Hạ thân nhiệt chỉ huy, cứu bệnh nhân đuối nước hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn

Mùa hè là thời điểm thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn đuối nước ở mọi độ tuổi. Dù được cứu sống nhưng cũng để lại các di chứng thần kinh rất nặng nề. Cấp cứu đúng là cách để tránh tử vong.

Đuối nước dưới biển ngừng thở, ngừng tim

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu sống thành công một trường hợp hôn mê sau ngừng tuần hoàn do đuối nước, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, không để lại di chứng.

Theo lời kể của người nhà, anh C.V. T. (34 tuổi) ở Quang Hanh, TP Cẩm Phả cùng gia đình đi bơi tại bãi tắm Hòn Gai, không may bị đuối nước được người dân vô tình phát hiện và cứu lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng thở, ngừng tim.

Lực lượng cứu hộ bãi biển nhanh chóng cấp cứu, khẩn trương hồi sức tim phổi. Sau khoảng 15 phút có tuần hoàn tái lập, người bệnh được xe cấp cứu trung tâm 115 đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, da tái nhợt, thở máy, nhiều bọt hồng trào qua ống nội khí quản, mạch quay nhỏ, đồng tử hai bên đều 3 mm, phản xạ ánh sáng kém, nồng độ bão hòa oxy máu mao mạch giảm.

Các bác sĩ đã trao đổi, giải thích với gia đình về tình trạng của người bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, cũng như các di chứng thần kinh trầm trọng có thể có ngay cả khi đã cứu sống được người bệnh.

Hội chẩn đánh giá tình trạng bệnh nhân T. rất nguy kịch, không xác định được rõ thời gian ngừng tuần hoàn sau đuối nước, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã phối hợp thực hiện các biện pháp can thiệp hồi sức chuyên sâu, như: thở máy hỗ trợ, kiểm soát hô hấp, lọc máu kiểm soát tình trạng toan chuyển hóa, cân bằng dịch, điện giải, đặc biệt ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não.

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt chỉ huy, ngừng thở máy. Hiện người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe tiến triển tốt, tự thở bình thường, ăn uống nói chuyện trở lại, vận động bình thường và đặc biệt may mắn không để lại di chứng thần kinh đáng kể nào.

Bệnh nhân bị đuối nước hồi phục tốt, được bác sĩ khoa Hồi sức tích cực thăm khám, kiểm tra sức khỏe - Ảnh BVCC

Vui mừng nhìn chồng dần hồi phục trở lại sau thời gian hôn mê, vợ anh T. chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước mọi chuyện xảy đến với chồng tôi, không nghĩ rằng chồng mình lại bị đuối nước vì trước anh vẫn hay đi bơi cùng con.

May mắn sao được mọi phát hiện, cấp cứu hô hấp kịp thời, rồi được các bác sĩ tận tình cứu chữa mà chồng tôi hồi sinh trở về với vợ con và gia đình. Đây là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời”.

Cấp cứu ban đầu quyết định sự sống còn

BS Nguyễn Trần Minh Chiến, khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Cấp cứu ban đầu đúng cách là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sống còn của nạn nhân bị đuối nước, bởi nguyên nhân chính gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, cấp cứu càng chậm trễ thì não càng tổn thương khó hồi phục, nguy cơ để lại di chứng thần kinh cao.

Trường hợp của bệnh nhân T. bị ngừng tuần hoàn nhưng may mắn được phát hiện và hồi sức tim phổi tốt, kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, nhờ vậy, bệnh nhân đuối nước hồi phục tốt, không bị di chứng thần kinh nào”.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là một trong những kỹ thuật hồi sức tiên tiến trên thế giới, giúp những bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch như bị tổn thương não cấp do ngừng tuần hoàn sẽ có tỷ lệ sống sót cao, khả năng phục hồi vận động và ý thức tốt hơn.

Việc đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cứu bệnh nhân đuối nước thoát khỏi lằn ranh sinh tử đã một lần nữa chứng minh khả năng hồi phục kỳ diệu, không để lại di chứng của phương pháp tiên tiến này mang lại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị y tế tuyến cuối tỉnh.

Đuối nước là mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn, là tai nạn thường gặp trong mùa hè khi nhiều người tham gia các hoạt động vui chơi, bơi lội tại biển, ao hồ, sông suối. Để giảm thiểu rủi ro, mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn, không nên chơi đùa hoặc bơi lội ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Khi tắm biển hay ao hồ, dù có biết bơi hay không, cũng chỉ nên bơi ở những khu vực an toàn, gần bờ và luôn có người giám sát cùng các phương tiện cứu hộ sẵn sàng.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn đuối nước, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ và tiến hành các bước sơ cứu tại chỗ đúng phương pháp. Nếu thấy nạn nhân đuối nước bất tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức, vì đây là “thời điểm vàng” để cứu sống, khi có tuần hoàn trở lại thì đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Từ đầu mùa hè đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận cấp cứu rất nhiều ca đuối nước ở mọi độ tuổi từ trẻ em đến người lớn, trong đó có không ít trường hợp bị di chứng thần kinh nặng nề, thậm chí tử vong.

Thúy Nga