Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên năm 2023. Điểm đáng chú ý, ông lớn trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn này đã chậm thanh toán 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỷ đồng lãi. Lý do mà Bông Sen đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.
Theo đó, tổng giá trị trái phiếu đối với lô trái phiếu BSECH2126003 là 4.800 tỷ đồng, số dư lãi vay đến ngày 30/6 là 150,5 tỷ đồng, số lãi phạt từ ngày 15/10/2022 đến ngày 30/6 là 517,9 tỷ đồng.
Chi tiết hơn, Bông Sen Corp cần trả 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu, 127 tỷ đồng lãi coupon kỳ 4 và 23,5 tỷ đồng lãi coupon kỳ năm. 2 khoản coupon này được tính trên mức lãi suất 10,5%.
Bông Sen Corp còn bị phạt 501,2 tỷ đồng của 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu chưa thanh toán, 14,2 tỷ đồng lãi chậm trả của coupon kỳ 4 và 2,4 tỷ đồng lãi chậm trả của coupon kỳ 5 chưa hoàn thành. Lãi suất phạt được áp dụng ở mức 15,75%.
Tính đến cuối kỳ, dư nợ trái phiếu của Bông Sen Corp là 5.468,4 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày nửa đầu năm Bông Sen Corp chịu mức lãi phạt tới 2 tỷ đồng.
|
Lý do mà Bông Sen đưa ra chậm thanh toán 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỷ đồng lãi là do “tài khoản bị phong tỏa”. |
Trước thông tin Bông Sen Corp chậm thanh toán 4.800 tỷ đồng trái phiếu, nhiều nhà đầu tư lo ngại hệ quả sẽ thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế từng đánh đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản.
Nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư đòi trả lại trái phiếu của các doanh nghiệp khác, gây xáo trộn thị trường trái phiếu, chứng khoán và tài chính tiền tệ. Từ đó có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế rất lớn.
|
Ảnh minh họa. |
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho biết, tại Điều 19 Thông tư 30/2023/TT-BTC, ngày 17/5/2023 của Bộ Tài chính nêu rõ về xử lý trường hợp mất khả năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng thanh toán cho thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp vay tiền thanh toán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong trường hợp thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp tạm thời mất khả năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên cơ sở thỏa thuận hỗ trợ thanh toán ký kết giữa các bên phù hợp với quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, quy định pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp thỏa thuận hỗ trợ thanh toán của hai bên có quy định sử dụng chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ thực hiện phong tỏa chứng khoán theo đề nghị của ngân hàng thanh toán.
Trường hợp đến thời hạn thanh toán theo quy định mà thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không có đủ tiền thanh toán thì Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện loại bỏ thanh toán giao dịch.
Việc xử lý giao dịch mất khả năng thanh toán tiền, cơ chế xử lý tài sản đảm bảo, thời gian, trình tự thanh toán giao dịch mất khả năng thanh toán tiền được thực hiện theo quy định tại quy chế đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.