Du xuân, chơi Tết 2018, người dân cần lưu ý các “điểm đen” TNGT nào?

  Để có một cái Tết hạnh phúc bên người thân và gia đình, người dân khi đi du xuân, chơi Tết 2018 cần phải nhớ một số điểm đen tai nạn giao thông để cầm lái cẩn thận, bảo toàn sinh mạng cho mình và cả người khác.
Để phục vụ người dân đón Tết nguyên Đán 2018 được an toàn, thuận lợi, các lực lượng chức năng cả nước luôn làm việc liên tục nhất là CSGT. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là xảy ra tai nạn giao thông mà người dân vẫn chưa biết đến.
Hà Nội
Tuyến đường Trường Chinh lâu nay người dân vẫn khiếp sợ vì thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Mặc dù được mở rộng nhưng vẫn còn đoạn cong queo, trong khi mật độ phương tiện qua đây rất đông nên thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Người dân cần chú ý khi đi trên đường Trường Chinh về quê nghỉ Tết vì rất dễ rơi vào cảnh ùn tắc.
 Cảnh ùn tắc kinh hoàng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Tuyến đường Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh (Hà Nội), vào các khung giờ cao điểm thường xuyên xảy ra hỗn loạn giao thông, các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Đây cũng là một trong những điểm ùn tắc kinh hoàng nếu đi vào các khung giờ cao điểm phương tiện rất dễ bị “chôn chân”.
Tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy, là con đường chính dẫn ra nhiều trường Đại học trên địa bàn thủ đô, tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên đi lại. Trên tuyến đường này còn có những người dân từ các quận, huyện ngoại thành di chuyển hàng hóa vào trung tâm thành phố Hà Nội hay đi qua nên đường bị tắc nghẽn.
Đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng cũng thường xuyên bị ùn ứ. Đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. vào những khung giờ cao điểm ô tô đi lại rất nhiều, thậm chí đi dàn hàng ngang khiến các phương tiện khác phải lao lên vỉa hè mà tìm lối thoát. Tuyến đường này người dân cũng cần chú ý.
Các tuyến đường Nguyễn Trãi; Hầm Kim Liên - ngã tư Xã Đàn Phạm Ngọc Thạch; Ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng do là những tuyến đường huyết mạch của Hà Nội và dẫn ra các bến xe như bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm… nên thường xuyên phải “gánh” nhiều phương tiện lưu thông và xảy ra ùn tắc.
Người dân cũng cần chú ý khi lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ 21B, QL6, QL5 nối từ Hà Nội đi các tỉnh thành… Do có nhiều xe container, xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên xảy ra tai nạn. Chú ý ở các điểm giao giữa đường dân sinh với đường tàu hỏa trên địa bàn các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên...
 Một vụ tai nạn  chiếc xe ô tô bị tàu hỏa tông ở đường ngang thuộc địa bàn thôn Văn Giáp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Thông tin ở Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho báo chí biết, Hà Nội đã giải quyết 17 điểm ùn tắc, xử lý được 46 điểm đen về tai nạn giao thông trong năm 2017; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn Hà Nội còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Tại Hòa Bình
Tại tỉnh Hòa Bình cũng được biết đến là tồn tại rất nhiều “điểm đen” tai nạn giao thông, có những vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường của tỉnh này đã cướp đi tính mạng nhiều người, hư hỏng nhiều phương tiện.
Điển hình, tuyến QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La có địa hình hiểm trở, đường đồi núi ngoằn nghèo, khó khăn, thường xuyên có sương mù, nhiều lái xe ô tô chưa có kinh nghiệm đi đường đèo dốc hoặc xe máy nếu di chuyển trên tuyến đường này nên đi chậm, chú ý quan sát và rà soát lại các phanh xe để kịp xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra, tránh nguy cơ mất ATGT.
 Tai nạn trên QL6 hướng Hòa Bình đi Sơn La, đến địa phận xã Lóng Luông làm 4 người chết tại chỗ.
Ngoài ra, một trong những "điểm đen" được cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đánh giá tiềm ẩn tai nạn là tại nút giao cửa ngõ vào TP Hòa Bình ở Km70. Bởi nút giao này rất hẹp, tầm nhìn bị che khuất nên đã xảy ra xung đột, đối đầu giữa các dòng phương tiện hướng từ Hà Nội đi Sơn La và xe đi từ TP Hòa Bình ra.
Bên cạnh đó, ở một số vị trí trên địa bàn tỉnh Hòa Bình như Km99+800, Km126+300-Km126+900, Km127+300-Km127 +800, Km130 +900… trên QL6 cũng thường xuyên xảy ra tai nạn chết người…
Tại Hưng Yên
Hưng Yên là tỉnh có nhiều tuyến đường với mật độ các phương tiện tham gia lưu thông cao, ví dụ như: Quốc lộ 5, quốc lộ 39, quốc lộ 38, đường liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội, tỉnh lộ 200...
Đặc biệt dịp Tết nguyên Đán 2018, người dân tham gia lưu thông qua ngã tư tại thị trấn Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cần chú ý vì đây đang là một trong các điểm nóng, thường xuyên ùn tắc giao thông. Nút giao thông này có mật độ xe lưu thông cao, nhất là xe container và xe tải cỡ lớn né trạm thu phí chạy qua với lưu lượng hàng trăm xe/ngày. Hơn nữa ở nút giao thông này rất hẹp.
Tại khu vực ngã ba, giao giữa quốc lộ 39 và đường Đồng Lý (thuộc thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động) thường xuyên người dân hay họp chợ ngay ven đường, người mua bán tấp nập nên nếu di chuyển qua đây người dân cần chú ý quan sát.
Tại TP Hồ Chí Minh
Tính từ đầu năm 2017 đến tháng 12/2017, trên địa bàn Thành phố HCM đã phát sinh mới 11 “điểm đen” về tai nạn giao thông. Cụ thể, ở giao lộ Trần Hưng Đạo -Trần Đình Xu (Quận 1 TP HCM), đường Hoàng Sa (Quận 1 TP HCM), chân cầu Phú Mỹ (Quận 2 TP HCM), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3 TP HCM), chân cầu Kênh Tẻ (Quận 4 TP HCM), giao lộ Đỗ Xuân Hợp - đường số 1 (Quận 9 TP HCM), đường Nguyễn Duy Trinh (Quận 9 TP HCM), đường Lý Thường Kiệt (Quận 10 TP HCM) mỗi điểm nêu trên đều có một "điểm đen" về tai nạn, riêng Quốc lộ 1 (Quận Bình Tân) có 3 điểm đen tai nạn giao thông.
 Dòng phương tiện nhúc nhích chen nhau từng cm trên đường Đinh Bộ Lĩnh - Ung Văn Khiêm - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Lao Động.
Mặc dù Sở GTVT TP HCM đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhưng tình hình ùn tắc, nguy cơ gây tai nạn tại những "điểm đen" này vẫn hiện hữu.
Nếu người dân di chuyển về quê hoặc vui chơi dịp Tết nguyên Đán 2018 cần chú ý quan sát tại những tuyến đường nêu trên, nhất là khi đi qua khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh - Ung Văn Khiêm - Xô Viết Nghệ Tĩnh vì thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm; Giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám - Bạch Đằng mỗi ngày, hay bị ùn tắc nhất là vào giờ cao điểm; Tránh tuyến đường Đồng Văn Cống vì thường xuyên ùn tắc kéo dài bởi nhiều xe container đang nhích từng chút một trên đường vào cảng Cát Lái.
Khánh Hoài (T/H)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN