Hà Nội: Chiếm dụng nóc nhà vệ sinh cổ xây 2 tầng nhà

Sự việc hy hữu ở tòa biệt thự cổ số 187, phố Bà Triệu (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Một nhà dân chiếm dụng khoảng không nhà vệ sinh chung để xây công trình 2 tầng trái phép.
Theo phản ánh của bà Trần Thị Loan và ông Trần Bá Vinh (những người sống trong biệt thự), biệt thự 187 Bà Triệu gồm 3 tầng, được xây dựng trước năm 1954. Hiện có 7 hộ dân đang sinh sống tại đây.
Thiết kế ban đầu, biệt thự gần trăm năm tuổi này có khoảng không gian chung, giếng trời, cầu thang và một nhà vệ sinh chung cấp 4 ở phía sau. Những công trình chung này là sở hữu chung của 7 hộ dân.
Theo thời gian, các hộ dân sinh sống tại đây hầu hết đều đã xây dựng, lấn chiếm một phần không gian chung. Lối vào biệt thự hiện chỉ còn rộng chừng 1m, thiếu ánh sáng vì các công trình lấn chiếm che lấp.
Năm 2014, khu vệ sinh chung của các hộ dân ở tầng 1 bị gia đình ông Lâm Ngọc Chi và em trai là Lâm Ngọc Thắng (sinh sống tại tầng 2) chiếm dụng xây dựng lên trên nóc thành 3 tầng.
Từ một nhà vệ sinh khoảng 4m2, gia đình ông Chi đã đổ bê tông bên trên, cơi nới xây dựng ra diện tích khoảng không thành khoảng 10m2. Phần diện tích này một phần đè lên tường, mái của nhà bà Nguyễn Thị Thục (một hộ dân bên cạnh, xây dựng từ năm 1974, sau này bán lại cho bà Loan) phần còn lại ghé vào tường nhà biệt thự.
Thậm chí, gia đình ông Chi và ông Thắng còn gá cầu thang sắt bên ngoài để lấy lối lên nhà.
Ha Noi: Chiem dung noc nha ve sinh co xay 2 tang nha
Cầu thang dẫn lên căn nhà kiên cố ngự trên nóc buồng vệ sinh. 
Năm 2014, bà Nguyễn Thị Thục, người sở hữu phần diện tích 30,6m2 liền kề với công trình nhà vệ sinh trái phép này đã có đơn kiến nghị gửi UBND phường Lê Đại Hành.
Nhà vệ sinh có thể sập bất cứ lúc nào
Bà Thục cho biết, thời điểm 2014, công trình của gia đình bà là căn nhà cấp 4. Khi hộ ông Lâm Ngọc Chi làm nhà lên trên nhà vệ sinh chung đã chiếm dụng 50cm khoảng không trên mái nhà cấp 4 của bà để dựng cầu thang sắt lên xuống.
Do hoàn cảnh gia đình, bà Thục cùng cháu gái là Nguyễn Thị Tuyết Linh đã bán phần diện tích 30,6m2 này cho bà Trần Thị Loan, một trong 7 hộ dân đồng sở hữu biệt thự 187.
Ngày 20/9/2016, do công trình nhà cấp 4 bị xuống cấp, bà Loan đã gửi đơn lên UBND phường xin sửa chữa nhà, có xác nhận của bà Nguyễn Thị Hải, tổ trưởng tổ dân phố.
Sau khi gửi đơn một thời gian, nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sập, nên ngày 10/10/2016 bà Loan đã phải phá dỡ ngôi nhà này.
Đến nay, hiện trạng khu vực đang tranh chấp là phần diện tích hơn 30m2 của gia đình bà Loan; công trình hai tầng xây kiên cố chiếm dụng phần trên của nhà vệ sinh chung.
Ha Noi: Chiem dung noc nha ve sinh co xay 2 tang nha-Hinh-2
Bà Loan chỉ vị trí nhà vệ sinh chung bị công trình trái phép xây chồng lên. 
Do khu nhà cấp 4 bị tháo dỡ, phần chân cầu thang trước đây được gá trên mái nhà hàng xóm không còn chỗ dựa.
Bà Loan cho biết, nhà vệ sinh chung đã xuống cấp theo thời gian và không có chân móng - có thể sập bất cứ lúc nào.
Vẫn theo bà Loan, từ khi bà tháo dỡ nhà cấp 4 để xây sửa, hai đứa con của ông Thắng hàng ngày phải đu người ra bên ngoài mới lên được cầu thang để lên nhà.
“Trước mắt, an toàn tính mạng của chính con cái ông Thắng bị đe dọa khi hàng ngày sinh sống trong hai căn phòng xây trái phép lơ lửng này. Còn nếu nhà vệ sinh chung không chịu được sức nặng mà bị đổ sập, sẽ kéo 2 tầng nhà kia sập theo. Lúc đó không biết hậu quả sẽ ra sao”, bà Loan nói.
Về căn nhà cấp 4, sau khi gửi đơn xin sửa chữa cải tạo, nhiều tháng qua, bà vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Đã nhiều lần mời các gia đình lên giải quyết
Trao đổi với VietNamNet, Phó chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành Bùi Thanh Hải cho biết, đây là vấn đề lịch sử.
“Hầu hết các hộ dân sinh sống trong biệt thự 187 nói trên đều cơi nới, lấn chiếm không gian chung. Khi tiếp nhận đơn thư của công dân, phường đã nhiều lần mời các bên lên giải quyết nhưng sự việc chưa đi đến đâu”, ông Hải nói.
“Bà Loan ngoài việc phản ánh hộ ông Chi xây dựng công trình trái phép trên nhà vệ sinh chung còn có đơn đề nghị UBND phường hướng dẫn cấp bìa đỏ cho phần diện tích 30,6m2 mua lại từ chủ cũ trước đây. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền để trả lời bà Loan”, ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, đơn vị chủ quản các khu biệt thự cũ, cổ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng là Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng. Ngày 23/1, UBND phường đã có văn bản gửi Xí nghiệp về việc làm rõ nguồn gốc nhà đất 187 phố Bà Triệu.
Ha Noi: Chiem dung noc nha ve sinh co xay 2 tang nha-Hinh-3
Phó chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành Bùi Thanh Hải. 

Ha Noi: Chiem dung noc nha ve sinh co xay 2 tang nha-Hinh-4
Căn biệt thự cổ đối diện trụ sở UBND phường Lê Đại Hành. 
“Ngày 2/3, Xí nghiệp đã có công văn trả lời nhưng nội dung giải đáp chưa đầy đủ. Chúng tôi vừa gửi công văn cuối tuần trước đề nghị Xí nghiệp giải đáp, làm căn cứ trả lời công dân”.
Về công trình 2 tầng nhà kiên cố xây trái phép trên khu vệ sinh thuộc sở hữu chung, ông Hải nói: “Vẫn đang tiếp tục mời các hộ dân đến giải quyết” và “đây là vấn đề tồn đọng do lịch sử”.
Theo Kiên Trung - Đoàn Bổng/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN