"Tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế" là mối quan tâm không những chỉ của người bệnh, của ngành y tế mà là của toàn xã hội.
Hiện nay, khi chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao thì nhu cầu khám chữa bệnh để đảm bảo sức khỏe ngày càng được chú trọng. Cũng chính vì thế, nhu cầu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để được thăm khám, chăm sóc của người dân ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, không ít người dân có tâm lý bức xúc mỗi khi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do có quá nhiều phiền toái, khó khăn... Nhiều câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục hành chính về thẻ bảo hiểm y tế? Làm thế nào để việc thăm khám bệnh nhân có bảo hiểm y tế diễn ra nhanh hơn? Có cách nào để người có bảo hiểm y tế được cấp loại thuốc tốt nhất như người phải bỏ tiền ra mua không?...
Tất cả các vấn đề đó sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế", được tổ chức vào 14h chiều 26/10/2018 tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức – số 15AV Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội với các khách mời:
- BS Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế
- Ths.Bs Nguyễn Đăng Tố - Trưởng khoa khám bệnh - BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ
- BS Đỗ Xuân Cảnh - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phổi Trung ương
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
|
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phổi TW (bên phải) giao lưu trực tuyến với bạn đọc Kiến Thức. |
- Thưa ông, làm cách nào để đơn giản nhất thủ tục hành chính về thẻ BHYT?, ví dụ như người đã mua bảo hiểm y tế khi phải vào BV, thân nhân chỉ cần đọc họ tên, địa chỉ... hệ thống dữ liệu sẽ cập nhật cho nhân viên Y tế. Vì trong tình huống khẩn cấp, hầu như ai cũng vội vã nên không nhớ, kịp mang theo BHYT.
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Khi bệnh nhân đến khám hoặc cấp cứu vội không mang thẻ, bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân và làm thủ tục nhập viện. 24 tiếng sau, bệnh nhân có thể xuất trình thẻ BHYT để được hưởng đầy đủ quyền lợi.
- Tôi đang điều trị bệnh ở viện không phải nơi tôi đăng ký bảo hiểm nhưng ngang cấp với nơi tôi đăng ký đó. Vậy tôi muốn được bảo hiểm thanh toán đúng tuyến thì cần làm thủ tục gì? Và tôi xin hỏi thêm: Ngang tuyến có cần xin giấy chuyển viện không?
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Với trường hợp này, người bệnh đăng ký bảo hiểm ở tuyến ban đầu nào sẽ được hưởng đúng và đủ ở tuyến đó. Bởi vậy người bệnh nên đi khám tại tuyến mình đăng ký bảo hiểm để được hưởng mức tối đa.
Khi bác sỹ đánh giá người bệnh cần thiết phải chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển ngang tuyến để điều trị chuyên khoa thì người bệnh sẽ được hưởng BHYT đúng tuyến.
Về ý thứ 2 mà bạn đọc thắc mắc, tôi xin trả lời là ngang tuyến thì vẫn cần giấy chuyển viện. Bởi ngoài liên quan đến BHYT thì còn vấn đề chuyên môn. Khi bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân ở cơ sở chuyển đến sẽ nắm được tình trạng bệnh của bệnh nhân, các xét nghiệm, các loại thuốc đã dùng.
- Xin ông cho biết, trung bình có bao nhiêu phần trăm người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế khi đến khám ở BVĐK Tỉnh Phú Thọ?
Ths. Bs Nguyễn Đăng Tố: Hiện tại, BVĐK Tỉnh Phú Thọ khám trung bình một ngày khoảng 1.100-1.200 lượt. Theo thống kê, trung bình người bệnh khám BHYT chiếm khoảng 70 %.
|
Ths. Bs Nguyễn Đăng Tố - Trưởng khoa Khám bệnh - BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ (trái) giao lưu với độc giả Kiến Thức. |
- Có nhiều người dân cho biết khi đến bệnh viện thì phải chờ đợi rất lâu, làm nhiều thủ tục để khám theo BHYT, trong khi đó khám dịch vụ thì được ưu tiên nhanh hơn, thuận lợi hơn. Tại sao lại có chuyện này thưa ông?
Ths. Bs Nguyễn Đăng Tố: Câu hỏi này của bạn đọc có hai khía cạnh, thứ nhất về vấn đề người dân phải chờ đợi lâu để được khám thì điều này là do đặc thù khám chữa bệnh (KCB) phải theo qui trình nên sự chờ đợi là khó tránh khỏi.
Hầu như các bệnh viện đều nhận ra, chúng tôi đang cố gắng cải thiện tối đa bằng nguồn lực sẵn có và sự đầu tư tích cực nguồn vốn xã hội hóa (XHH) theo qui định của nhà nước để khắc phục vấn đề này.
Hiện nay, chúng tôi đã mua sắm thêm các trang thiết bị, xây thêm phòng khám/phòng bệnh và đặc biệt áp dụng công nghệ thông tin vào hầu hết tất các các hoạt động như: tiếp đón, khám chữa bệnh, thanh toán... và thực tế chúng tôi ngày càng giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Hơn nữa với sự vào cuộc của Ban lãnh đạo, quán triệt tuyệt đối về qui tắc ứng xử/tinh thần thái độ của nhân viên y tế nên chúng tôi đã có được tỷ lệ hài lòng rất lớn từ người nhà/người bệnh.
Về vấn đề thứ hai, sự ưu tiên với người bệnh khám dịch vụ so với khám BHYT. Điều này này theo tôi không hẳn là như vậy và thực tế là không có bất kỳ sự khác biệt nào trong quá trình tiếp đón, ứng xử hay ưu tiên nào trong quá trình khám chữa bệnh cũng như cấp thuốc.
Ở cả hai nhóm người bệnh đều sẽ được các bác sĩ thăm khám cũng như tư vấn mọi mặt liên quan tới bệnh lí theo đúng chuyên môn, và người bệnh sẽ được thực hiện các chỉ định phù hợp với bệnh lí của mình. Chỉ có một vấn đề khác biệt một chút đó là từ nhu cầu của người dân, muốn khám nhanh và sẵn sàng chi trả thêm các chi phí, chúng tôi đã đầu tư một Trung tâm Khám bệnh Chất lượng cao tại một khu riêng biệt với nguồn vốn XHH, hoạt động như một “bệnh viện thu nhỏ”.
Tại đây tất cả mọi nguồn lực từ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, con người... đều được đầu tư từ nguồn vốn XHH. Mọi hoạt động là tự chủ và hạch toán độc lập để phục vụ những người bệnh có nhu cầu.
Người bệnh khám dịch vụ chi trả trực tiếp nên các giấy tờ pháp lí liên quan cũng đơn giản hơn, thêm nữa số lượng người khám dịch vụ vẫn chưa vượt quá công suất của các trang thiết bị ở đây nên việc thực hiện KCB và trả kết quả có nhanh hơn.
Dẫu vậy, cuối cùng tôi xin nhắc lại, không có bất kỳ sự khác biệt nào hay sự ưu tiên nào ở hai nhóm người bệnh này.
- Gia đinh tôi có 4 người trong một hộ khẩu, 3 người đã có thẻ BHYT bên bắt buộc. Một người còn lại mua hộ gia đình có được giảm không, thưa ông?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Theo quy định về giảm trừ mức đóng khi gia đình có nhiều thành viên tham gia, nếu 3 trong tổng số 4 thành viên trong gia đình đã mua BHYT thuộc các đối tượng khác thì thành viên còn lại sẽ không được giảm trừ mức đóng.
|
Bác sĩ Phạm Văn Toàn - Phó vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế. |
- Xin ông cho biết, có cách nào để người có bảo hiểm y tế được cấp loại thuốc tốt nhất như người phải bỏ tiền ra mua không? Rất nhiều người mua bảo hiểm y tế chấp nhận mức phí cao để được hưởng điều này!
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Đầu tiên bạn phải hiểu khái niệm thế nào là thuốc tốt nhất. Ở đây, thuốc tốt nhất là thuốc có hiệu quả điều trị với chi phí phù hợp.
BHYT hiện có hai loại, bao gồm:
- BHYT xã hội với mức hưởng không phụ thuộc vào mức đóng – nguyên lý chia sẻ “đóng theo khả năng, hưởng theo bệnh tật”.
- BHYT thương mại: đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng ít.
Nếu người bệnh muốn hưởng dịch vụ tốt nhất, đắt tiền nhất thì có thể tham gia BHYT thương mại với các khoản chi trả theo luật kinh doanh bảo hiểm.
- Con tôi mua bảo hiểm y tế trường học tại một bệnh viện ở quận 1. Ngày cuối tuần ở nhà, bé chẳng may bị té chấn thương vùng đầu nên tôi vội đưa bé vào bệnh viện có mua bảo hiểm y tế nói trên. Tại đây, dù tôi có nói bé có bảo hiểm nhưng nhân viên y tế vẫn yêu cầu tôi đưa bé đến Bv Nhi Đồng vì ở đây không cấp cứu, điều trị cho trẻ em?
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Nguyên tắc cấp cứu hiện nay, chúng tôi phải xử lý sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân ổn định về toàn trạng mới chuyển đến nơi điều trị phù hợp đúng chuyên khoa.
Trong trường hợp trên, có lẽ trong quá trình bác sĩ trao đổi, giao tiếp với bệnh nhân, hai bên chưa hiểu nhau. Và cũng vì người mẹ đang lo lắng đến tình trạng của con mình nên khi bác sĩ trao đổi về vấn đề chuyên môn, người nhà chưa hiểu rõ vấn đề.
Thế nên, trong mọi trường hợp phụ huynh nên bình tĩnh để lắng nghe rõ hơn, hiểu hơn về vấn đề. Về việc chi trả bảo hiểm, khi chuyển lên Bệnh viên Nhi vẫn được hưởng BHYT theo đúng tuyến theo mức tối đa.
- Mẹ tôi 64 tuổi bị mất CMTND chưa làm lại được. Khi đi khám tại bệnh viện xuất trình thẻ hội viên người cao tuổi bị nhân viên BHYT từ chối, nhưng mặt sau thẻ BHYT thì chỉ cần giấy tờ tùy thân có ảnh. Tôi hỏi vậy có đúng hay không? Tôi phải tìm gặp ai để khiếu nại việc này?
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Trong trường hợp này, mẹ của bạn Lê Na vẫn được khám có BHYT, chỉ cần có giấy tờ tùy thân có ảnh giáp lai đúng tên tuổi, địa chỉ.
- Tôi có tham gia BHYT, nơi KCB ban đầu là BV Huyện. Vậy khi sinh con tôi muốn sinh ở BVĐK Tỉnh hoặc BV Phụ sản ở các tỉnh khác thì có được BHYT thanh toán không? Nếu có thì mức thanh toán như thế nào.
Ths.Bs Nguyễn Đăng Tố: Từ đầu năm 2016 Bộ Y tế đã có thông tư về khám chữa bệnh (KCB) thông tuyến quận/huyện nên nếu người bệnh đi khám chữa bệnh ở các quận/huyện khác thì được coi là đúng tuyến và được hưởng theo đúng chế độ.
Còn nếu người bệnh đăng ký KCB ban đầu tại tuyến Huyện mà muốn sinh ở BVĐK Tỉnh hoặc BV Phụ sản ở tỉnh khác thì xảy ra những tình huống sau:
- Nếu người bệnh trong tình trạng cấp cứu có nguy hại đến mẹ và con (chảy máu cấp, thai có rau cuốn cổ nguy hiểm cho thai...) được bác sĩ xác định thì họ sẽ được hưởng đúng tuyến theo hình thức cấp cứu.
- Nếu tình trạng không có gì đặc biệt thì người bệnh sẽ được hưởng chế độ BHYT trái tuyến. Chế độ trái tuyến sẽ được hưởng từ 40-60% tùy hạng bệnh viện và tùy theo đối tượng BHYT của mình.
- Tôi có bảo hiểm ở tuyến huyện, khi chuyển thủ tục vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh khám thì rất đơn giản, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn ra tuyến TW thì lập tức bị từ chối? Cho tôi hỏi, có phải bảo hiểm y tế hiện tại đang khống chế mức chi trong từng tỉnh khiến cho bệnh nhân chịu thiệt khi khó mà được chuyển khám chữa bệnh theo tuyến TW?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Việc chuyển tuyến phải có chỉ định chuyên môn, BHYT chỉ là yếu tố thứ hai.
Trong trường hợp trên, nếu bệnh tình của bệnh nhân vượt quá khả năng của tuyến huyện sẽ có thể được chuyển lên tuyến tỉnh. Chỉ trong trường hợp tuyến tỉnh không có khả năng chữa trị thì mới được phép chuyển lên tuyến TW. Việc quy định chuyển vượt tuyến, Bộ y tế giao cho Sở y tế quy định nhằm giúp giảm tình trạng quá tải ở tuyến TW.
- Hiện người di cư nhiều, nếu theo đúng tuyến họ có thể chạy mấy chục km để khám chữa bệnh. Như vậy phải khám chữa bệnh trái tuyến, mà trái tuyến thì không được hưởng bảo hiểm? Có giải pháp nào cho câu chuyện này không, thưa ông?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Điều này đã được quy định trong thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ y tế. Theo đó, những trường hợp di cư, tạm trú ở các địa phương khác được khám chữa bệnh ở cơ sở tương đương với cơ sở đã đăng ký trên thẻ BHYT. Tuy nhiên, người khám bệnh cần có giấy tạm trú, quyết định cử đi công tác để có thể được khám chữa bệnh đúng tuyến ở bệnh viện khác với bệnh viện đã đăng ký trên BHYT.
- Khi đi khám bệnh vượt tuyến hoặc trái tuyến, mức hưởng BHYT của người bệnh sẽ ra được quy định từ ngày 1/7/2018 ra sao? Xin cho biết, hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT được quy định như thế nào?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Từ ngày 1/1/2016, khi người bệnh đi khám không đúng tuyến thì:
- Ở tuyến huyện sẽ được thanh toán như đúng tuyến.
- Ở tuyến tỉnh, ngoại trú 0%, nội trú 60% và theo mức hưởng.
- Ở tuyến trung ương ngoại trú 0%, nội trú 40% và theo mức hưởng.
Hồ sơ thanh toán trực tiếp bao gồm: Thẻ BHYT, giấy tờ xác định nhân thân, giấy ra viện hoặc phiếu khám, hoá đơn và các chứng từ liên quan.
- Không ít bệnh nhân cho rằng khi khám bảo hiểm y tế và khám dịch vụ, thái độ phục vụ của bác sĩ, điều dưỡng rất khác nhau? Ở bệnh viện của ông có xảy ra tình trạng này không? Và nếu có thì khắc phục thế nào?
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Thực tế không có sự khác biệt trong sự phục vụ bệnh nhân khám BHYT và bệnh nhân khám theo yêu cầu. Bệnh nhân thường chưa hiểu rõ vấn đề, cho rằng vì có BHYT ít được coi trọng. Tuy nhiên các nhân viên y tế lại rất mong các bệnh nhân có BHYT. Khi người bệnh có BHYT, bác sĩ sẽ yên tâm điều trị cho người bệnh hơn.
Không có khác biệt nhiều giữa bệnh nhân khám BHYT và bệnh nhân khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Phổi TW. Tất cả người bệnh đến bệnh viện đều được hưởng dịch vụ tốt nhất.
- Bệnh nhân thường có tâm lí khi đi khám chữa bệnh theo BHYT sẽ không được hưởng nhiều ưu đãi, sợ khám không cẩn thận hay được phát thuốc không phải là loại tốt nhất... Xin anh chị cho biết liệu có sự phân biệt này ở bệnh viện mình hay không?
Ths. Bs Nguyễn Đăng Tố: Theo tôi, nếu sự việc trên là có thật thì chỉ xuất phát từ các bác đã rất nhiều năm rồi không đi khám chữa bệnh tại BVĐK Tỉnh Phú Thọ.
Ngay từ năm 2012, dưới sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt của ban lãnh đạo, chúng tôi đã có sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng phục vụ.
Đặc biệt giai đoạn từ 2015 lãnh đạo bệnh viện đã quán triệt về tinh thần thái độ cũng như quy tác ứng xử trong giao tiếp với người nhà/người bệnh. Do đó các bệnh nhân đều được trao đổi ân cần, tư vấn đầy đủ, KCB theo đúng chuyên môn ở bất kỳ nhóm đối tượng nào.
Thế nên, tôi xin được khẳng định là không có bất kỳ sự phân biệt hay ưu tiên nào giữa các nhóm người bệnh đến khám chữa bệnh, mọi người bệnh đều được khám chữa bình đẳng như nhau, được hưởng theo đúng chế độ của mình.
- Mẹ tôi có BHYT theo diện người có công với cách mạng, miễn phí 100% tiền khám chữa bệnh nếu khám đúng tuyến. Trong trường hợp mẹ tôi xin được giấy chuyển viện từ tuyến dưới để ra khám chữa tại tuyến Bệnh viện nội tiết TW, nếu có giấy hẹn tái khám của bác sĩ bệnh viện tuyến TW thì lần tái khám mẹ tôi có phải xin giấy chuyển viện nữa không?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Trong 62 bệnh và trường hợp bệnh được quy định trong thông tư 40/2015/TT-BYT thì được phép sử dụng giấy chuyển viện trong vòng 1 năm để có thể tái khám mà không cần xin lại.
- Tôi có đi khám tại bệnh viện T, đây là bệnh viện tư không có nhận khám chữa bệnh theo BHYT. Tuy nhiên, tôi nghe nói là trường hợp này vẫn được BHYT chi trả lại tiền KCB. Tôi muốn hỏi có quy định nào về trường hợp này không?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Nội dung này hiện nay đã được quy định trong thông tư số 41/2014. Ngoài ra, ngày 17/10/2018 chính phủ có ban hành nghị định 146 theo đó nếu khám chữa bệnh tại những nơi không đăng ký BHYT thì người bệnh được thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH.
- Hiện nay, rất nhiều bệnh viện chú trọng việc mở các khoa dịch vụ, điều này có ảnh hưởng gì đến việc các bệnh nhân khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế không, thưa ông?
Bác sĩ Đỗ Xuân Cảnh: Liên quan đến dịch vụ của bệnh viện, tất cả các bệnh nhân tại bệnh viện đều được chăm sóc tối ưu nhất, tốt nhất. Hoàn toàn không có chuyện khám dịch vụ, khám yêu cầu được ưu tiên hơn.
Tôi có thể khẳng định, bệnh nhân khám chữa bệnh theo BHYT không hề bị ảnh hưởng gì. Tại viện Phổi TW, hầu như mỗi bệnh nhân đều được nằm một giường và được chăm sóc y tế như nhau.
- Về khám: Bệnh nhân khám BHYT và bệnh nhân khám dịch vụ, khám theo yêu cầu không khác gì nhau. Thậm chí, bệnh nhân khám BHYT còn được hưởng lợi nhiều hơn.
- Về điều trị: Giường nằm của bệnh nhân khám dịch vụ, khám theo yêu cầu tốt hơn một chút so với bệnh nhân BHYT. Còn về việc thăm khám điều trị là như nhau.
- Một bệnh nhân vừa tiết lộ khi đến BV mổ u, chị được các bác sĩ tư vấn rất nhiều về vấn đề mổ dịch vụ thay vì mổ theo bảo hiểm? Xin ông cho biết sự khác biệt giữa vấn đề mổ theo bảo hiểm và mổ dịch vụ, và bác sĩ làm như vậy có đúng hay không?
Ths. Bs Nguyễn Đăng Tố: Trước khi trả lời câu hỏi thì tôi cũng xin chia sẻ với độc giả là ngày nay người dân có nhu cầu được chọn bác sĩ, chọn chuyên gia điều trị cho mình, thậm chí là chọn giờ mổ (như trong mổ đẻ) và họ sẵn sàng chi trả cho việc đó.
Từ nhu cầu của xã hội, bệnh viện chúng tôi được sự đồng ý của UBND Tỉnh đã ký kết hợp đồng với rất nhiều các chuyên gia là các thầy, các GS/TS ở các bệnh viện tuyến TW... đúng theo qui định của pháp luật, nên điều này là hoàn toàn đúng, tốt cho bệnh viện và trên hết là tốt cho người nhà/người bệnh.
Còn vấn đề sự khác biệt giữa mổ dịch vụ và mổ theo bảo hiểm như sau:
- Khi người nhà/người bệnh có nhu cầu mổ dịch vụ (lựa chọn chuyên gia, lựa chọn giờ..) sẽ được tư vấn và giải thích tỉ mỉ, ký cam kết tự nguyện.
- Người nhà/người bệnh sẽ được sắp xếp lịch mổ và chuyên gia mổ theo đúng nhu cầu (nhưng phải phù hợp với chuyên môn) và họ vẫn được hưởng tất cả mọi chế độ BHYT nếu có.
- Người nhà/người bệnh chỉ phải đóng thêm khoản chi phí mời chuyên gia mà đã được bệnh viện làm hợp đồng theo quy định.
- Tôi có đăng ký bảo hiểm y tế tự nguyện ở bệnh viện Giao thông vận tải, Hà Nội. Vậy khi khám chữa bệnh tại bệnh viện khác có được giảm chi phí không? Và tôi có thể khám ở những bệnh viện nào trong thành phố được? Và mức tiền phải thanh toán khi đi trái tuyến ra sao?
Bác sĩ Phạm Văn Toàn: Từ 1/1/2015, không còn hình thức BHYT tự nguyện, luật BHYT quy định bắt buộc mọi đối tượng quy định trong luật phải tham gia BHYT.
Nếu bạn đăng ký tại Bệnh viện (BV) GTVT và khi có chỉ định chuyển viện từ viện GTVT sẽ được hưởng như khám chữa bệnh tại viện này.
Trường hợp không có giấy giới thiệu, không phải cấp cứu và khám tại BV tuyến huyện sẽ được hưởng như đúng tuyến.
Nếu ở BV tuyến tỉnh không có giấy giới thiệu, BHYT không thanh toán chi phí KCB ngoại, thanh toán 60% chi phí KCB nội trú theo mức hưởng.
Nếu ở BV tuyến TW không có giấy giới thiệu, BHYT không thanh toán chi phí KCB ngoại, thanh toán 40% chi phí KCB nội trú theo mức hưởng.
Thưa các bạn, trong 1 giờ vừa qua, chúng ta đã được trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề nóng Bảo hiểm y tế. Chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả, tuy nhiên, do thời lượng có hạn, chúng tôi xin trở lại vào chương trình giao lưu trực tuyến lần sau.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình và giải đáp các thắc mắc cho độc giả báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn Bộ Y tế đã hợp tác cùng Báo điện tử Kiến Thức thực hiện chương trình này.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!