Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng
Tin mới nhất về cơn
bão số 2 từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tính đến hồi 7h ngày 16/07,
vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km, Đến 19 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.
|
Dự báo đường đi của bão số 2. Ảnh: NCHMF.
|
Trong sáng ngày 17/7, trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8.
Theo cảnh báo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ ngày 17-19/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình với biên độ lũ lên từ 2-3m, lúc 01h00 ngày 16/7 (mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là +5,02m) trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái ở mức BĐ2, tại Phú Thọ ở mức BĐ1; trên sông Lô tại Tuyên Quang, sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức BĐ1; trên sông Hiếu (Nghệ An), sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu sông Mã và sông Cả còn dưới mức BĐ1.
Lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.
Kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn hơn 65.000 tàu về nơi an toàn
Báo cáo nhanh số 240/BC-CQTT ngày 16/7/2017 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT, TCKN Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 16/7/2017, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 65.755 phương tiện/263.503 người và 2.938 lồng bè, lều, chòi NTTS/4.841 người biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão số 02 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
|
Kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn hơn 65.000 tàu về nơi an toàn.
|
Theo đó, hiện nay có 133 tàu/1.172 người hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; hoạt động neo đậu ở khu vực từ 16 độ đến 20 độ vĩ Bắc; phía Tây 111,5 độ kinh Đông: 29.397 tàu/111.278 người, trong đó đang hoạt động trên biển: 4.393 tàu/29.243 người); Hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại các bến: 36.225 tàu/151.053 người
Có 7.098 lồng bè, lều, chòi nuôi trồng thủy sản/8.885 người (Quảng Ninh 1.082 lồng, bè/2.340 người, Hải Phòng 744 lồng bè, lều, chòi/1.225 người; Thái Bình 4.160 chòi/4.044 người, Ninh Bình 196 chòi/154 người; Nam Định 887 lều chòi/978 người.
Đến nay chưa có thông tin về tàu thuyền bị thiệt hại do bão số 2.
Hoãn tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão
Ghi nhận của PV Kiến Thức tại tỉnh Thái Bình, hiện nay, công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 2 đang được khẩn trương tiến hành. Từ ngày 14 đến 15/7, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành 3 công điện khẩn chỉ đạo ứng phó bão.
Đáng chú ý, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan đơn vị để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 2.
“Nếu nơi nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản thì người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
|
Khách du lịch trên xã đảo Minh Châu ( huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đợi tàu về đất liền. |
Tại Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có công điện gửi các ngành chức năng, địa phương về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 2. Trong đó nhấn mạnh chỉ đạo thực hiện theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để vào nơi an toàn; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại thi công ven sườn núi, vùng ven sông, ven suối; có biện pháp cảnh báo và hướng dẫn giao thông đi lại của nhân dân khi qua các đoạn đường có nguy cơ ngập lụt, tràn, ngầm qua suối, bến đò ngang để tránh xảy ra tai nạn do bất cẩn...
Tại Thanh Hóa, ghi nhận của PV Kiến Thức, tính đến thời điểm sáng 16/7, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các biện pháp thông báo và kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Toàn bộ 7.375 phương tiện nghề cá của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 5.690 phương tiện đang hoạt động trên biển đã được thông tin và vẫn duy trì liên lạc bình thường với đất liền.
>>> Mời độc giả xem video bão số 2 hướng thẳng khu vực ven biển Nam Định - Hà Tĩnh - Nguồn VTC14:
Tại Quảng Ninh, ngay trong ngày 15/7, UBND huyện đảo Cô Tô đã có công điện chỉ đạo thông báo thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo của huyện cho nhân dân, khách du lịch biết để chủ động phòng tránh, thông tin cho 100% khách du lịch biết để chủ động thời gian tham quan, du lịch và di chuyển về đất liền; rà soát cập nhật 2 lần/ngày lượng khách đến đảo trong khoảng thời gian ATNĐ (đã mạnh lên bão số 2) ảnh hưởng đến vịnh Bắc Bộ.
Ghi nhận của PV Kiến Thức tại xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), sáng 16/7, tại bến tàu của xã Minh Châu, có đến hàng trăm khách du lịch mắc kẹt ở Minh Châu - Quan Lạn (thuộc huyện đảo Vân Đồn) do ảnh hưởng của bão số 2.
Chủ tịch xã Minh Châu, ông Nguyễn Thành Sang cho biết: “Khách lưu trú lại trên đảo không ảnh hưởng gì tới tình hình an ninh trật tự của xã nhưng chủ yếu là tâm lí khách sốt ruột. Chúng tôi không có quyền điều tàu mà chỉ báo với huyện. Hiện chưa thống kê được cụ thể bao nhiêu khách đang mắc kẹt trên đảo”.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ nội địa Quảng Ninh cũng cho biết, Cảng vụ đã cho xuất khá nhiều tầu ra Minh Châu để chở hết khách về trước khi gió gió quá to, tầu không thể chạy được.