Sản phẩm chứa Propylparaben và Acid salicylic…
Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 3774/QLD-MP ngày 19/11/2024 đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang loại lọ 6g, Số lô: 1775; NSX: 01/06/2024; HSD: 03 năm kể từ ngày sản xuất; Số tiếp nhận Phiếu công bố: 002094/23/CBMP-HCM;
Đây là sản phẩm của Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại mỹ phẩm Đăng Dương (Lô 9A đường số 8, khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM); Công ty TNHH sản xuất và thương mại mỹ phẩm Đăng Dương (Công ty mỹ phẩm Đăng Dương, 59 đường 1B, Khu phố 8, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM) chịu trách nhiệm phân phối.
Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Propylparaben và Acid salicylic không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
|
Một phần công văn số 3774/QLD-MP ngày 19/11/2024 của Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang - Hộp 1 lọ 6g - Ảnh chụp màn hình. |
Cơ quan chức năng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang - Hộp 1 lọ 6g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Công ty mỹ phẩm Đăng Dương phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định…
Từng bị đình chỉ lưu hành sản phẩm
Đây không phải lần đầu sản phẩm của Công ty mỹ phẩm Đăng Dương bị Cục Quản lý Dược “tuýt còi”.
Trước đó, tháng 12/2018, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm Sữa rửa mặt sáng da ngừa mụn, nám Ever today - 50ml (số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 002602/14/CBMP-HCM) do Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại mỹ phẩm Đăng Dương (khu phố 8, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM) sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Nguyên nhân do mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH MTV sản xuất – thương mại mỹ phẩm Đăng Dương phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định.
|
Thông tin giới thiệu về Công ty TNHH sản xuất và thương mại mỹ phẩm Đăng Dương trên website https://myphamdangduong.vn - Ảnh chụp màn hình. |
Sở Y tế TP HCM kiểm tra Công ty TNHH MTV sản xuất – thương mại mỹ phẩm Đăng Dương trong việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế; giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 002602/14/CBMP-HCM đã cấp cho Công ty TNHH MTV sản xuất – thương mại mỹ phẩm Đăng Dương; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định.
Người tiêu dùng lo ngại
Việc cơ quan chức năng liên tục có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm của Công ty mỹ phẩm Đăng Dương khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, vì không biết mình có sử dụng phải mỹ phẩm thuộc diện bị thu hồi, tiêu hủy hay không.
Chị Lê Thị Hồng Phương (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, qua báo chí, chị biết sản phẩm của Công ty mỹ phẩm Đăng Dương bị thu hồi, tiêu hủy nên hoang mang. “Nếu đã lỡ dùng các sản phẩm mỹ phẩm thuộc diện bị thu hồi, có bị ảnh hưởng sức khỏe hay biến chứng gì không. Nếu có thì trách nhiệm của Công ty mỹ phẩm Đăng Dương đối với người tiêu dùng thế nào?”, chị Phương đặt câu hỏi.
“Người tiêu dùng rất khó nhận biết mỹ phẩm có chất lượng thế nào, thành phần ra sao, bởi khi mua chủ yếu dựa trên uy tín và ‘lời quảng cáo có cánh’ của người bán hàng, ít khi chú ý thành phần của sản phẩm”, chị Phạm Thị Nhàn (quận Tân Phú, TP HCM) nêu quan điểm.
Theo thông tin trên trang Masothue, Công ty TNHH sản xuất và thương mại mỹ phẩm Đăng Dương thành lập ngày 9/4/2011, mã số thuế 0310767038 do Chi cục Thuế quận Bình Tân quản lý, người đại diện pháp luật là Nguyễn Ngọc Lang.
|
Nhiều sản phẩm Mỹ phẩm thuộc họ Tân Gia Khang rao bán trên trang Shopee - Ảnh chụp màn hình. |
Ngành nghề kinh doanh chính: Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh (trừ sản xuất hóa chất cơ bản, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tại trụ sở).
Khảo sát ngày 26/11, trên website https://myphamdangduong.vn, quảng cáo “Đăng Dương được thành lập từ năm 2011. Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, Đăng Dương đã xác định ngành nghề hoạt động là chuyên sâu trong lĩnh vực mỹ phẩm chăm sóc da và làm đẹp, đồng thời cam kết cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý…”
Trang này cũng giới thiệu: “Ngày 17/7/2018 Công ty Mỹ Phẩm Đăng Dương được Bộ Y Tế – Cục Trưởng Cục Quản Lý Dược cấp chứng nhận thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP – ASEAN)…”.
|
Sản phẩm Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang |
Trên các trang thương mại điện tử, nhiều mỹ phẩm thuộc họ Tân Gia Khang được rao bán tràn lan, với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, trên https://lamdep12h.com, Kem nám, trắng da Mủ trôm Tân Gia Khang đang rao bán với giá 110 nghìn đồng; Kem trắng da ngừa tàn nhang, đồi mồi Vip-Mủ trôm Tân Gia Khang rao bán với giá 190 nghìn đồng; Kem dưỡng trắng da toàn thân Vip-Mủ trôm Tân Gia Khang, rao bán với giá 429 nghìn đồng; Kem trắng da mặt đa chức năng VIP-Mủ trôm Tân Gia Khang, rao bán với giá 390 nghìn đồng…
Còn trên trang Shopee, Kem Mủ trôm Tân Gia Khang dưỡng trắng, ngừa lão hóa da 6g, có giá bán 52 nghìn đồng; Kem Mủ trôm Tân Gia Khang trắng da se khít lỗ chân lông 6g, có giá bán 45 nghìn đồng…
Luật sư Nguyễn Thị Hương (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, khoản 1, khoản 2, Điều 50, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, hành vi sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng; buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 50; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các hành vi quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 điều này.
Trường hợp cố tình phân phối ra thị trường mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng, kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi, có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 71, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức phạt vi phạm trong mua bán mỹ phẩm, hoạt động kinh doanh mỹ phẩm.
Ngoài phạt tiền, đơn vị bị xác định vi phạm phải thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm quy định tại khoản 1, khoản 2 và các điểm a, b, c khoản 3 điều 71; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 3 điều này.
Nếu có từ 2 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng một hành vi tại các khoản 1, 2, 3 điều 71, bị phát hiện trong cùng một lần thanh tra, kiểm tra, thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Hiển, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh và sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, hoạt động trong lĩnh vực dược.
Theo ông Hiển, sự đa dạng hoá các loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực y tế cùng với sự gia tăng liên tục về số lượng cơ sở vừa là thời cơ, vừa là thách thức của ngành y tế thành phố.
Theo đó, các điểm tồn tại chung của các cơ sở sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực y tế là quảng cáo quá nội dung cho phép; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Đối với lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, các sai phạm thường gặp là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; điều kiện sản xuất mỹ phẩm; nội dung ghi trên nhãn.
“Thậm chí có những cơ sở kinh doanh mỹ phẩm làm giả nguồn gốc xuất xứ. Vừa qua, chúng tôi đã phát hiện kho hàng rất lớn sản xuất tại Việt Nam, nhưng lại để sản xuất ở nước ngoài, chúng tôi đã chuyển vụ việc cho công an điều tra. Hay có những sản phẩm ghi trên nhãn sản phẩm là sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, nhưng thực tế doanh nghiệp không đưa ra được giấy phép nào chứng minh công nghệ hay sử dụng nguyên liệu nào của Nhật Bản. Đáng lo ngại, các doanh nghiệp cho biết ghi thông tin như vậy cho dễ bán”, ông Hiển thông tin.