|
Em Ngô Quý Đăng.
|
Trước khi gặp Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, và số điểm cũng đứng thứ 4 thế giới, tôi cứ hình dung về một học sinh học giỏi Toán như một lẽ tự nhiên, với tài năng thiên bẩm, việc học tập thật dễ dàng đối với em.
Nhưng tiếp xúc, nghe những gì Đăng chia sẻ với sự giản dị, khiêm tốn, rất “thật”, lại thấy em cũng giống như rất nhiều học trò khác, cũng có những lo lắng, có lúc “bó tay” trước bài tập khó… Mọi thành quả có được hôm nay, đều do sự cố gắng, nỗ lực hết mình. Và tất nhiên không thể thiếu được một điều quan trọng - đó là đam mê.
Không chắc mình đã được chọn vào đội tuyển
Chia sẻ về giây phút khi biết mình đạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2020, em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, đây là kết quả em không ngờ đến.
“Nó khá giống một giấc mơ, nhưng may nó kết thúc có hậu chứ không phải là ác mộng".
Giải thích về việc thấy kết quả ấy giống như một giấc mơ, Đăng chia sẻ, là do ngay cả việc được chọn vào đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế em cũng không nghĩ mình có được. Bước ra khỏi phòng thi chọn đội tuyển, em thấy nhiều anh chị làm rất tốt, nên vào được đội tuyển, em cũng thấy mình có một chút may mắn, rất vui cho mình, nhưng cũng tiếc cho các anh chị.
Ngay cả việc làm bài thi, môn hình vốn không phải là môn thế mạnh của em – thì lại là câu dễ nhất trong 6 câu – với em cũng là một yếu tố may mắn.
Tuy nhiên, để có được giấc mơ như vậy, là cả những tháng ngày cố gắng không mệt mỏi.
|
GS Ngô Bảo Châu trao quà tặng cho các em đạt giải Olympic Toán quốc tế.
|
Đăng cho biết, em có niềm đam mê với con số từ nhỏ. Ngày còn bé, mỗi khi được người thân chở qua những ngã rẽ có đèn xanh đèn đỏ, em thường hay đếm giây chờ đến lúc đèn xanh bật. Nhưng có khi, trên bảng, con số chưa nảy về số 0 đèn xanh đã bật rồi. Những lúc đó, em thường hét lên, vì thấy các con số không tuân theo quy luật.
Em cũng rất thích làm toán, càng tính toán các số to em càng thích. Ông ngoại em là giáo viên dạy Toán, chính ông là người đã dạy, kèm cặp, tiếp sức cho em về môn Toán trong những năm em học cấp 1. Lên cấp 2, em xác định phải tự học. Em bắt đầu đi tìm những bài toán khó, bài nào không làm được thì đi hỏi thầy. Và chính các thầy giáo ở Trường THCS Archimedes và sau này là THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã giúp em tiếp tục nuôi dưỡng và thổi bùng lên niềm đam mê Toán học.
Khi được chọn vào đội tuyển, việc là một thí sinh nhỏ tuổi nhất, mới học lớp 10, cũng là thử thách đối với em. Bởi vì khối lượng kiến thức quá nhiều, em phải học trước chương trình lớp 11, 12. Cũng có những vấn đề em không hiểu, có bài không làm được. Cũng có môn đang quá sức đối với em, như môn Hình học. Tuy nhiên, em luôn lạc quan, chưa bao giờ bỏ cuộc. Ngược lại, cố gắng để bắt kịp được các bạn, em luôn tìm những kiến thức mình đang thiếu để đi hỏi các anh chị hoặc các thầy, dần dần cũng lấp được lỗ hổng.
Trong giai đoạn ôn thi, một ngày em học 3 ca, mỗi ca 3 tiếng, sau đó về nhà em tiếp tục tự học. Em thường cố gắng kết thúc việc học trước nửa đêm. Nhưng cũng có khi em thức tới 2h30 sáng. Trong khi đó, sáng hôm sau 7h30 phải dậy đi học. “Nên cũng có lúc em bị muộn học”, Đăng cười.
Có cuốn vở nhỏ chép những bài toán hay
Chia sẻ về bí quyết học Toán giỏi của mình, Đăng cho biết, em không có bí quyết gì đặc biệt “thần thánh” có thể gây “bão mạng, và “em cũng thấy mình rất bình thường, không có khả năng gì vượt trội so với mọi người”.
Tuy nhiên, qua quá trình học, em đúc rút ra được một điều rất quan trọng, có thể chia sẻ với bạn bè, đó là tự học. Ngày cấp 1, em chưa có khả năng tự học, vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của ông ngoại. Nhưng lên đến cấp 2, em đã rèn cho mình khả năng tự học. Và em cho rằng, muốn thành công, có những đóng góp cho nhân loại sau này, thì không thể thiếu được sự tự học, có tư duy, sáng tạo, độc lập.
Đầu năm nay, em cũng nghĩ ra một cách học khá hiệu quả, đó là em có một quyển vở nhỏ, bài toán nào thấy hay hoặc khó, em sẽ chép đề bài và lời giải vào một quyển vở và thi thoảng đọc lại. Cách học này giúp nhớ được những gì mình đã học, cả những phần kiến thức còn hổng. Hiện tại, cuốn vở này đã đạt tới con số 100 bài, em đã phải thay sang cuốn sổ mới.
Khi đi thi, cần chú ý cách trình bày, chữ viết. Ngày lớp 9, em trình bày rất xấu. Thầy giáo dạy Đại nói, viết xấu quá, thi sẽ mất điểm, từ giờ em cứ viết cách dòng ra cho thầy. Thầy giáo dạy Hình thì bảo em phải vẽ hình to ra. Trước đây, khi thi học sinh giỏi Toán quận, em bị mất 1 điểm trình bày, chỉ được 19/20 điểm, dù em làm đúng hết. Nghe lời các thầy, em trình bày cẩn thận hơn, đi thi thành phố em được 19,75/20. Hiện tại, khi viết bài học, em quan tâm đến tốc độ hơn trình bày. Nhưng khi đi thi, em luôn cẩn thận, và luôn ghi nhớ viết cách dòng.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Đăng cho biết, em vẫn muốn vào được đội tuyển đi thi quốc tế những năm sau, và cố gắng để có được huy chương.
“Áp lực đi thi năm sau sẽ lớn hơn, nhưng năm sau em cũng sẽ lớn hơn nên em nghĩ mình sẽ vượt qua được thử thách đó. Từ khi học cấp 2, biết đến kỳ thi này, em đã mong muốn một ngày nào đó mình được đi thi, gặp các thí sinh quốc tế, thử sức mình với những bài toán tốt nhất. Cho nên, khi nghe tin không phải hủy kỳ thi do Covid-19, em đã rất vui, mặc dù em không chắc mình được chọn. Em cho rằng cuộc thi rất có ý nghĩa đối với chúng em”, Đăng chia sẻ.
Đăng cho biết, chắc chắn em học thêm môn Hình hoặc học thêm về Toán cao cấp hoặc về Tin học, những thứ tuy không giúp ích trực tiếp cho viêc đi thi quốc tế của em, nhưng sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu – con đường mà em muốn theo đuổi sau này. Hoặc có thể ra ngoài chơi với các bạn nhiều hơn, vì vừa rồi, em đã học nhiều, chơi hơi ít. Em chưa có ý định đi du học, mà muốn học đại học ở ngay chính ngôi trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
|
GS Ngô Bảo Châu, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh đang lắng nghe những chia sẻ của em Ngô Quý Đăng.
|
Chia sẻ câu chuyện về Ngô Quý Đăng, GS Ngô Bảo Châu cho biết, Đăng là con một người bạn học với GS từ ngày còn lớp 1, và chơi với ông cho tới tận bây giờ. Ngày Đăng còn nhỏ, nghe bạn kể về niềm say mê Toán học đặc biệt của con trai, GS Châu còn đùa bạn, sợ có gì đó “không bình thường”. Kết quả giải Vàng Olympic Toán quốc tế vừa qua của Đăng, với GS Châu, đó là “một niềm vui đặc biệt”.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, ông hy vọng rằng sau 10 năm, 20 năm nữa, những thế hệ như em Ngô Quý Đăng sẽ đóng góp những giải thưởng khoa học mang tầm quốc tế, thúc đẩy sự phát triển khoa học VN nói riêng và của quốc tế nói chung. Và cũng hoàn toàn có thể kỳ vọng 20 năm nữa, biết đâu các em sẽ lặp lại những kỳ tích, như giải thưởng Fields danh giá của GS Ngô Bảo Châu? Điều đó, có thể làm được, nếu có sự ươm mầm, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tài năng cho các em từ hôm nay.
Bộ GD&ĐT vừa công bố kết quả dự thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 61 năm 2020 của Đội tuyển quốc gia Việt Nam, theo đó, cả 6/6 thí sinh dự thi đoạt giải.
2 học sinh đoạt Huy chương Vàng là em Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và em Trương Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Huy chương Bạc thuộc về em Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh lớp 12, Trường THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM.
Em Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc và em Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định giành Huy chương Đồng.
Em Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được nhận Bằng Khen.
Với kết quả này, đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 17 trên 105 đội tuyển dự thi.