Hội chẩn khẩn cấp cứu quân nhân bị ong vò vẽ đốt 31 mũi nguy kịch

Xác định loài ong đã đốt để ước tính khả năng gây độc cũng như cấp cứu kịp thời sẽ giúp cứu tính mạng bệnh nhân.

Nguy kịch ngay sau khi bị ong đốt

Ngày 23/8, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết, đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho nam quân nhân N.V.C (42 tuổi, trú tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị ong vò vẽ đốt khoảng 31 mũi.

Theo thông tin của lãnh đạo Đơn vị Quân đoàn 3 cung cấp, vào khoảng 6h30p sáng cùng ngày vào viện, bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt số lượng nhiều, chủ yếu ở lưng, đầu, bụng và chân.

Sau khi bị ong đốt bệnh nhân lơ mơ, vã mồ hôi, được xử trí 1/2 ống adrenalin (tiêm bắp) và 1 lọ methyl (tiêm tĩnh mạch) tại trạm xá Quân đoàn 3, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai để tiếp tục điều trị.

Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai: Bệnh nhân tỉnh, đau đầu nhiều, đau nhức toàn thân kèm khó thở, có vết ong đốt ở chân, ngực, bụng, nhiều nhất ở phần đầu (đếm được khoảng 31 vết đốt).

Quân nhân bị ong đốt đe dọa tính mạng đã hồi phục sức khỏe

Lúc này, BS.CKII Bùi Trường Giang, Phó Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai nhận thấy tình hình của bệnh nhân hết sức nghiêm trọng có nguy cơ suy thận cấp, rối loạn đông máu, hủy cơ, tổn thương đa tạng… cho nên đã ngay lập tức chỉ định bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn trực tiếp với GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cùng các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 211.

Bệnh nhân được chẩn đoán Phản vệ mức độ nặng, rối loạn đông máu do ong vò vẽ đốt, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đưa ra chỉ định: Hồi sức tích cực để bù dịch, bài niệu, kháng histamin, corticoid, tiêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) và lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc tố do ong đốt.

Sau 3 ngày điều trị, lọc máu hấp phụ quả HA230, bệnh nhân dần ổn định, đến ngày điều trị thứ 5 bệnh nhân khỏe, ổn định, ăn được, tiêu tiểu bình thường… có chỉ định xuất viện, theo dõi ngoại trú và hẹn tái khám sau 7 ngày.

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đưa ra khuyến cáo: Khi nạn nhân bị ong đốt vào các vùng đầu, mặt, cổ gần các mạch máu lớn, kèm theo dấu hiệu như phù nề lan nhanh, toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, có dấu hiệu dị ứng hoặc từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân, chóng mặt… người thân và những người xung quanh cần đưa nạn nhân đến ngay các cơ sở y tế uy tín gần nhất để được điều trị kịp thời.

Quân nhân bị ong đốt đe dọa tính mạng đã hồi phục sức khỏe - Ảnh BVCC

Nhận biết ong độc để cấp cứu kịp thời

BSCKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: ong bao gồm 02 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật). Họ ong vò vẽ gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nhóm này có ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.

Họ ong mật gồm ong mật, ong nghệ và ong bầu. Nhóm này ngòi nọc có ngạnh, nên sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Đối với ong vò vẽ, nọc của chúng là một hỗn hợp các peptide và các chất trung gian viêm như histamin, phospholipase A2 và các acid amin,… với khoảng 40 thành phần có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân, suy thận cấp,…

Mức độ nặng của liều độc phụ thuộc vào loại ong, số nốt và vị trí đốt. Đối với người lớn được coi là nặng nếu bị ong đốt trên 30 nốt, còn với trẻ em là trên 10 nốt, nếu không được xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Phân biệt loại ong đốt - Ảnh BV nhi TƯ

Nguyên nhân người bị ong đốt thường do tai nạn trong lao động, sinh hoạt, đi rừng hoặc do nuôi ong lấy mật, lấy mật ong rừng. Đối với trẻ em thường do trẻ trêu, nghịch, phá tổ ong (thường là ong vàng hoặc ong vò vẽ) hoặc vô tình bị ong đốt khi đang vui chơi.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ở Việt Nam, đặc biệt ở phía Bắc, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu với nhiều loại ong có chứa độc tố như ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày…

Đáng chú ý là người dân chúng ta khi lao động hay tiếp xúc trong môi trường tự nhiên thì không để ý khiến bị ong đốt với số lượng lớn, rất dễ bị nhiễm độc.

Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.

Nọc độc của ong gây hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời.

Cách xử lý đúng khi bị ong đốt

TS.BS Nguyên khuyến cáo: Biện pháp điều trị rất đơn giản là ngay tại cộng đồng, sau khi bị ong đốt thì người dân nên uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, nước canh, orezol và khẩn trương đưa tới y tế cơ sở. Biện pháp điều trị quan trọng tại cơ sở là cần nhanh chóng bù đủ dịch, đủ nước cho bệnh nhân.

Những trường hợp nặng hơn cần đánh giá, kiểm tra, theo dõi kỹ, lọc máu, thay huyết tương sớm nếu cần.

TSBS Nguyên nhấn mạnh: “Việc bù muối, bù nước cho nạn nhân ngay sau khi bị ong đốt rất quan trọng. Điều trị tích cực ngay tại tuyến trước bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng”.

Trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chí khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.

Để phòng ong đốt, bác sĩ Hùng khuyến cáo, nếu quanh khu vực nhà ở có tổ ong cần nhờ người có kinh nghiệm phá dỡ.

Các gia đình khi đi dã ngoại không nên mặc các loại quần áo sặc sỡ, in hình bông hoa và tránh dùng các loại đồ ăn, nước uống có vị ngọt có thể lôi kéo ong đến.

Nếu không may bị ong vò vẽ bay quanh người hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu, thở đều, không chạy, không đập ong, khi ong nhận ra đó là người ong sẽ bay đi.

Trường hợp không may bị ong vò vẽ đốt, cần lấy vòi ong (nếu có) bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng hoặc nước sạch và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bước xử trí khi bị ong đốt:

- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể.

- Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn. Bạn có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.

- Tiếp đó, bạn nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt.

- Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.

- Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.

- Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.

Thúy Nga