Ngày 5/10, Đảng ủy khối Cơ quan tỉnh Đắk Lắk cho biết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy vừa rà soát quy trình kết nạp đảng viên, kiểm tra đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk).
Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, bà Thảo trước khi kết nạp Đảng thì phải có sự giới thiệu của chi bộ nơi người này sinh hoạt. Ngoài ra, Đảng ủy khối cơ quan đó có trách nhiệm thẩm tra lý lịch.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, chưa học hết cấp 3. Tuy nhiên, sau khi mượn bằng cấp 3 của chị gái, bà này đi học trung cấp, học liên thông lên đại học rồi đến thạc sĩ.
Qua kiểm tra lý lịch để xin vào đảng, bà Thảo chức vụ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tuy nhiên, trong hồ sơ bà Thảo khai không có tên Trần Thị Ngọc Thảo trong phần khai về anh chị em ruột.
Vấn đề được đặt ra là, việc bà Thảo mượn bằng của chị gái để thăng tiến có thể bị xử lý như thế nào?
|
Bà Thảo dùng tên của chị gái để xin việc, thăng tiến trong quá trình công tác. |
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết nếu sử dụng bằng giả, bà Thảo có thể bị truy tố hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bằng là thật nên theo luật định chưa có chế tài xử lý hình sự. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính teo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2013, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt tiền 2-8 triệu đồng.
Đồng thời sẽ bị buộc thôi việc theo khoản 2 Điều 14 của Nghị Định 34/2011/NĐ-CP “Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức”
Luật sư Tri Đức cho rằng để sử dụng văn bằng tốt nghiệp phổ thông cấp 3 xuyên suốt quá trình công tác tại Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo cần phải có các giấy tờ tùy thân khác phù hợp. Do đó, cần đặt câu hỏi tại sao bà Thảo sử dụng văn bằng cấp 3 của chị gái hợp pháp trong công việc và học tập suốt thời gian dài mà không ai phát hiện.
“Theo tôi, vấn đề đặt ra là do sự tắc trách hay là tiêu cực tiếp tay của các bộ phận cá nhân khác cho bà Thảo. Tạo điều kiện cho bà Thảo có giấy tờ hồ sơ nhân thân phù hợp để qua mặt cơ quan sở tại”, luật sư Tri Đức đặt vấn đề.
|
Luật sư Nguyễn Tri Đức. |
Theo luật sư Tri Đức, những biện pháp chế tài phạt hành chánh, buộc thôi việc như quy định hiện nay không đủ sức răn đe. Các nhà làm luật cần cụ thể hóa bổ sung thêm điều luật và biện pháp chế tài hình sự một cách nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng văn bằng của người khác, cùng việc khai man hồ sơ nhân thân như trường hợp của bà Thảo.
“Qua đó mới loại trừ triệt để những đối tượng mưu toan sử dụng văn bằng kết quả học tập của người khác để nhằm đạt được những mục đích khác nhau làm rối loạn trật tự xã hội, bức xúc trong dư luận”, luật sư Tri Đức nêu quan điểm.
Trong tờ trình gửi Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Sa xin nghỉ việc sau đơn tố cáo bà mượn bằng cấp 3 của chị gái để làm việc.
Theo bà Sa, đơn tố cáo sự việc là đúng, do đó bà nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật của tổ chức.
"Thời điểm xảy ra sự việc tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn. Nên tôi đã mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác...", bà Sa giải trình.
Bà Sa đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét để thôi công việc đang đảm nhiệm.
Tuy nhiên, Văn phòng Tỉnh uỷ chưa chấp nhận cho nghỉ việc vì phải xử lý triệt để các sai phạm của bà Thảo cũng như những người liên quan đến việc đề xuất, cất nhắc.