa mười mấy ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo quyết toán ngân sách 2016 của Chính phủ, năm này, Thanh Hóa nhận bổ sung từ ngân sách Trung ương với tổng số tiền lên đến hơn 14.000 tỷ đồng. Ngay trong năm 2018, dù đặt ra mục tiêu thu ngân sách là gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp địa bàn chỉ là hơn 10,9 nghìn tỷ, chiếm 43% tổng thu cân đối ngân sách địa phương. Riêng việc thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương vẫn lên tới hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 57% tổng thu cân đối ngân sách địa phương.
Chưa nói đến việc, mới đầu tháng 5/2018, Chính phủ đã phải xuất cấp không thu tiền cho Thanh Hóa gần 390 tấn gạo để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt 2018. Trước đó, vào tháng 1/2017, Thanh Hóa cũng nhận 650 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Đến tháng 12/2017, Thanh Hóa nhận tiếp 328,7 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Việc trong lúc cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương đã phải bổ sung ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa, trong khi tỉnh này vẫn tiếp nhận gạo hỗ trợ cứu đói hàng năm, thì việc bỏ ra hơn trăm tỷ đồng để tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm “Danh xưng Thanh Hóa” chẳng khác nào tỉnh nghèo xài sang, tỉnh nghèo tiêu hoang.
Giá như khi lên kế hoạch tổ chức, kế hoạch khái toán kinh phí, người ta nghĩ đến những người dân lam lũ vẫn cùng quẫn, nghĩ đến trẻ em vùng sâu, vùng xa không có đủ cơm ăn, không đủ áo ấm để mặc, học trong các ngôi trường xập xệ, đường sá đi lại khó khăn…mà tiết kiệm kinh phí sao cho vừa ý nghĩa lại được lòng dân, lại xây được các công trình khác thiết thực hơn như bệnh viện, trường học…
Giá như vậy, thì không đến nỗi dư luận tỉnh Thanh Hóa bức xúc mà dư luận cả nước cũng không đến mức phẫn nộ với kiểu xài sang của một tỉnh nghèo.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN