GS Hoàng Chương: Cách tân áo dài đừng “bóp cổ”

GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, đã trải qua nhiều cuộc cách tân áo dài, nhưng về cơ bản thì nó vẫn là tà áo dài, không phải là thứ trang phục được “hiện đại hóa” như chúng ta vẫn thấy vừa rồi. Trang phục có thể cách tân, sáng tạo, nhưng không nên gắn cho nó cái tên “áo dài”.

GS Hoàng Chương: Cách tân áo dài đừng “bóp cổ”

Tôi từng đấu tranh cho tà áo dài

Thưa ông, cuộc tranh luận áo dài cách tân và áo dài truyền thống đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Hình ảnh những cô gái mặc áo dài cách tân với váy đụp có người ví như là sự kết hợp của “mắm tôm pha với ca cao”, nhưng cũng có người cho rằng nên có sự sáng tạo. Dưới góc nhìn văn hóa, ông nghĩ sao về cuộc tranh cãi này?

Chúng ta có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Tôi giả sử như nếu người ta cách tân chèo, tuồng, cải lương thì sẽ thành gì, liều có thành chèo kịch, tuồng kịch hay cải lương kịch hay không.

Áo dài là một nét văn hóa truyền thống như các loại hình nghệ thuật biểu diễn ấy. Khi cách tân áo dài quá mức thì nó không còn là nó nữa. Cũng là sân khấu chèo, cải lương, cũng có chống chiêng, múa hát, nhưng thực tế nó đã bị biến dạng mất rồi.

Nếu cách tân mà vẫn giữ lại được truyền thống thì tôi nghĩ cũng chấp nhận được đấy chứ ạ?

Vấn đề là có giữ lại được truyền thống hay không. Áo dài là nét đẹp truyền thống gắn với người phụ nữ Việt Nam, đã trải qua nhiều thời kỳ cách tân, nhưng nó vẫn còn là tà áo dài.

Áo dài bó sát với cơ thể, kín từ đầu đến chân, vừa thể hiện sự kín đáo lại vừa rất gợi cảm. Nó làm cho người phụ nữ trở nên mềm mại, uyển chuyển mà trang phục của nhiều nước không có.

Ông đã từng nghiên cứu về trang phục dân tộc của nhiều quốc gia chưa?

Tôi đi khắp nơi trên thế giới rồi, và cũng nhiều giai đoạn phải xa quê hương, học tập ở nước ngoài. Mỗi khi nhớ nhà, hình ảnh hiện lên trong đầu tôi là những cô gái mặc áo dài trắng đạp xe ở Bờ Hồ.

Nỗi nhớ áo dài đối với người xa xứ, thật không có gì diễn tả được. Vào dịp Tết mà phải xa quê, nỗi nhớ ấy lại da diết hơn bao giờ hết.

Hẳn là tà áo dài truyền thống hiện diện khắp mọi nơi trong ký ức của một người yêu văn hóa Việt như ông?

Đúng thế, những năm 80 của thế kỷ trước, áo dài chính thức là trang phục của các tiếp viên hàng không Việt Nam. Kể từ đó, hàng triệu khách quốc tế cũng mê mẩn với áo dài. Trong mắt tôi, áo dài là trang phục đẹp nhất.

Ấy thế mà khoảng năm 1995-1996, ngành hàng không Việt Nam chủ trương thay đổi áo dài bằng váy ngắn cho tiếp viên. Tôi là người lên tiếng phản đối rất quyết liệt bằng nhiều góp ý, bài viết về vấn đề này.

May mắn là sau đó, với sự phản đối của nhiều tiếp viên hàng không, của dư luận, sự đấu tranh dữ dội của tôi, tà áo dài trên các chuyến bay được giữ lại.

Đừng mang danh áo dài

Ông nghĩ sao về chiếc áo dài kết hợp với váy đụp?

Bản thân tuồng, chèo, cải lương là những môn nghệ thuật đẹp, nhưng cách tân nó thì không ổn. Cách tân áo dài quá mức như vậy rõ ràng là phá vỡ tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Tôi cho đó không phải là áo dài nên đừng mang danh áo dài.

Nếu muốn thì hãy đổi tên nó thành một loại trang phục nào đó mà người sáng tạo ra nó có quyền. Gọi nó là áo gì, váy gì cũng được, trừ khi là áo dài. Bởi áo dài có những nguyên tắc nhất định của nó. Giống như hát chèo thì phải là làn điệu chèo, chứ không phải là kết hợp với rap hay hát kiểu bolero.

Vậy còn những kiểu áo dài cách tân khác, có được gọi là áo dài?

Tất cả các loại áo dài cách tân như không có tay, không có cổ, không mặc với quần, hay may rộng thùng thình… đều không được gọi là áo dài. Ai cũng có quyền sáng tạo trang phục, nhưng xin hãy gọi nó bằng một cái tên khác.

Tôi rất ghét những ca sỹ ra sân khấu mặc áo dài, cổ áo đã khoét sâu rồi, tay áo lại không có, rồi ngắn cũn cỡn ra. Nó làm cho người nước ngoài họ bị loạn khái niệm áo dài, không còn phân biệt được đâu mới là áo dài Việt Nam nữa, nếu chúng ta cứ cổ súy cho việc cách tân.

Vì đâu người ta lại coi áo dài cách tân như vậy là áo dài, phải chăng họ chưa hiểu hết về áo dài?

Tôi cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn về văn hóa. Cái đẹp của áo dài là sự chỉn chu, hòa hợp, thống nhất của tà áo khoác lên con người.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng áo dài đã qua nhiều giai đoạn cách tân, thì việc tiếp tục làm mới nó, sáng tạo trang phục mới, cũng chấp nhận được?

Tôi nghĩ đó chỉ là lý thuyết của mấy người biện hộ, của những nhà tạo mẫu cách tân. Nếu vẻ đẹp truyền thống đã là đỉnh cao rồi, thì cách tân làm gì nữa?

Thay vì cách tân, hãy gìn giữ và bảo tồn nó. Hoặc cách tân cũng được, nhưng hãy giữ lại nét đẹp của người phụ nữ, chứ đừng phá hỏng nó, đừng “bóp cổ” tà áo dài.

Văn hóa mất bản sắc vì mải cách tân

Yêu tà áo dài như thế, hẳn là ông sẽ còn bền bỉ đấu tranh cho tà áo dài truyền thống?

Gần đây chúng ta có bàn về quốc phục Việt Nam. Tôi có bài tham luận khẳng định phải giữ lại bằng được áo dài. Quốc phục cho đàn ông có thể phát triển từ áo dài của ông cha ta trước đây, có thể đổi màu sắc đi, nhưng phải là áo dài.

Tôi đã từng đi xem nhiều buổi trình diễn thời trang áo dài, thực sự tôi không có nhiều thiện cảm bởi người ta đã cách tân áo dài quá mức làm phá vỡ truyền thống.

Nhà ở ngay Bờ Hồ, khi nhìn ngắm các cô gái xúng xính áo dài với váy đụp, ông cảm thấy thế nào?

Tôi thấy buồn cho tà áo dài và chẳng thấy cái bộ váy đụp ấy đẹp ở chỗ nào cả. Làm như thế thì nó đâu còn là tà áo dài nữa. Có cho tôi cũng chẳng lấy.

Nếu có người nói ông cổ hủ quá, ông nghĩ sao?

Ôi, không ai hiện đại được như tôi đâu. Tôi đi khắp nơi trên thế giới rồi, hàng năm tôi đều đi giảng dạy ở nước ngoài.

Mọi vấn đề của văn minh châu Âu và châu Mỹ tôi đều biết, nhưng càng biết, tôi càng thấy trân trọng cái đẹp của tà áo dài. Tôi gay gắt đấu tranh, lên tiếng bảo vệ tà áo dài, không phải vì cá nhân tôi, mà vì muốn giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc này.

Đừng chê chúng tôi là bảo thủ rồi để họ phá vỡ truyền thống. Đừng mang danh cách tân để phá vỡ truyền thống. Chính vì chúng tôi bảo thủ mới bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc đấy. Không có những người bảo thủ này thì bản sắc văn hóa Việt Nam đã bị phá vỡ mất rồi.

Nhưng xét cho cùng thì bản sắc văn hóa Việt cũng đang hội nhập và phôi pha ít nhiều bản sắc?

Sở dĩ văn hóa truyền thống của chúng ta bị khủng hoảng nghiêm trọng, kể cả văn hóa lễ hội, tuồng, chèo, cải lương… bởi lẽ không ai chịu bảo vệ truyền thống. Họ chỉ thích làm cái mới.

Mà nếu cái gì cũng mới, cũng cách tân thì sẽ mất đi bản sắc. Nếu không có sự quyết liệt của những người cổ hủ như tôi thì bản sắc sẽ bị phá vỡ.

Xin cảm ơn ông!

Cũng như thơ Việt Nam, từ thơ Đường, chữ Hán, chữ Nôm. Vì sao có những bài thơ hàng trăm năm vẫn mới, vẫn hay, còn những bài thơ vừa ra đời đã không ai nhớ, không ai thuộc nổi dù chỉ có vài câu. Bởi nó không có vần, không có điệu, không thể hiện nội dung gì hết. Vậy thì cách tân hay truyền thống mới là hay, là tốt? Vấn đề là người dân có tiếp nhận hay không. Giống như tà áo dài, người ta có thích mặc nó không, chờ thời gian sẽ cho câu trả lời”.

Tô Hội (thực hiện)