Gần 350.000 thí sinh thi môn khoa học tự nhiên THPT

Sáng nay 26/6, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ thi bài thi khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh) với thời gian làm bài 150 phút.
Gan 350.000 thi sinh thi mon khoa hoc tu nhien THPT
Thí sinh dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Chí Thanh quận Tân Bình TP.HCM - ẢNH: NHƯ HÙNG 
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy kỳ thi THPT quốc gia năm nay có gần 350.000 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên.
Ngoài ra, còn có một tỉ lệ nhất định thí sinh dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, một điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là thời gian chuẩn bị giữa hai môn thi thành phần của bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút, gồm: thu đề thi, giấy nháp thi… của môn thi trước trong 5 phút và phát đề của môn thi sau trong 5 phút.
Như vậy, quy định về thời gian này giảm đi một nửa so với năm 2017. Việc điều chỉnh này nhằm tránh lộn xộn và đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng trong công tác coi thi bài thi tổ hợp của kỳ thi THPT 2018.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ ký của cán bộ coi thi).
Các cán bộ coi thi cũng có trách nhiệm phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… này nếu phát hiện vi phạm.
Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý công tác coi thi với thí sinh không thi đủ cả ba môn thi thành phần.
Trong khoảng thời gian nghỉ chờ và làm thủ tục thi giữa 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, thí sinh đã thi môn thành phần trước đó nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lý thì được giám thị xem xét cho phép ra ngoài phòng thi.
Tuy nhiên, thí sinh phải nộp Phiếu trả lời trắc nghiệm cho giám thị, chịu sự quản lý và phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng thi.
Giám thị và cán bộ giám sát cần phối hợp chặt chẽ để cho thí sinh có nhu cầu lần lượt ra ngoài phòng thi, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến trật tự phòng thi, trường thi.
1% thí sinh mắc lỗi tô phiếu trả lời trắc nghiệm
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thực tế có khoảng 1 % thí sinh mắc lỗi trong khi tô phiếu trả lời trắc nghiệm. Các lỗi thường mắc phải là:
- Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
- Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu trả lời trắc nghiệm, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra.
Theo đó, trong quá trình chấm thi, phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GD-ĐT.
Theo Ngọc Hà/Tuổi Trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN