Thời gian qua, bên cạnh những dự án hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, Hải Dương vẫn còn tồn tại nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh này.
Điểm tên loạt dự án trăm, nghìn tỷ chậm tiến độ
UBND tỉnh Hải Dương vừa thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, rà soát các dự án ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ để đề xuất phương án xử lý phù hợp.
Đáng chú ý, qua thanh, kiểm tra, hiện ở Hải Dương có 78 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đã đánh giá mức độ vi phạm để phân loại xử lý.
Theo đó, trong 78 dự án, có 4 dự án thuộc diện chấm dứt hoạt động, 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét điều chỉnh đầu tư, 42 dự án cho phép điều chỉnh đầu tư, 3 dự án phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản và 5 dự án giao cho cấp huyện xử lý trước khi đề xuất UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong số 18 dự án phải xử lý vi phạm về đầu tư trước khi xem xét đầu tư, có dự án mà doanh nghiệp có vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng như dự án nhà máy sản xuất xi măng của Công ty xi măng Phúc Sơn (tại phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành) có vốn đầu tư là 6.095 tỷ đồng.
Dự án trên được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, nhưng đã 16 năm nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt và đang hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện dự án và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của liên ngành.
Ngoài ra còn có các dự án như khu liên hợp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất của Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc (tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng) có vốn đầu tư 920 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng công trình tua bin Việt Nam của Công ty TNHH MTV đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (dự án tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành) có vốn đầu tư hơn 816 tỷ đồng; dự án xây dựng khu ký túc xá công nhân khu liên hợp Hòa Phát của Công ty CP thép Hòa Phát Hải Dương có vốn đầu tư hơn 201 tỷ đồng… bị UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt, có doanh nghiệp chưa nộp phạt, có doanh nghiệp chính quyền đã gửi giấy mời đến lần thứ 3 nhưng không có phản hồi như Công ty TNHH thực phẩm Tin Tin tại CCN Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc và Công ty TNHH Minh Phúc tại thị trấn Minh Tân, thị xã Kinh Môn.
Hàng chục ha đất bị bỏ hoang, gây lãng phí
Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, xử lý vi phạm tại 6 dự án ngoài khu công nghiệp của 5 chủ đầu tư. Theo kết quả rà soát các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài ở ngoài khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương chậm tiến độ và triển khai không bảo đảm quy định, toàn tỉnh có 6 dự án ngoài khu công nghiệp vi phạm về đất đai.
Trong đó, dự án “đắp chiếu” hơn chục năm gây bức xúc là dự án nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit. Công ty Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê 347.000m2 đất ở các phường Ái Quốc và Nam Đồng (thành phố Hải Dương) vào năm 2008 để thực hiện dự án Nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2011, dự án có tổng mức đầu tư hơn 284 tỷ đồng này chính thức khởi công và được kỳ vọng tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 công nhân, đồng thời tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương, góp phần mang lại giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Tuy nhiên, dù được tỉnh Hải Dương gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần song doanh nghiệp vẫn chưa triển khai và bỏ hoang cho đến bây giờ. Hiện doanh nghiệp không đủ điều kiện gia hạn sử dụng đất và việc không đưa đất vào sử dụng trong thời gian dài, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương tham mưu UBND tỉnh Hải Dương thu hồi dự án của doanh nghiệp này.
Một dự án khác với quy mô hàng nghìn tỷ đồng cũng đang trong tình trạng bị bỏ hoang là dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương (tại cụm công nghiệp Ba Hàng, TP Hải Dương).
|
Khu đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương hiện vẫn là bãi đất trống |
Sau khi đề xuất thực hiện dự án, tháng 4/2019, Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương quyết định chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất với diện tích gần 10 ha trong Cụm công nghiệp Ba Hàng. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.391 tỷ đồng. Qua 5 năm, nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương vẫn giậm chân tại chỗ, khu đất bỏ hoang cỏ mọc ngang người gây bức xúc trong dư luận.
Tại huyện Nam Sách có 3 doanh nghiệp bị bêu tên. Trong đó có Công ty Cổ phần Gạch Thành Công NS được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê 23.600m2 đất tại xã Hiệp Cát để thực hiện dự án Nhà máy gạch tuynel Thành Công vào tháng 3/2019. Đến nay, doanh nghiệp vẫn để đất trống, chưa xây dựng công trình.
Công ty TNHH Hanh Thúy được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 4.000m2 đất ở thị trấn Nam Sách từ năm 2013 để mở cơ sở đào tạo dạy nghề nông thôn. Trên diện tích đất được thuê, doanh nghiệp đã xây dựng một số hạng mục, công trình sử dụng vào mục đích sơ chế hàng nông sản, không đúng với nội dung được chấp thuận đầu tư. Công ty đã có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án nhưng hiện tại chưa được chấp thuận.
|
Dự án nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit hơn chục năm chưa triển khai |
Công ty Cổ phần Đầu tư và Giáo dục Ánh Dương được UBND tỉnh giao đất để thực hiện 2 dự án giáo dục. Đó là Dự án Trường Mầm non Sunshine I ở xã Quốc Tuấn được bàn giao 1.750,4m2 đất ngoài thực địa từ tháng 7/2019. Dự án thứ hai của doanh nghiệp này là Trường Mầm non Sunshine II được giao 1.500m2 ở thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng từ tháng 9/2019. Hiện 2 khu đất thực hiện 2 dự án của doanh nghiệp này vẫn để trống, chưa xây dựng công trình.
Tại huyện Kim Thành, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tuấn Long được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê 66.324,8m2 đất ở các xã Ngũ Phúc và Kim Đính vào năm 2017, giao đất ngoài thực địa từ tháng 5/2018. Doanh nghiệp còn nợ gần 711 triệu đồng tiền thuê đất hằng năm và gần 17 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Công ty chưa thực hiện dự án Cơ sở kinh doanh dịch vụ và nuôi thủy sản trên diện tích đất cho thuê. Doanh nghiệp đã có văn bản trả lại diện tích đất trên và UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ TN&MT công khai 4 doanh nghiệp vi phạm đất đai. 4 doanh nghiệp bị đề nghị đăng công khai vi phạm đất đai gồm: Công ty CP Xuyên Á, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thành, Công ty CP Delta và Công ty TNHH Gạch Thuận Thành.
Nêu ý kiến về các dự án hiện đang chậm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, HĐND tỉnh Hải Dương đã cho ý kiến. Hiện UBND tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo rà soát, phân loại.
Sau khi phân loại, UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành, đơn vị tìm hiểu lý do tại sao lại dẫn đến chậm tiến độ. Nếu lý do từ chính quyền, liên quan đến thủ tục hành chính, thì phải quyết liệt, nỗ lực tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu vướng mắc đến từ doanh nghiệp, tỉnh sẽ tìm hiểu doanh nghiệp họ khó khăn gì, động viên, đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng cởi nút thắt. Trường hợp doanh nghiệp không còn đủ năng lực đầu tư, không thể triển khai dự án, UBND tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan mới tính đến phương án xử lý bằng biện pháp thu hồi đất, thu hồi quyết định đầu tư.
Theo vị lãnh đạo này, Hải Dương sẽ quyết liệt phân loạt để xử lý nhằm không gây lãng phí về nguồn tài nguyên đất nói chung và kéo theo sự trì trệ về kinh tế của tỉnh Hải Dương nói riêng.