Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND TP đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.
Không nên lấy quan điểm nhà giàu có ô tô phán người có xe máy
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho hay, ông không hiểu tại sao lại cấm xe máy vì xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc.
|
Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án cấm xe máy vào nội đô. |
“Ùn tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có ô tô với số lượng rất lớn. Một ô tô chiếm mặt đường gấp 5-10 lần xe máy. Vậy tại sao không cấm ô tô mà lại cấm xe máy?”, ông Thuỷ nói.
Theo ông, hiện nay có khoảng 70-80% người dân đi xe máy vì nó có nhiều ưu điểm: Hợp với túi tiền của người dân, không phải ai cũng mua được ô tô; Xe máy đi linh hoạt, chiếm mặt đường ít nên gây ùn tắc ít, gây ô nhiễm ít hơn ô tô (chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10).
“Xe máy là cần câu cơm của hàng vạn gia đình người dân Việt Nam. Trong khi giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10%. Nếu cấm xe máy thì 90% người dân đi bằng gì?”, TS Thuỷ đặt vấn đề.
Ông phản đối trước một số ý kiến cho rằng, lý do cấm xe máy là do xe máy làm bẩn, làm nhếch nhác TP.
Vị chuyên gia giao thông nêu câu hỏi so sánh rằng một TP ùn tắc với đầy những ô tô hay 1 TP có cả ô tô, xem máy mà ít ùn tắc hơn thì cái nào hay hơn?
“Vì vậy không nên lấy quan điểm của nhà giàu có ô tô mà đi phán người có xe máy”, ông Thuỷ nói.
Nêu quan điểm xe máy không gây ô nhiễm, ùn tắc bằng ô tô, ông Thuỷ cho rằng phải trả lời được câu hỏi: Tại sao lại cấm xe máy mà không cấm ô tô?
Theo ông, trong khi giao thông công cộng còn yếu kém, đường không thông, hè không thoáng, việc ùn tắc đổ hết cho xe máy là không đúng.
“Bao giờ giao thông công cộng đảm đương được trên 40% thì lúc đó mới dùng đến biện pháp hạn chế xe máy, chứ lúc đó cũng không cấm. Hạn chế xe máy có thể bằng biện pháp thu phí, ngày chẵn ngày lẻ…
Bảo đến 2030 cấm xe máy, vậy 10 năm nữa Hà Nội có đảm đương được 40% giao thông công cộng không? Không thể được”, ông Thuỷ bày tỏ và chia sẻ thêm, theo ông dự báo thì đến lúc đó chỉ được khoảng 20%, vậy 80% người dân đi bằng gì, sống bằng gì?
Dồn sức mua ô tô
TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu việc nếu cấm xe máy thì tất cả mọi người dồn sức mua ô tô. Hiện giờ 200 triệu đã mua được thì đường phố lại càng ngập ô tô và ùn tắc, tai nạn càng nhiều.
Ông khẳng định, phương tiện cá nhân vẫn là phương tiện quan trọng của hệ thống giao thông TP chứ không có nghĩa giao thông TP là chỉ có giao thông công cộng.
Lấy dẫn chứng ở các nước châu Âu, ông cho biết có 30-40% người dân vẫn đi ô tô, xe máy.
“Xe máy không bao giờ cấm được, xe máy sẽ hoạt động đến năm 2100. Trong TP vẫn có 5-10% người dân đi xe máy, tùy theo điều kiện sống vì xe máy đi rất năng động, hợp lý.
Lúc đó xe máy sẽ tốt hơn như xe máy điện và người dân có đời sống cao hơn sẽ đi ô tô, tàu điện ngầm, đi giao thông công cộng nhiều hơn”, ông Thuỷ nói về tương lai.
Chuyên gia giao thông ủng hộ việc kiểm soát xe máy là không cho xe máy phân khối lớn chạy trong TP, cương quyết cấm vì nó “như xe tăng” mất an toàn, mất mỹ quan.
Với những xe máy quá cũ, gây ô nhiễm môi trường thì nên khuyên người dân thay xe máy khác.
“Tất nhiên người nghèo cũng có khó khăn của họ, cho nên tùy theo điều kiện để giải quyết, xử lý cho đúng”, ông Thuỷ lưu ý.
Cũng theo ông, trong thời gian tới, có thể tuyên truyền người dân giảm bớt đi xe máy với đoạn đường ngắn vài trăm mét.
“Khi dân trí được nâng cao thì người ta hiểu xe máy lúc nào dùng, lúc nào không dùng. Sau này ô tô sẽ nhiều lên, xe máy sẽ ít đi, đó là quy luật, xu thế, chứ không phải bắt ép người dân vì còn nhiều người nghèo lắm”, TS Thuỷ chia sẻ.