Giáo viên dạy Hóa: Thí sinh Olympia trả lời sai vẫn được cộng điểm

Liên quan việc khán giả phản ánh thí sinh Olympia trả lời sai hai câu hỏi thuộc lĩnh vực Hóa học, thầy giáo Lê Phạm Thành cho rằng ban tổ chức "Đường lên đỉnh Olympia" nên giải thích rõ.
Tại cuộc thi tuần hai, tháng một, quý III, Đường lên đỉnh Olympia phát sóng chiều 5/3, Nhân Thanh Tùng (THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) lội ngược dòng ngoạn mục để dành vòng nguyệt quế.
Tuy nhiên, một khán giả cho rằng ở cuộc thi này, thí sinh Olympia - Thanh Tùng trả lời sai hai câu hỏi, song chương trình vẫn cho điểm, dẫn đến thay đổi kết quả chung cuộc.
Thầy giáo Lê Phạm Thành (giáo viên Hoá học tại hoc24h.vn) đã trao đổi với Zing.vn về hai câu hỏi gây tranh cãi trong cuộc thi.
Giao vien day Hoa: Thi sinh Olympia tra loi sai van duoc cong diem
 Ảnh minh họa.
Câu hỏi thứ hai trong gói Về đích của thí sinh Trần Bảo Nhân: “Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện ly). Tại sao lại như vậy?”.
Ở câu hỏi này, Bảo Nhân không trả lời đúng và thí sinh Nhân Thanh Tùng nhanh tay giành được quyền trả lời.
Câu trả lời mà đại diện THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) đưa ra là: Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của tàu biển vì khi đó sắt đóng vai trò là cực anot còn kẽm là catot. Khi đó, kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ.
Thầy Lê Phạm Thành nhận định về cơ bản, câu trả lời của Thanh Tùng có ý đúng. Tuy nhiên, đáng tiếc là nam sinh đã nói sai bản chất của hai điện cực. Nam giáo viên đưa ra ý kiến của mình cho câu hỏi như sau:
Do kẽm là kim loại hoạt động hơn nên đóng vai trò là anot (điện cực âm) của pin điện và bị oxi hoá (ăn mòn hay "gỉ"): Zn -> Zn2+ + 2e.
Còn vỏ tàu biển làm bằng thép, hợp kim Fe-C, có Fe là kim loại kém hoạt động hơn Zn nên Fe đóng vai trò là catot (điện cực dương) trong pin điện nên không bị ăn mòn điện hoá.
Theo thầy Thành, Thanh Tùng chỉ trả lời đúng khoảng 60% câu này. Ban tổ chức chương trình có thể cân nhắc cho điểm nhưng cần có lời giải thích thỏa đáng đến thí sinh và khán giả.
Câu hỏi thứ hai trong gói Về đích chương trình Đường lên đỉnh Olympia của chính nam sinh Hà Nội được nêu ra sau một thí nghiệm Hóa học: “Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình đựng khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn dây magie thì lại cháy sáng?”.
Thanh Tùng đưa ra câu trả lời: Bởi vì CO2 là khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào nó sẽ tắt. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên sẽ có MgO và đấy là chất phát sáng khi cháy.
Thầy Lê Phạm Thành nhận xét: "Trong câu hỏi này, Thanh Tùng không những trả lời sai bản chất mà còn thiếu ý. Theo tôi, câu này không nên cho điểm Thanh Tùng".
Nam giáo viên cho rằng lời giải thích hợp lý cho câu hỏi của chương trình như sau:
Thứ nhất, CO2 là khí không duy trì sự cháy nên que đóm tắt ngay.
Thứ hai, Mg là kim loại có tính khử khá mạnh nên ở nhiệt độ cao (đốt cháy) Mg có thể khử được nhiều hợp chất như H2O, SiO2, CO2 và tiếp tục "cháy", phản ứng này tỏa nhiệt mạnh nên dây Mg "cháy sáng": 2Mg + CO2 -> 2MgO + C.
Thầy Thành bày tỏ hy vọng ban tổ chức, đặc biệt là ban cố vấn môn Hoá, sẽ có câu trả lời rõ ràng và công minh để các em học sinh và khán giả không còn băn khoăn.
Giáo viên dạy Hóa nêu quan điểm về hai câu hỏi gây tranh cãi tại Olympia Thầy Phạm Lê Thành cho rằng ở cả hai câu hỏi, thí sinh Thanh Tùng chưa đưa ra được câu trả lời xứng đáng để nhận điểm số từ chương trình.
Theo Thu Thảo/ Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN